CPTPP phải là cuộc chơi của doanh nghiệp

'Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp', đại biểu Lê Thu Hà nhìn nhận.

Dây chuyền sản xuất đồ chơi xuất khẩu tại Việt Nam ảnh: hồng vĩnh

Không “xây nhà trên móng của người khác”

Ngày 5/11, tại phiên thảo luận về Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh cách mạng 4.0, cấu trúc và cách thức về chuỗi sản xuất sẽ thay đổi căn bản khi tham gia CPTPP. Phương thức công nghiệp hóa lấy xuất khẩu và thu hút FDI là động lực có còn phát huy hiệu quả trong bối cảnh thương mại công nghiệp 4.0 nữa không?

“Nếu dựa trên xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài thì chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác”.

Đại biểu Lê Thu Hà

“Thực tế, nếu dựa trên xuất khẩu và FDI thì chúng ta đang xây nhà trên móng của người khác”, bà Hà ví von, đồng thời cho rằng, cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, mới là lợi ích lâu dài. “Tham gia CPTPP không phải chỉ là cuộc chơi của Chính phủ hay các nhà hoạch định chính sách, mà quan trọng nhất chính là lực lượng xung kích doanh nghiệp”, bà cho hay.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lưu ý, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, nhiều nhà đầu tư có thể rời bỏ thị trường Trung Quốc, chuyển sản xuất sang nước thứ ba như Việt Nam. Vì thế, đáp ứng nguyên tắc xuất xứ sản phẩm của hàng Việt còn là cơ hội để Việt Nam thành trung tâm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trong khu vực. Ngược lại, nếu không làm tốt sẽ khiến hàng hóa nguyên liệu các nước không rõ nguồn gốc tuồn vào, giết chết sản xuất trong nước, hoặc nặng nề hơn, Việt Nam có thể rơi vào trạng thái vi phạm cam kết của CPTPP.

“Nếu không có ngay kế hoạch, khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu...khiến doanh nghiệp và người dân bức xúc. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại… Cải cách cần kiên quyết hơn để khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Để thực thi hiệp định hiệu quả, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động. Trên cơ sở đó, cần rà soát và xây dựng tất cả các phương án có thể để thực thi một cách chủ động các cam kết và phải tổ chức đánh giá tác động, tham vấn các đối tượng liên quan, nhận diện và cân đong đo đếm các tác động. Đồng thời phải tính tới các phương án thực thi theo từng giai đoạn, để vừa với sức vươn lên của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp…

“Nếu không có ngay kế hoạch, khi nguồn thu thiếu hụt, Quốc hội và Chính phủ sẽ phải hành xử ra sao? Liệu có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu... khiến doanh nghiệp và người dân bức xúc. Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi hiệp định này sẽ là một thất bại… Cải cách cần kiên quyết hơn để khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm; kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lộc cho hay.

“Lợi ích cốt lõi” vẫn đảm bảo

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) đánh giá, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện, tiến bộ, tiêu chuẩn cao và minh bạch, không chỉ thuần túy về mặt thương mại, không chỉ bàn về thuế quan mà đề cập đến cả đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, lao động, thị trường dịch vụ...

“CPTPP tiến bộ ở chỗ không phân biệt khoảng cách giàu, nghèo giữa các quốc gia thành viên, đồng thời quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam”, ông Ngân nêu.

Giải trình tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội cũng như các ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp về hiệp định này. Đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP. “Chủ yếu các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện hiệp định này một cách hiệu quả và có lợi cho đất nước”, ông Phạm Bình Minh cho hay.

Thành Nam

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/cptpp-phai-la-cuoc-choi-cua-doanh-nghiep-1342493.tpo