CPTPP: Sân chơi mới của nông sản Việt

Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới cho nông sản Việt; Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân tận dung cơ hội từ Hiệp định này.

Sáng 2/7/2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” để nhận diện những thời cơ, cơ hội và thách thức, khó khăn tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam.

CPTPP - sức ép để ngành nông nghiệp đột phá

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, ông Thào Xuân Sùng khẳng định, tham gia Hiệp định CPTPP, chúng ta đã thể hiện sự chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế.

Hiệp định đối tác và toàn diện xuyên Thái Bình Dương CPTPP gồm 11 nước thành viên. Về cơ bản, CPTPP tạo ra cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó, có nông sản Việt Nam, nhất là thị trường mà Việt Nam chưa có FTA song phương như Canada, Mexico, Peru, Úc... nhờ những ưu đãi thuế quan.

Các tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường lao động... cũng sẽ là động lực, là sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp.

Ông Thào Xuân Sùng cho rằng, việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ giúp ngành nông nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Ông Thào Xuân Sùng cho rằng, việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ giúp ngành nông nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

“Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.

Mới đây, ngày 30/6/2019, Việt Nam - EU đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra một thị trường lớn cho nông sản. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích của hai bên, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có lợi thế cạnh tranh.

Để tận dụng tốt các cơ hội và ứng phó hiệu quả với những thách thức mà các FTA mang lại là vấn đề mà Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cần sẵn sàng chuẩn bị càng sớm càng tốt.

Với tinh thần đó, để triển khai và sớm đưa Hiệp định CPTPP đi vào cuộc sống, chỉ 10 ngày sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm

“Tôi vui mừng nhận thấy, cho đến nay gần như toàn bộ tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, thành tham gia Hội thảo ngày hôm nay đã hoàn tất Kế hoạch hành động và gửi cho Bộ Công Thương đăng lên trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ về Hiệp định CPTPP”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi các Hiệp định này, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động chuẩn bị các chương trình thiết thực cho doanh nghiệp và người dân,

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của địa phương, doanh nghiệp về các quy định, cam kết của các Hiệp định, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít thách thức từ quá trình thực thi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Sức ép cạnh tranh trong CPTPP

Chia sẻ những thách thức trong CPTPP đối với ngành nông sản, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) nhận định, đây sẽ là ngành gặp khó khăn nhất.

Bà Phạm Quỳnh Mai chia sẻ những thách thức mà nông sản Việt Nam sẽ gặp phải trong CPTPP

Vấn đề sức ép cạnh tranh là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

So với các thành viên khác, Việt Nam có lợi thế về sản xuất nông thủy sản nhiệt đới với lợi thế sản xuất có khả năng cạnh tranh cao, giá thành thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào, năng suất cao, nguồn nhân lực rẻ hơn.

Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng nông sản chế biến Việt Nam sẽ phải đối mặt với các mặt hàng rau quả chế biến phổ biến tại các thị trường mới với mẫu mã đa dạng và chất lượng cao do ngành công nghiệp chế biến nông sản của ta chưa được phát triển như các thành viên khác.

Cùng chia sẻ về những thách thức, khó khăn của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tiến trình tham gia CPTPP, PGS TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế chỉ rằng, hầu hết nông sản Việt Nam hiện nay mới được xuất khẩu dưới dạng thô, chất lượng tái cơ cấu nông nghiệp nước ta còn thấp, sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng...

Nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản và ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế...

Lần đầu tiên có một hiệp định chấp nhận lộ trình 20 năm với một số mặt số nông sản cá biệt. Vì vậy, trong lộ trình đó, chúng ta phải tìm cách chuyển đổi thành công mô hình sản xuất để hội nhập thành công không với chỉ CPTPP mà với cả những đối tác có năng lực cạnh tranh cao hơn sau này, bà Mai nhận định.

Chủ động đón thời cơ..

Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Để tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhận định, để tận dụng cơ hội từ CPTPP mang lại, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn.

Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, từ năm 2010, Bộ đã chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương triển khai xây dựng 2 mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh thành.

Ngoài ra, Bộ Công Thương và Sở Công Thương một số địa phương đã đồng hành các doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước tổ chức các “Tuần hàng nông sản”, hỗ trợ nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và từng bước xây dựng thương hiệu.

Một số các cam kết chính liên quan đến hàng nông sản trong CPTPP

Các thành viên CPTPP đã thống nhất sẽ giữ nguyên các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định TPP trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP. Theo đó, các thành viên CPTPP đều cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ Biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình. Các cam kết mở cửa thị trường được thể hiện chi tiết theo từng dòng thuế trong Biểu thuế nhập khẩu của mỗi nước CPTPP.

Cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam:

Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

Đối với mặt hàng nông sản, các cam kết cụ thể của Việt Nam dành cho các nước CPTPP như sau:

- Xóa bỏ thuế ngay đối với mặt hàng gạo, quả nhiệt đới và hoa tươi của các nước CPTPP;

- Cơ bản xóa bỏ thuế đối với cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều (trong 4 năm) và rau củ nhiệt đới (3 - 4 năm);

- Có lộ trình xóa bỏ thuế trong 2 - 4 năm đối với các mặt hàng khác như quả nhiệt đới (2 năm), quả ôn đới (3 - 4 năm);

- Xóa bỏ thuế trong hạn ngạch của WTO đối với đường và muối (vào năm thứ 11), và trứng (vào năm thứ 6).

Cam kết thuế nhập khẩu của các nước CPTPP đối với Việt Nam:

Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

Hạ An

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cptpp-san-choi-moi-cua-nong-san-viet-63614.htm