CPTPP là 'chìa khóa' giúp nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường lớn

Tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mexico, Australia, Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Theo thông tin mới đây từ Bộ Công Thương, đến nay nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới, với 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và đang đàm phán, cũng như kết thúc đàm phán một số FTA. Đặc biệt, với việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), EVFTA đã mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.

CPTPP mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết, các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào CPTPP là gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản (trong đó chủ yếu là tôm và cá tra) có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số bạn hàng lớn trong CPTPP.

“Tham gia CPTPP là một cơ hội tốt giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mexico, Australia, Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu”, Bộ Công Thương đánh giá.

Tại thị trường Canada, Việt Nam đạt được thỏa thuận 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan, xóa bỏ thuế nhập khẩu gạo cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Với thị trường Nhật Bản, Việt Nam xóa bỏ thuế quan được 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản, 91% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 97% kim ngạch xuất khẩu gỗ. Chile xóa bỏ thuế với hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Một cơ hội khác mở rộng thương mại là hoạt động đầu tư xuyên quốc gia đi kèm với khoa học công nghệ và nâng cao trình độ kỹ năng lao động. Khi đã ký kết CPTPP một số nước không có lợi thế về nông nghiệp, hàng rào bảo hộ nông nghiệp giảm bớt thì có thể họ sẽ chuyển nguồn đầu tư sang Việt Nam.

Bộ Công Thương cho rằng, khi có đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, điều quan trọng nhất là nền nông nghiệp Việt Nam sẽ hấp thụ được khoa học kỹ thuật mới, thay đổi được cách làm truyền thống, nâng cao hiệu quả.

Đối với thị trường EU, sau khi EVFTA được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong số các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam cũng có nhiều lợi thế hơn so với các quốc gia khác bởi thuế các mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu sang EU sẽ chỉ ở mức 0%, trong vòng 7 năm.

“Những ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mang lại cơ hội không thể phủ nhận cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu qua đó mở rộng tiềm năng sang các thị trường nhập khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu”, Bộ Công Thương nhận định.

Bộ Công Thương cho biết thêm, thời gian tới Bộ sẽ tập trung cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và bảo đảm tuân thủ các cam kết để phát huy tốt nhất những lợi thế, tiềm năng của đất nước về nông nghiệp.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cptpp-la-chia-khoa-giup-nong-san-viet-xuat-khau-sang-cac-thi-truong-lon-d151979.html