CPTPP: Cơ hội và thách thức

Như vậy, sau nhiều nỗ lực của các nước thành viên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực trong tháng 12/2018. Giới chuyên gia nhận định, đây là hiệp định có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, song, điều quan trọng là chúng ta sẽ tận dụng được những cơ hội ra sao?

Tác động rõ nét

Nhân lực được coi là một trong những thách thức khi Việt Nam tham gia CPTPP (Ảnh TL)

Tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại mà còn tiếp tục công khai và minh bạch quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Theo Bộ Công thương, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và cả những yếu tố thách thức.

Có thể thấy, khi “bước chân” vào CPTPP, hàng loạt các lĩnh vực đều có các cam kết. Do đó, tất cả các lĩnh vực đều cần phải có sự thay đổi một cách toàn diện. Theo người đứng đầu ngành công thương, khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, doanh nghiệp, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa.

Có thể khẳng định, trong suốt thời gian qua, để chuẩn bị cho những cam kết với TPP và sau này là CPTPP, nền kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi rõ nét về diện mạo, môi trường kinh doanh, nhưng cái mà chúng ta thấy rõ rệt nhất chính là những cải cách về thể chế. Điều này cũng đã được giới chuyên gia, các nhà làm chính sách khẳng định nhiều lần.

Theo Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phần quan trọng của CPTPP là giúp Việt Nam đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước, thúc đẩy vận hành nền kinh tế thị trường một cách toàn diện, tạo môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Việt Nam đã qua giai đoạn sử dụng hội nhập kinh tế quốc tế như một động lực để cải cách thể chế mà hiện nay việc cải cách thể chế trong nước là nhu cầu tự thân cần phải có.

Nói về triển vọng kinh tế, theo tính toán của nhiều chuyên gia, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia được đánh giá sẽ đạt được lợi ích lớn nhất từ CPTPP so với các thành viên khác. Không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống, như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ... CPTPP còn xử lý những vấn đề mới như lao động, môi trường, mua sắm của chính phủ, DN Nhà nước...

Đánh giá của Ngân hàng thế giới cho thấy, tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 1,1%; nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP có thêm ước tính lên tới 3,5%. Như vậy, điều quan trọng là chúng ta phải duy trì được đà cải cách liên tục và có chất lượng sau khi chúng ta gia nhập CPTPP. Ngược lại nếu cải cách thể chế có tính thụ động và thiếu sự tích cực thì chắc chắn thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội mà CPTPP mang lại.

Cần cải thiện nguồn nhân lực

Di dịch chuyển lao động là một trong những thực tế các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt khi tham gia CPTPP (Ảnh TL)

Bên cạnh những thuận lợi khi tham gia CPTPP, nhiều ý kiến bày tỏ những băn khoăn về vấn đề nguồn nhân lực. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển Doanh nghiệp, có nhiều cơ hội khi tham gia CPTPP, nhưng thách thức cũng không hề ít, đặc biệt là vấn đề về nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực cũng như hệ thống đào tạo giáo dục chưa có sự chuyển đổi một cách tích cực sẽ rất khó cho chúng ta khi CPTPP có hiệu lực thực thi. Trong thời gian qua, chúng ta đã và đang có những động thái để đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập nhưng thực chất vẫn chưa có nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Về nhân lực, khi chúng ta hội nhập, việc di chuyển, dịch chuyển lao động là một trong những thực tế chúng ta phải đối mặt. Khả năng của nguồn nhân lực Việt Nam trong việc tham gia thị trường lao động quốc tế đang ở mức độ thế nào vẫn là câu hỏi chưa ai dám đoán định. Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt với CPTPP, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có vấn đề đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, hiện nay, đối tượng chính là người lao động thì lại chưa được đưa vào vị trí trung tâm để mổ xẻ xem cần phải định hướng đào tạo thế nào.

Liên quan đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực, nhiều DN đã đầu tư nâng cao đội ngũ nhân lực của mình bằng cách đưa các nhân viên sang nước ngoài để học tập. Thế nhưng không ít DN còn đang hờ hững với vấn đề này. Do vậy cái cơ bản nhất cần đặt ra hiện nay là phải thay đổi tư duy, nếu không chúng ta sẽ không thể hội nhập.

Thảo Phương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/kinh-te/doanh-nghiep-doanh-nhan/cptpp-co-hoi-va-thach-thuc-48970