CPTPP là cơ hội lớn để ngành da giày phát triển và thu hút đầu tư

Mặt hàng da giày, túi xách của Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu vào thị trường các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) mặt hàng giày dép năm 2019 đạt 2,1 tỷ USD, tăng 15,1% so với năm 2018; năm 2020 giảm 12,2%, đạt 1,84 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Canada và Mexico tăng nhanh.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, 90% sản phẩm da giày sản xuất ở Việt Nam với mục tiêu cung cấp cho các thị trường xuất khẩu. CPTPP là cơ hội rất lớn để cho ngành da giày phát triển và thu hút đầu tư. Một trong những tác dụng lớn nhất của ngành này chính là thu hút vốn đầu tư hiệu quả trong khi da giày đang có mong muốn phát triển là một ngành công nghiệp hỗ trợ.

“CPTPP chính là một cú hích đầu tiên vì thực ra ngành công nghiệp hỗ trợ này đã phát triển từ rất lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Chưa làm được thì có rất nhiều lý do, nhưng một trong những lý do đó là chúng ta đang ở rất gần Trung Quốc – một nước công xưởng của thế giới sản xuất ra các nguyên phụ liệu cho ngành da giầy cũng như nhiều ngành khác. Việc chúng ta nhập khẩu sẽ lợi ích hơn việc chúng ta sản xuất để cung ứng cho các nhà sản xuất, bởi rõ ràng là khả năng của chúng ta không đủ chi phí. Trước đây thị trường Mỹ rất lớn, khi Mỹ rút khỏi CPTPP, chúng ta kỳ vọng để doanh nghiệp thu hút, dịch chuyển các chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu vào Việt Nam”, bà Thanh Xuân cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, 5 năm trở lại đây nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã đạt được 55% trong khi trước đây chỉ đạt 30%. Mỹ vẫn là thị trường chính của Việt Nam dù không tham gia CPTPP và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày – túi xách ra thế giới vẫn tăng lên. Qua con số xuất khẩu, thực tế ngành da giày có khối lượng tỷ trọng tăng lên 13% so với trước đây. Hai thị trường Canada và Mexio, trước đây nhập khẩu từ Mỹ, nhưng sau khi có CPTPP các nhà nhập khẩu đã tìm đến Việt Nam, đó là thuận lợi đối với ngành da giày mà Việt Nam cần nắm bắt.

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "2 năm thực thi Hiệp định CPTPP: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp " (ảnh: BT)

Bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo "2 năm thực thi Hiệp định CPTPP: Đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp " (ảnh: BT)

“Trong 11 nước CPTPP thì Việt Nam đã xuất khẩu được sang 10 nước trừ Brunei, do đặc thù thị trường nhỏ và chủng loại không phù hợp. Có 2 nước chưa xuất khẩu túi xách là NewZeland và Peru, còn lại các nước đều đã xuất khẩu được túi xách với tốc độ tăng trưởng 10%, đó là điểm sáng mà ngành da giày tận dụng được các cơ hội của CPTPP”, bà Thanh Xuân nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì ngành da giày vẫn còn những điểm hạn chế. Theo bà Thanh Xuân, những con số xuất khẩu trên chỉ là bề nổi, nếu nhìn sâu hơn nữa thì là do các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã tận dụng được lợi thế của CPTPP, còn các doanh nghiệp 100% vốn trong nước thì vẫn còn ở phía sau. Lý do là CPTPP có điều kiện khá cao, không dễ gì các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được.

Vì vậy, trong tương lai gần, sự kỳ vọng về năng lực sản xuất vẫn được đặt vào các doanh nghiệp Việt và thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nội cần mở rộng, vươn lên để tham gia vào thị trường xuất khẩu.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đã xuất khẩu rồi phần lớn là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nước ngoài – họ hoàn toàn có thể đáp ứng được điều kiện của CPTPP. Do đã đáp ứng được điều kiện cao thì họ tiếp tục mở rộng, còn cái khó của chúng ta chính là doanh nghiệp Việt Nam đang mới loanh quanh ao làng chưa ra được thế giới. Hiện nay chúng ta đang muốn tập trung vào doanh nghiệp vốn trong nước, giúp cho kim ngạch của chúng ta tăng trưởng thực sự như kỳ vọng – đó mới thực sự là nội lực của chúng ta”, bà Thanh Xuân nhấn mạnh.

Đại diện Da giày túi xách Việt Nam, bà Thanh Xuân kiến nghị: “Doanh nghiệp cần có thông tin một cách đầy đủ về CPTPP và các chính sách liên quan, sau khi có thông tin, doanh nghiệp thấy thiếu ở đâu thì xin hỗ trợ ở đó, ví dụ như hỗ trợ từ các chương trình xúc tiến việc làm, thị trường, vốn… Doanh nghiệp cũng cần các cơ chế chính sách về vốn, đầu tư, nhân lực, cần thông tin về thị trường khác hàng… Nếu như các giải pháp đó được làm một cách triệt để rốt ráo thì tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể vươn xa hơn được”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cptpp-la-co-hoi-lon-de-nganh-da-giay-phat-trien-va-thu-hut-dau-tu-121375.html