Nông sản Việt và cơ hội ra biển lớn

Sáng 2/7, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức hội thảo 'CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt'.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: cà phê, gạo, thủy sản, đồ gỗ… Các hiệp định tự do thương mại; trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.
Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay. CPTPP được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng thách thức lớn cho Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng.
Các hiệp định không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, không phụ thuộc vào vị trí chính trị của các nước tham gia mà phụ thuộc chính năng lực cạnh tranh của hàng nông sản. Điều đó có nghĩa là phụ thuộc chính vào khả năng sản xuất của chúng ta. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn phải gắn với quy mô và hình thức sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của hàng rào kỹ thuật.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cũng cho rằng, từ đây, Chính phủ và Hội Nông dân Việt Nam cùng với người nông dân Việt Nam sẽ phải tập trung xây dựng hợp tác xã kiểu mới và doanh nghiệp nông nghiệp. Có sự liên kết 6 nhà: nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà phân phối để phát triển một hệ thống ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại và ngành công nghiệp nông sản thực phẩm cùng với dịch vụ phân phối, kho vận được kết nối mạnh mẽ.
“Chỉ có như thế, nông dân mới có thể chuyển đổi tư duy, xây dựng tâm lý tự tin, tự chủ, tự cường, tạo ra các nông sản có giá trị kinh tế cao và chất lượng ngày càng tốt hơn”, ông Thào Xuân Sùng nhấn mạnh.
Việc nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn.

Quang cảnh Hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt Nam”. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHGAP, GlobalGAP…Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp để tận dụng tốt và hiệu quả Hiệp định CPTPP, theo bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, trước hết doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định để nắm vững các cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ tập đoàn lớn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau một thời gian hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, ông Hong Sun, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá, việc tìm một đối tác phù hợp ở Việt Nam rất khó khăn, thậm chí mất từ 5-6 năm mới có thể tìm được một đối tác phù hợp. Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp, đối tác nhưng cũng gặp khó khăn do doanh nghiệp Việt chưa có cách làm bài bản, chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Việt Nam có rất nhiều nông sản nhưng chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Chẳng hạn như chuối Việt Nam ngon hơn rất nhiều so với chuối Hàn Quốc nhưng người tiêu dùng vẫn không tin tưởng vì không có thương hiệu. Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào ngành công nghệ chế biến để có những sản phẩm tươi, bảo quan được lâu dài hơn./.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/cptpp-co-hoi-va-thach-thuc-cho-nong-san-viet/126893.html