CPTPP: Động lực và kỳ vọng lớn

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, xuất khẩu trong thời gian tới.

CPTPP có thể giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam gia tăng trong nội khối

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với quy mô GDP của khối chiếm 13,5% toàn cầu, việc thực hiện CPTPP sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích như: 65,8% số dòng thuế sẽ loại bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực; tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000; giảm 0,6 triệu người nghèo (ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày). CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8%, nhưng thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Với mỗi loại hàng hóa, Việt Nam có những ưu đãi thuế quan khác nhau cho tất cả DN tại các quốc gia tham gia CPTPP muốn xuất khẩu vào Việt Nam. Trong đó, có 65,8% số dòng thuế sẽ được loại bỏ (thuế suất 0%) ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ tư kể từ khi hiệp định có hiệu lực và 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - cho biết, CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài việc có thêm cơ hội rộng mở về thị trường cho các DN thủy sản, hiệp định cũng mang đến cơ hội tổ chức lại hoạt động sản xuất cho DN đáp ứng theo các tiêu chuẩn chất lượng cao của các nước thành viên CPTPP.

“Ngoài vấn đề về mặt thuế quan, hiệp định này sẽ có tác động tâm lý rất lớn cho DN, mở ra khả năng phát triển thủy sản hàng giá trị gia tăng trong nội khối cho Việt Nam; đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng, công bằng cho DN” - ông Hòe phân tích.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - CPTPP tạo thêm thuận lợi cho ngành dệt may xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường thành viên và tác động ngược trở lại cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tăng tốc, vì điều kiện về xuất xứ nguyên phụ liệu, hàng hóa cũng chặt chẽ hơn. Ngành dệt may Việt Nam năm nay dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 34 tỷ USD, cao hơn con số 31 tỷ USD năm 2017. CPTPP được ký kết, tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may chắc chắn sẽ có sự bứt phá hơn con số gần 10% như lâu nay. DN trong nước muốn nắm bắt cơ hội này phải hoàn chỉnh các khâu sản xuất, xây dựng hệ thống về quản lý chất lượng cao cấp, cần liên kết chặt chẽ hơn trong khâu sản xuất giữa các DN.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều DN, việc tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế… Đặc biệt, việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng… đòi hỏi Việt Nam chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật.

Theo cộng đồng DN, để tận dụng được các thuận lợi này, sau khi phê chuẩn CPTPP và có hiệu lực thi hành, phải thông tin rộng rãi về hiệp định tới người dân, DN. Chính phủ phải có kịch bản để tận dụng tốt cơ hội và ứng phó với những bất lợi, thách thức đặt ra.

Bên cạnh đó, theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh, các DN cần có sự chuẩn bị, nỗ lực trong việc khai thác các lợi thế, khắc phục những bất lợi, khó khăn. Đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng tăng cường tính liên kết, tăng khả năng tự chủ về nguyên liệu, nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có sự tổng kết để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho DN.

Hiện đã có 6 quốc gia thông báo chính thức về việc hoàn thành quá trình phê chuẩn là Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Australia.

Thảo - Dương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cptpp-dong-luc-va-ky-vong-lon-111607.html