CPI giảm mạnh, liệu có dư địa để NHNN hạ lãi suất?

Rõ ràng những điều kiện vĩ mô hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực để Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất. Tuy nhiên, sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất yếu…

Hạ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm động lực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu ứng dây chuyền tích cực cho cả nền kinh tế. Ảnh: HẢI NGUYỄN

CPI có thể sẽ giảm lần đầu tiên trong năm 2017

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4-2017 không thay đổi so với tháng trước và chỉ tăng 0,9% so với tháng 12-2016 và tăng 4,3% so với cùng kỳ của tháng 4-2016.

Với việc giá thịt heo đang ở mức thấp kỷ lục, giảm tới 40% so mức giá bình quân của năm 2016, chỉ số CPI trong tháng 5-2017 được dự báo sẽ giảm so với tháng 4-2017, qua đó, có thể kéo CPI (so với cùng kỳ năm trước) xuống dưới 4% do quyền số của nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa được sử dụng để tính toán CPI, lên tới 42,85%.

Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố khác có thể hỗ trợ cho CPI giảm trong tháng 5, như giá dầu thế giới đã quay đầu giảm liên tục từ cuối tháng 4-2017 đến nay, chỉ số giá lương thực thế giới (FAO Food Price Index) tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm 2017 đến nay hay phương án điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa biết bao giờ mới hoàn thiện.

Có hay không cơ hội để NHNN giảm lãi suất huy động?

Tỷ lệ nợ xấu cả nội, ngoại bảng và trái phiếu VAMC của toàn hệ thống tính đến ngày 31-12-2016 lên tới 8,86%, tương đương với khoản gần 500.000 tỉ đồng đang nằm im và không có khả năng sinh lời cho nền kinh tế. Đây có lẽ chính là nút thắt lớn nhất cản trở quyết định hạ lãi suất của NHNN vào thời điểm hiện tại.

Giảm lãi suất huy động làm tiền đề để các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm lãi suất cho vay đã, đang và sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong hiện tại và cả trong tương lai. Đặc biệt, trong cuộc họp thường kỳ của Chính phủ tháng 4-2017, Thủ tướng đã nhấn mạnh quan điểm tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, ngay cả khi GDP trong quí 1-2017 chỉ tăng 5,1% khiến cho áp lực tăng trưởng trong ba quí sắp tới là rất lớn.

Hạ lãi suất để các doanh nghiệp có thêm động lực mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ mang lại hiệu ứng dây chuyền tích cực cho cả nền kinh tế. Để hạ mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1, NHNN hoàn toàn có thể hạ trần lãi suất huy động, hoặc hạ lãi suất trên thị trường mở (OMO). Theo quy định hiện hành, trần lãi suất huy động đang được neo ở mức 5,5%/năm đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dưới sáu tháng và lãi suất mua bán vốn trên OMO ở mức 5%/năm. Như vậy, chênh lệch giữa các mức lãi suất điều hành hiện tại và chỉ số CPI (so với cùng kỳ năm trước) có thể lên tới 1-1,5%/năm nếu như CPI giảm giá trong tháng 5-2017. Do đó, NHNN hoàn toàn có dư địa để hạ lãi suất thêm khoảng 0,25-0,5% vào thời điểm hiện tại mà vẫn đảm bảo nguyên tắc lãi suất thực dương của người gửi tiền.

Còn nhớ, trước kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vào năm ngoái, NHNN cũng đã có “chỉ đạo mềm” khi yêu cầu bốn NHTM gốc Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) giảm lãi suất huy động từ 0,2-0,3% đối với các khoản huy động dưới sáu tháng và duy trì mức ngang bằng nhau kể từ ngày 26-9-2016 đến nay.

CPI mức thấp mới chỉ là điều kiện cần

Với mức lạm phát thấp như hiện nay và đang tiếp tục có xu hướng giảm thì việc NHNN hạ trần lãi suất huy động sẽ không có gì quá bất ngờ cho thị trường. Tuy nhiên, lạm phát thấp là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Bởi cũng giống như thị trường Mỹ, quyết định tăng hay giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương thì bên cạnh yếu tố chính là lạm phát, lãi suất còn có mối liên hệ và chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác.

Thứ nhất, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng vào thời điểm hiện tại không còn dồi dào như diễn biến của năm 2016. Tín dụng tăng trưởng nhanh hơn huy động, khiến cho lãi suất liên ngân hàng luôn duy trì quanh mức 5%/năm từ đầu năm 2017. Do đó, nếu hạ lãi suất huy động trên thị trường 1 sẽ khiến dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán và bất động sản. Như vậy, thanh khoản của toàn hệ thống lại càng hạn chế hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng nhỏ.

Thứ hai, bên cạnh yếu tố lãi suất thì NHNN cũng đang phải dành sự ưu tiên rất lớn để ổn định tỷ giá. Mặt bằng lãi suất ở mức thấp sẽ khiến cho nhu cầu đầu cơ ngoại tệ của cả người dân và các ngân hàng tăng lên. Ngoài ra, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có thêm 2-3 lần tăng lãi suất trong những tháng còn lại của năm 2017 sẽ khiến cho tỷ giá giữa đô la Mỹ (USD) và tiền đồng (VND) tăng lên. Việc tiền đồng mất giá quá nhanh sẽ phát đi tín hiệu xấu về môi trường đầu tư của Việt Nam, nền tảng mà Chính phủ cũng như NHNN đã cố gắng xây dựng và đã duy trì được trong suốt cả năm 2016 đến nay.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến việc nguồn vốn FDI đang có dấu hiệu chững lại sau khi đạt mức kỷ lục trong năm 2016 hay cán cân thương mại hiện đã thâm hụt ở mức cao so với diễn biến của cùng kỳ năm 2016…
Do đó, NHNN đã chủ động bơm vốn ở mức rất ít, chỉ đáp ứng được khoảng một phần tư nhu cầu của toàn hệ thống thông qua OMO liên tiếp trong một tháng trở lại đây - tỷ lệ trúng thầu luôn duy trì ở mức 100%. Bởi lẽ nếu NHNN thực sự muốn kéo lãi suất trên thị trường liên ngân hàng xuống thấp thì có thể bơm vốn mạnh qua OMO, từ đó các ngân hàng sẽ giảm động lực tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 trong thời gian vừa qua.

Thứ ba, nếu giảm được lãi suất trên thị trường 1 thì cũng chưa chắc lãi suất trên thị trường 2 sẽ giảm theo do thiếu sự liên thông giữa hai thị trường này. Đây là một trong nhiều kết luận được đưa ra trong Báo cáo thường niên của Ban Kinh tế Trung ương năm 2017. Do vậy, khả năng các ngân hàng đẩy mạnh kinh doanh trên thị trường 2 sẽ lại tái diễn như diễn biến của những năm 2009-2011. Đây là kịch bản mà NHNN không hề muốn lặp lại.

Rõ ràng những điều kiện vĩ mô hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực. Tuy nhiên, sức khỏe của hệ thống ngân hàng vẫn còn rất yếu. Tỷ lệ nợ xấu cả nội, ngoại bảng và trái phiếu VAMC (do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam phát hành) của toàn hệ thống tính đến ngày 31-12-2016 lên tới 8,86%, tương đương với khoản gần 500.000 tỉ đồng đang nằm im và không có khả năng sinh lời cho nền kinh tế. Đây có lẽ chính là nút thắt lớn nhất cản trở quyết định hạ lãi suất của NHNN vào thời điểm hiện tại.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng liệu có được “nới”?

Làn sóng tăng lãi suất huy động và phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao của một số ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa hồi giữa tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua đã tạm lắng dịu. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới sáu tháng phổ biến ở mức 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn 6-12 tháng phổ biến từ 5,6-6,7%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến khoảng 6-9%/năm, trung và dài hạn từ 9-11%/năm. Riêng đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn thậm chí chỉ từ 4-5%/năm.

Lo ngại về một cuộc đua lãi suất trong toàn hệ thống đã không diễn ra, ít nhất là cho tới thời điểm này. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra trong cả năm nay là khoảng 17-18%, tức tương đương với năm 2016. Nhưng nếu lạm phát không quá căng thằng, nhà điều hành có thể sẽ có sự “du di” 1-2% so với mục tiêu ban đầu.

Số liệu cho thấy tín dụng đang tăng tốc rất nhanh ngay trong những tháng đầu năm. Tăng trưởng cho vay toàn hệ thống tính đến cuối quí 1-2017 đã đạt 4,03% - cao hơn đáng kể so với cùng kỳ ba năm gần đây. Nhiều ngân hàng có mức tăng thậm chí còn vượt khá xa mức 4% của toàn hệ thống, như VietinBank tín dụng tăng 5,6% so với cuối năm ngoái; Vietcombank tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2016; VIB tăng 5,7%...

Sự bứt tốc ngay từ đầu năm có thể sẽ dẫn tới hai kịch bản. Một là các ngân hàng sẽ phải “liệu cơm gắp mắm” cho vay trong ba quí còn lại để vẫn nằm trong chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN chấp thuận từ đầu năm (đặc biệt đối với nhóm các ngân hàng tốp đầu có quy mô cho vay lớn). Hai là các ngân hàng có thể sẽ xin NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên một mức cao hơn.

Dù không phải là dễ nhưng cũng không phải không có khả năng kịch bản thứ hai xảy ra. Nếu lạm phát trong các tháng tới không phát đi nhiều tín hiệu rủi ro, có thể nhà điều hành sẽ xem xét tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng GDP đang ở mức thấp như trong quí 1 vừa qua.

Tuy nhiên, mọi sự nới lỏng luôn cần phải đi kèm với sự thận trọng. Cả hệ thống mới chỉ đang hồi phục bước đầu, rất nhiều ngân hàng vẫn đang nặng gánh với nợ xấu.

Hoàng Ngọc Khanh

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/159910/cpi-giam-manh-lieu-co-du-dia-de-nhnn-ha-lai-suat.html/