CPTPP và EVFTA cơ hội nào để nông sản Việt cất cánh?

Cùng với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mới đây, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã đưa Việt Nam trở thành một nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội to lớn đó, các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần phải nhận diện rõ cơ hội, thách thức… khi các hiệp định này tác động lên các ngành hàng sản xuất trong nước, trong đó có lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Cơ hội tăng cường xuất khẩu nông sản

Như chúng ta đã biết, Hiệp định CPTPP bao gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, được các nước ký kết và có hiệu lực chính thức với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định này đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch XNK cả nước năm 2018 (cả nước 480,17 tỷ USD). Ngoài ra, Việt Nam cũng xuất siêu sang 5 thị trường gồm: Canada, Chilê, Mexico, Australia và Peru… Bởi thế, khi chính thức có hiệu lực với Việt Nam, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp được dự báo chịu tác động lớn nhất cả về mặt tích cực và tiêu cực.

Nông sản Việt đối mặt với những thách thức lớn từ CPTPP

Nông sản Việt đối mặt với những thách thức lớn từ CPTPP

Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại (FTA) song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan. Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động … cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.

Đánh giá về những cơ hội này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như cà phê (đứng thứ 2 thế giới), gạo (thứ 3 thế giới), thủy sản (thứ 4 thế giới), đồ gỗ (thứ 5 thế giới)… Các FTA, trong đó có CPTPP và EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi trên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khi CPTPP được thực thi cũng là lúc hàng rào thuế quan được xóa bỏ, tuy nhiên một hàng rào mới sẽ mọc lên khắt khe và nghiêm ngặt hơn, đó chính là các hàng rào về kỹ thuật. Chính vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với một ngành vẫn còn nhiều manh mún, chất lượng sản xuất nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém như ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đề cập đến những khó khăn đối với ngành nông nghiệp khi hội nhập CPTPP, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đi chậm hơn các ngành khác. Và hiện ngành nông nghiệp phải đối diện với 3 thách thức lớn đó là: Năng suất lao động thấp, tổ chức sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ; Việt Nam là một trong 5 vùng bị tổn thương lớn nhất về các cơn bão, áp thấp, biến đổi khí hậu (Biến đổi khí hậu mỗi năm gây thiệt hại 1-2 tỷUSD), ảnh hưởng nặng nề tới nông dân - nông thôn và Hội nhập thương mại tự do vừa tạo cơ hội, vừa tạo thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam khi trình độ khoa học công nghệ chưa cao, năng suất thấp, giai đoạn đầu khó cạnh tranh…

Trọng tâm xây dựng, vận hành chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

CPTPP được ghi nhận là Hiệp định có tiêu chuẩn cao, toàn diện và cân bằng, nên Việt Nam sẽ được nhiều hơn mất. Tuy nhiên, theo ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, dưới tác động của các CPTPP, thị trường nông sản trong nước cũng đang dần gia tăng áp lực cạnh tranh. Đó là sự hiện diện và gia tăng số lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Trong số nhiều mặt hàng nông sản đó, Việt Nam vẫn sản xuất được, thậm chí sản xuất với số lượng, chất lượng tốt hơn, nhưng lại khó cạnh tranh được với hàng nhập khẩu về giá thành và uy tín thương hiệu…

“Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA. Qua đó, vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Cùng với những nhận định trên, để có thể nắm bắt được cơ hội từ các Hiệp định FTA, đặc biệt là CPTPP, theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng. Bên cạnh yêu cầu nâng cao nhận thức của doanh nghiệp người dân trong quá trình thực thi CPTPP, các chuyên gia cũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm mà Việt Nam cần triển khai trong thời gian tới là xây dựng, vận hành các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, cần thay đổi phương thức kết nối cung – cầu và tiếp cận chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; phương thức tiếp cận các thị trường khu vực đối với nông sản Việt. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, có quy mô và tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu cụ thể của thị trường xuất khẩu. Có như thế nông sản Việt mới có cơ hội "cất cánh".

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho biết, hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức từ quá trình thực thi...

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cptpp-va-evfta-co-hoi-nao-de-nong-san-viet-cat-canh-93385.html