CPTPP sẽ mở ra trang mới cho quan hệ kinh tế Việt - Nhật

Bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng CQĐD Việt Nam ở nước ngoài và Doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam về những triển vọng cũng như những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp phải khi Hiệp định CPTPP chính thức đi vào hoạt động.

Hiệp định CPTPP đã được 11 thành viên, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản, ký vào ngày 8/3/2018 tại thủ đô Santiago, Chile. Cho đến nay, Mexico, Nhật Bản và Singapore đã hoàn tất quá trình phê chuẩn Hiệp định này. Việt Nam và các nước thành viên còn lại đang khẩn trương triển khai các thủ tục pháp lý trong nước để trình Quốc hội xem xét phê chuẩn nhằm sớm đưa Hiệp định vào thực thi, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp của tất cả các thành viên.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường.

Dù tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ của Hiệp định TPP nhưng về cơ bản CPTPP vẫn được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định CPTPP đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.

Với những cam kết mang tính toàn diện và có mức độ sâu và rộng như vậy, Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ cho Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng tích cực, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng sẽ mang đến nhiều cơ hội tiếp cận thị trường cho cả doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể như sau:

Về thương mại hàng hóa, theo biểu cam kết của mình, Việt Nam có nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan đối với trên 65% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và gần 98% số dòng thuế sau 10 năm, các mặt hàng còn lại có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ). Trong đó, đa số các mặt hàng nông sản được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực như một số sản phẩm sữa,… Các mặt hàng nông sản khác có lộ trình xóa bỏ thuế quan vào năm thứ 4 gồm một số loại hoa quả như nho, táo, lê, cam...

Ngược lại, Nhật Bản cam kết xóa bỏ 86% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và xóa bỏ khoảng 95,6% số dòng thuế vào năm thứ 11. So với cam kết tại Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), nhiều mặt hàng ưu tiên của Việt Nam được rút ngắn đáng kể lộ trình.

Đa số mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ghẹ, cà phê rang xay, các loại gia vị, hạt điều, củ quả đóng hộp, hoa tươi, các loại quả có múi,…

Một số mặt hàng nông sản khác có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 5 hoặc thứ 6 gồm các loại quả ôn đới, 1 số loại rau như cà chua, ngô, đậu, chè xanh và chè đen, thịt gà, một số loại thịt bò… Toàn bộ các dòng hàng thủy sản không cam kết xóa bỏ thuế trong VJEPA sẽ được xóa bỏ trong CPTPP với lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 6, năm thứ 11 hoặc năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư với mức độ tự do hóa cao dự kiến sẽ có tác động tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đối với một số ngành dịch vụ mà Nhật Bản ưu tiên và có thế mạnh như dịch vụ phân phối, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ quảng cáo, dịch vụ logistics, dịch vụ bất động sản và một số ngành sản xuất như ô tô, v.v.., cam kết của Việt Nam trong CPTPP đều cao hơn so với các cam kết trong WTO cả về diện và mức độ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư Nhật Bản như tập đoàn bán lẻ AEON, v.v.. vào thị trường Việt Nam sẽ được hưởng nhiều đối xử ưu đãi hơn và được bảo vệ tốt hơn.

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP sẽ giúp các nước, trong đó có Việt Nam và Nhật Bản có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi CPTPP có hiệu lực. Với tiềm năng và thế mạnh của một những quốc gia với nhiều tập đoàn hàng đầu về máy móc thiết bị điện tử và khoa học – công nghệ, các doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ của Nhật Bản có thể cân nhắc, đầu tư vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, từ đó tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng này.

Theo thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Nhật Bản năm 2017 đạt 33,84 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2016. Hiệp định CTPP – với những lợi ích hữu hình nêu trên – sẽ mang lại cơ hội to lớn cho doanh nghiệp các nước CPTPP, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam, mở rộng thị trường hàng hóa, dịch vụ và đẩy mạnh đầu tư.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế và chính trị tại một số khu vực trên thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp chẳng hạn như căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự kiện Brexit, v.v.. thì việc các nước thành viên CPTPP cùng nhau nỗ lực thúc đẩy quan hệ và thương mại đầu tư trong khu vực có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây được coi là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với quy mô chiếm 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 500 triệu dân, có khả năng đem lại các lợi ích thiết thực, giúp thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tất nhiên, mặt thách thức do cam kết mở cửa thị trường mạnh hơn nữa đối với các doanh nghiệp, các nhà sản xuất của Việt Nam cũng rất lớn.

Vì những lý do nêu trên, tôi tin rằng Hiệp định CPTPP sẽ mở ra một trang mới trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác toàn diện chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản.

PV.

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/cptpp-se-mo-ra-trang-moi-cho-quan-he-kinh-te-viet-nhat-75806.html