CPI tăng mạnh, làm thế nào để duy trì lạm phát ở mức 4%?

CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm kể từ năm 2012 trở lại đây gây áp lực lên lạm phát, nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ hội kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay.

Từ cuối năm 2017, nhiều dự báo cho rằng 2018 là năm chúng ta phải đối mặt với lạm phát. Các số liệu kinh tế vĩ mô mới được công bố đã cho thấy rằng lo ngại của các chuyên gia không phải không có cơ sở.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/5 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 năm 2018 tăng 0,55% so với tháng trước, tăng cao nhất trong 6 năm kể từ năm 2012 trở lại đây. Bên cạnh đó, nhập siêu và tỷ giá tăng vọt trở lại cũng góp phần khiến lạm phát lộ diện rõ nét hơn.

 Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định giá Việt Nam.

Phóng viên Báo Điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính xoay quanh vấn đề lạm phát trong các tháng còn lại của năm năm 2018.

- Trong thời gian này, lạm phát đang được nhắc tới nhiều hơn. Theo ông, liệu chúng ta có thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% không?

Thời gian này, áp lực tác động lên mục tiêu kiểm soát lạm phát 4% là rất mạnh. Áp lực này được tạo bởi 4 yếu tố.

Thứ nhất, một số giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình. Thứ 2, giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục tăng.

Thứ 3 là áp lực điều chỉnh tiền lương, giá gas, áp lực trong các tháng cuối năm giải ngân các công trình, dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh ra sản phẩm đáp ứng cho dịp Tết hàng năm.

Áp lực thứ 4 là tác động tiềm ẩn khó lường của thời tiết, khí hậu, đặc biệt mùa mưa bão trong các tháng sắp tới. 4 yếu tố đó luôn luôn thường trực tác động CPI trong các tháng cuối năm.

- Theo kinh nghiệm của ông, phải làm thế nào kiểm soát lạm phát tốt nhất?

Có nhiều biện pháp kiểm soát lạm phát nhưng theo tôi, chúng ta cần tập trung vào 4 biện pháp cơ bản.

Thứ nhất, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thiên tai xảy ra, không thể để thiếu các hàng hóa thiết yếu, cơ bản cho đời sống, sản xuất như: điện, xăng dầu, đặc biệt là lương thực thực phẩm.

Thứ 2, áp dụng ngay và thật sự có hiệu quả các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên của Ngân sách Nhà nước, làm sao bảo đảm tất cả mọi thứ phải diễn ra đúng kế hoạch, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Quan trọng không kém là phải kiểm soát tốc độ tăng phương tiện thanh toán ở mục tiêu 16% và tốc độ tăng trưởng tín dụng 17% trong năm.

Để làm được điều này, chúng ta phải đảm bảo đúng định hướng. Đó là tín dụng đi đúng vào sản xuất kinh doanh, không đi vào các ngành như bất động sản hay các ngành chưa tạo ra hiệu quả ngay tức thì.

Thứ 3 là tính toán giãn hoặc lùi việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước còn định giá vào các thời diểm thích hợp và áp dụng có hiệu quả các biện pháp bình ổn giá trong các giai đoạn đó.

Thứ 4 là Chính phủ, Nhà nước, các ngành, các địa phương cần áp dụng các biện pháp giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành để mà giảm áp lực đẩy giá bán tăng lên.

Ví dụ, điều cần làm là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm những điều kiện đăng ký kinh doanh không cần thiết hoặc rà soát các khoản thu, các khoản phí không hợp lý.

CPI tháng 5 tăng cao nhất trong 6 năm kể từ năm 2012 trở lại đây gây áp lực lên lạm phát nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ hội kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm nay.

- Tỷ giá tăng và nhập siêu đang có xu hướng tăng mạnh. Điều này tác động như thế nào tới lạm phát thưa ông?

Tỷ giá có tác động đến lạm phát vì tỷ giá là 1 yếu tố tính giá vốn hàng hóa xuất nhập khẩu. Nếu tỷ giá tăng lên thì giá hàng hóa tăng lên tương ứng, tác động mặt bằng giá trong nước.

Nhưng hiện này chúng ta có đủ điều kiện bình ổn tỷ giá hối đoái để tỷ giá sẽ tăng trong mức độ phù hợp với cung cầu ngoại tệ trên thị trường và không thể gây ra đột biến.

- Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng trong năm nay, tỷ giá USD/VND sẽ tăng đột biến 3%. Nếu điều đó xảy ra, lạm phát sẽ tăng mạnh như thế nào thưa ông?

Như tôi vừa nhận định, chúng ta cố đủ điều kiện để bình ổn tỷ giá. Tỷ giá có thể bình ổn được trong tầm kiểm soát vì chúng ta có dự trữ ngoại tệ. Vì vậy, tôi không dự báo tỷ giá tăng mạnh đến như vậy.

Không tin tỷ giá tăng 3% nên tôi không bình luận lạm phát sẽ như thế nào nếu tỷ giá tăng mạnh như vậy.

- Ông dự báo về tình hình lạm phát từ bây giờ tới cuối năm 2018?

Về lạm phát, chúng ta cứ theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát quanh mức 4%. Nếu làm tốt các biện pháp kể trên, duy trì lạm phát ở mức 4% là điều có thể thực hiện được.

Còn nếu không thực hiện các biện pháp kể trên thì mục tiêu 4% là khó đạt được.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Video: Siêu lạm phát, người dân Venezuela dùng cân để đếm tiền

>>> Đọc thêm: Thủ tướng: Sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn

Việt Vũ

Nguồn VTC: https://vtc.vn/cpi-tang-manh-lam-the-nao-de-duy-tri-lam-phat-o-muc-4-d402799.html