CPTPP và áp lực đổi mới chính sách để tận dụng tối đa cơ hội thị trường

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thiết lập để trở thành hiệp định thương mại biến đổi nhất trong nhiều thập kỷ. Điều làm cho FTA này trở nên quan trọng là bản chất sâu sắc, đan xen của các cam kết phản ánh chính xác hơn cách thức kinh doanh được tiến hành ngày nay, giúp thiết lập một khung cấu trúc rõ ràng hơn cho hoạt động kinh tế trong tương lai.

Tuy nhiên, một trong những thách thức mà nhiều nhà bình luận đã gặp phải khi mô tả tác động của CPTPP là hầu hết chỉ tập trung chú ý vào một hoặc hai yếu tố của hiệp định. Nhìn riêng rẽ từng góc độ, các chương của hiệp định không phải lúc nào cũng hoàn toàn khác biệt so với những cam kết đã có trước đây trong các hiệp định khác.

Hiệp định CPTPP hoàn chỉnh có 30 chương gồm gần 600 trang văn bản pháp lý dày đặc kèm theo hàng nghìn trang phụ lục biểu cam kết của từng quốc gia về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm chính phủ, và hơn thế nữa, cùng với hàng chục trang các thư trao đổi song phương. Nếu chỉ mô tả các yếu tố nhất định của hiệp định này hoặc cố gắng đo lường từng phần nội dung của hiệp định sẽ không nắm bắt đúng các vấn đề mà hiệp định mang lại. Từ đó, có thể dẫn đến mô tả về CPTPP cho thấy ít tham vọng hơn thực tế hoặc sẽ mang lại ít lợi ích kinh tế hơn cho các công ty và người tiêu dùng.

Trong nhiều thập kỷ cắt giảm thuế quan có đi có lại tại WTO và một loạt các hiệp định thương mại song phương và khu vực đã giải quyết các vấn đề tiếp cận thị trường đối với hàng hóa. Và đây tiếp tục là nội dung cam kết quan trọng trong CPTPP. Để nắm bắt tốt nhất lợi ích của CPTPP, có thể xem xét ví dụ về sản phẩm nến. Một công ty sản xuất nến sẽ có thể tận dụng ít nhất hàng chục chương cam kết khác nhau trong CPTPP. Do đó, ngay cả một công ty nhỏ muốn sử dụng hiệp định để xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP cũng sẽ thấy sự bùng nổ doanh số tại 7 quốc gia (Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam) là các nước đang thực thi hiệp định.

Trước hết, hoạt động như thuế đối với hàng xuất khẩu, được cam kết giảm trong hiệp định. Nhiều mức thuế khá cao, khiến xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Chẳng hạn, tại Việt Nam, mức thuế trước CPTPP là 24% và sẽ giảm về 0 sau hai năm. Mức thuế 5,5% của Canada đã giảm xuống 0 vào ngày đầu tiên hiệp định có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Mexico có thuế suất 30% giảm xuống 0 trong lộ trình 8 năm. Malaysia tính thuế 15% sẽ được loại bỏ trong 6 năm. Mỗi lần giảm thuế này cho phép các công ty sản xuất nến trở nên cạnh tranh hơn ở các thị trường này so với nến từ các công ty nằm ngoài thị trường CPTPP.

Thứ hai, các công ty sản xuất nến, giống như tất cả các thành viên CPTPP, có thể tận dụng các quy tắc xuất xứ. Tóm lại, điều đó có nghĩa là một khi công ty đáp ứng các tiêu chí sản xuất sản phẩm bên trong CPTPP, có thể được chuyển đến tất cả các thành viên CPTPP khác mà không có bất kỳ thay đổi nào trong sản xuất vì hiệp định sử dụng cùng một quy tắc xuất xứ cho tất cả 11 quốc gia thành viên. Các công ty cũng có thể bổ sung hoặc sử dụng xuất xứ “cộng gộp” từ tất cả các quốc gia CPTPP để tính vào nguồn gốc hàng hóa. Ví dụ, công ty nến có thể thêm hương cam quýt từ Việt Nam và hoa oải hương từ Mexico với sáp có nguồn gốc từ hóa chất ở Singapore. Cộng gộp là một yếu tố chính của một hiệp định khu vực, vì nó cung cấp cho các công ty nhiều lựa chọn tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô, các bộ phận và linh kiện hơn là chỉ yêu cầu hàm lượng giá trị khu vực hoặc tìm nguồn cung ứng từ chỉ hai bên như trong hiệp định thương mại song phương.

Nến thành phẩm có thể được vận chuyển dễ dàng hơn bằng cách sử dụng các quy tắc thuận lợi hóa thương mại trong CPTPP, cho phép tự chứng nhận hoặc giao hàng mà không cần một tài liệu cụ thể được gọi là giấy chứng nhận xuất xứ. Các công ty cũng có thể yêu cầu các quan chức hải quan phân loại nến bằng cách sử dụng một thứ gọi là phán quyết trước, vì vậy công ty có thể tin tưởng rằng nến sẽ được phân loại là nến chứ không phải là một sản phẩm có tên là “hàng hóa khác” và phải chịu mức thuế cao hơn hoặc các quy tắc xuất xứ khác tại biên giới. Công ty sản xuất nến cũng có thể dễ dàng cung cấp và tiếp cận các dịch vụ chính để bán sản phẩm. Tiếp thị, phân phối và bán lẻ là rất quan trọng cho sự thành công của sản phẩm. Điều này bao gồm phân phối quảng cáo trực tuyến và sử dụng các kênh thương mại điện tử. CPTPP bảo vệ và mở rộng quyền tiếp cận cho các công ty trong dịch vụ, đầu tư và thương mại điện tử.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng khác đối với công ty nến là bảo vệ khoản đầu tư sở hữu trí tuệ đằng sau sản phẩm, bao gồm thương hiệu, bao bì và thậm chí cả mùi hương. CPTPP giúp bảo vệ các khoản đầu tư này và thực thi được tăng cường để ngăn chặn các sản phẩm giả xuất hiện trên thị trường. Do có rất nhiều lợi ích mới, một công ty nến có thể xem xét lại chiến lược hoạt động và tăng trưởng của mình. Các thị trường không hấp dẫn trước đây, vì mức thuế quá cao, vì vận chuyển hàng hóa quá tốn kém, vì sự chậm trễ biên giới là không thể tránh khỏi, hoặc vì không thể đầu tư bán lẻ, có thể đột nhiên trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Ví dụ về nến cho thấy những lợi ích tiềm năng của CPTPP và cả những thách thức trong việc mô tả hiệp định này. Các nhà bình luận có xu hướng tập trung vào việc cắt giảm thuế, nhưng đối với một nhà sản xuất nến, việc bảo vệ mùi hương là quan trọng nhất. Vì nếu không có mùi hương, một ngọn nến chỉ là sáp và bấc.

CPTPP không chỉ đơn thuần là giải quyết tự do hóa hàng hóa và sau đó lặp lại các cam kết hiện tại của WTO đối với các dịch vụ, giống như nhiều FTA khác, với quyền tiếp cận thị trường bổ sung hoặc lợi ích đối xử quốc gia hạn chế. Thay vào đó, CPTPP mở ra thương mại dịch vụ theo những cách hoàn toàn mới. Như ví dụ về nến, lợi ích của tự do hóa dịch vụ có thể khó nắm bắt. Ngay cả các nhà đàm phán tham gia vào các cuộc đàm phán CPTPP đôi khi đã đấu tranh để giải thích làm thế nào hiệp định này sẽ giúp các công ty cạnh tranh hiệu quả hơn. Đo lường lợi ích trong dịch vụ và đầu tư là đặc biệt khó khăn. Điều này là do, không giống như nhiều FTA khác, CPTPP đã mở cửa mọi ngành và phân ngành một cách tự động ngay bây giờ và trong tương lai với rất ít ngoại lệ.

Minh Việt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cptpp-va-ap-luc-doi-moi-chinh-sach-de-tan-dung-toi-da-co-hoi-thi-truong-118827.html