CPTPP - cơ hội đã cận kề

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phấn khởi trước thông tin ngày 30/10, Australia- quốc gia thứ 6 phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Điều này có nghĩa CPTPP sẽ có hiệu lực vào ngày 30/12/2018. Cùng với đó, theo lịch làm việc, CPTPP sẽ được trình để Quốc hội nước ta xem xét thông qua trong nửa đầu tháng 11.

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có tác động rất lớn tới hầu hết các lĩnh vực, đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng về hoạt động nhập khẩu, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, hầu hết hàng hóa từ 10 thị trường thành viên nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu 0%, ngược lại hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào 10 thị trường đối tác cũng được hưởng thuế suất 0%. Đây là những yếu tố sẽ tác động rất lớn đối với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như nước ta. Không chỉ vậy, CPTPP có hiệu lực cũng được dự đoán sẽ tạo một làn sóng đầu tư mới từ các thành viên khác đến Việt Nam.

Vậy là những cơ hội kinh doanh rộng mở đã cận kề, bây giờ là lúc các doanh nghiệp chính thức bắt tay vào những công việc cụ thể để hiện thực hóa cơ hội kinh doanh, đồng thời cũng là tìm ra giải pháp để ứng phó với những thách thức mà Hiệp định mang đến. Từ khía cạnh quản lý, nay cũng là lúc các cơ quan xây dựng pháp luật bắt tay vào việc sửa những điều luật chưa phù hợp cần thay đổi để phù hợp với CPTPP. Với CPTPP, Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung tổng cộng 8 luật theo lộ trình. Việc sửa này cũng hết sức quan trọng bởi ngoài việc nếu chậm sửa sẽ bị đối mặt với các vụ kiện vì không thực hiện theo cam kết thì việc sửa đổi cũng là bước tạo ra các hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung. Việc thành công khi tham gia CPTPP ra sao phụ thuộc vào sự chuẩn bị kỹ càng của các cơ quan quản lý cùng với sự chủ động của từng doanh nghiệp.

Một thông tin khác từ Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) khảo sát cho thấy, hơn 70% công ty Mỹ hoạt động tại miền nam Trung Quốc muốn di chuyển một phần hoặc toàn bộ khâu sản xuất sang nước khác, nguyên nhân là để đảm bảo lợi nhuận, tránh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển cả chuỗi cung ứng lẫn cụm công nghiệp, đa phần hướng về Đông Nam Á. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong những điểm được các doanh nghiệp này quan tâm trong sự dịch chuyển. Đây là một cơ hội tốt đối với nền kinh tế Việt Nam. Nhưng để tận dụng được điều này, một phần lớn phụ thuộc vào sự cải thiện chính sách, môi trường kinh doanh trong nước. Do đó, nay là lúc thúc đẩy hơn nữa việc tạo thông thoáng môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng thời các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư cần tập trung có trọng tâm, trọng điểm nhằm hiện thực hóa những cơ hội đang mang lại.

Hiệp Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cptpp-co-hoi-da-can-ke.aspx