CPTPP chính thức có hiệu lực: Cần xây dựng một kế hoạch hành động bài bản

Từ ngày 14/1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, TS. Trần Toàn Thắng- Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia-Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dệt may, da giày sẽ là những ngành hàng điển hình hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định này.

TS. Trần Toàn Thắng

Ông đánh giá như thế nào về khả năng tăng trưởng XK hàng hóa của Việt Nam với CPTPP?

- Với CPTPP, trong dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, XK tăng khoảng 4%, NK khoảng dưới 3,8%. Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam gia tăng XK, song chủ yếu vẫn là ở những thị trường truyền thống, còn tại các thị trường mở rộng như Mexico, Canada và Peru không nhiều. Điều này xuất phát trước tiên từ sự tương đồng trong sản xuất giữa Việt Nam và các thị trường. Các nước này cũng chủ yếu sản xuất, XK hàng tiêu dùng. Việt Nam và các nước đó nằm ở thế cạnh tranh nhiều hơn là hợp tác. Hàng hóa Việt muốn thúc đẩy XK chỉ khi hàng có chất lượng tương đồng, song giá rẻ hơn. Muốn vậy, chi phí sản xuất phải giảm xuống. Hiện nay, mức lương tại các nước nêu trên cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ tăng lương của Việt Nam cũng khá cao. Đây chính là lý do khiến lợi thế về chi phí sản xuất của Việt Nam giảm đi. Để có thể khai thác tốt các thị trường này, DN Việt cần chú trọng tìm kiếm thị trường ngách.

Các ngành như dệt may, da giày được nhận định sẽ được hưởng nhiều ích lợi từ CPTPP. Xin ông phân tích rõ hơn về điều này?

- Với Hiệp định CPTPP, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động vẫn được hưởng lợi. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4-5%, và mức tăng XK có thể đạt thêm từ 8,7-9,6%. Kết quả tính toán cho thấy, trong Hiệp định CPTPP, ngành dệt may vẫn tăng thêm được quy mô sản xuất và giá trị XK. Tốc độ tăng trưởng XK tăng thêm là từ 8,3-10,8%. Tốc độ tăng trưởng XK cao của ngành này do hàng dệt may, da giày có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Hoa Kỳ và EU. Ngược lại, mức ảnh hưởng của Hiệp định CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng khá mờ nhạt (0,8-1,2%). Lý do chủ yếu là bởi Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp và các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng không phải là các đối tác có thể thúc đẩy công nghiệp nặng của Việt Nam phát triển.

Ở chiều ngược lại, những ngành nào sẽ gặp bất lợi khi thực thi CPTPP, thưa ông?

- Do tác động của Hiệp định CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Ngành chăn nuôi là ngành bị ảnh hưởng nhiều từ Hiệp định CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu. Ví dụ cụ thể, tác động của CPTPP tới ngành chăn nuôi bò thịt khá rõ nét. Tỷ lệ NK thịt bò từ các thị trường như Hoa Kỳ, Australia vào Việt Nam tương đối lớn, trong tương lai gần rất khó có giải pháp để thay đổi. Đối với ngành nông nghiệp, muốn thay đổi năng lực cạnh tranh phải bắt đầu từ con giống, quy mô và tập quán chăn nuôi. Cả 3 thứ này ở Việt Nam đều yếu.

Với ngành chế biến thực phẩm, do có lộ trình cắt giảm thuế quan khá chậm so với các nhóm ngành khác (thuế về 0% sau 15 năm) nên tác động cũng không thật sự lớn nếu tính bình quân/năm cũng như ở giai đoạn đầu của Hiệp định CPTPP. Ở ngành dịch vụ, sử dụng nguyên trạng các cam kết của ngành dịch vụ từ Hiệp định TPP sang Hiệp định CPTPP cho thấy, tác động của Hiệp định CPTPP tới các ngành dịch vụ tài chính là không lớn. Cụ thể, Hiệp định CPTPP tạo thêm 0,01-0,03% tăng trưởng, đồng thời cũng làm tăng NK các dịch vụ này ở mức khá cao (2,4-3,6%), trong khi XK sẽ bị giảm đi ở mức 2,8-3,2%.

Theo ông, cần lưu ý điều gì trong quá trình xây dựng kế hoạch hành động nhằm tận dụng tối đa cơ hội mở ra và hạn chế thấp nhất những thách thức từ CPTPP?

- Hiện nay, chiến lược hội nhập của Việt Nam đã có, song vẫn chưa nhìn thấy một chiến lược về các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Với Hiệp định CPTPP nói riêng, các FTA nói chung, cần xây dựng một kế hoạch hành động bài bản dựa trên lộ trình cắt giảm thuế quan. Trong kế hoạch đó, cần có lộ trình cải thiện các vấn đề theo từng nhóm, ngành cụ thể. Kế hoạch đó cũng phải đi sâu làm rõ vấn đề từng ngành phải hành động như thế nào. Trên cơ sở kế hoạch chung, bản thân các DN tự vạch kế hoạch cho chính mình.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Nguyễn (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cptpp-chinh-thuc-co-hieu-luc-can-xay-dung-mot-ke-hoach-hanh-dong-bai-ban.aspx