CPI tháng 12 tăng cao nhất trong 9 năm qua, song cả năm vẫn chỉ 2,79%

Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Cụ thể, GDP nước ta tăng 7,02% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,79%. Tuy nhiên, CPI tháng 12-2019 tăng 1,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua.

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019 diễn ra chiều nay (27-12) tại Hà Nội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018.

Trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới năm nay đạt mức kỷ lục 138,1 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,29%) và các ngành dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi tăng 9,12%; bán buôn và bán lẻ tăng 8,82%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%).

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).

Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn

2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 110,4 triệu đồng/lao động (tương đương 4.791 USD/lao động, tăng 272 USD so với năm 2018); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 6,2% do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2019 tăng cao.

Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,97 năm 2018; năm 2019 ước tính đạt 6,07. Bình quân giai đoạn 2016-2019 hệ số ICOR đạt 6,14, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.

Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2019 chỉ tăng 2,79%, thấp nhất trong 3 năm. Riêng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12-2019 tăng 1,4% so với tháng trước, đây là mức tăng cao nhất trong 9 năm qua. Trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất 3,42% do dịch tả heo châu Phi làm nguồn cung thịt heo giảm, giá các sản phẩm chế biến từ thịt heo, thay thế thịt heo tăng. Tính chung quý 4-2019, CPI tăng 2,01% so với quý trước và tăng 3,66% so với quý 4-2018; bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với bình quân năm 2018, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cpi-thang-12-tang-cao-nhat-trong-9-nam-qua-song-ca-nam-van-chi-279-637437.html