CPI dần 'hạ nhiệt'

Sau khi tăng tương đối cao trong nửa đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có dấu hiệu 'hạ nhiệt'. Kết quả trên do chính sách liên quan đến điều hành giá thời gian qua tương đối phù hợp, kể cả đối với các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia dự báo, mục tiêu kiềm chế CPI dưới 4% trong năm 2020 có thể đạt được.

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 7 diễn ra mới đây, đại diện Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) thông tin, tháng 7, CPI cả nước tăng 0,4% so với tháng trước. Trong đó, nhóm có mức tăng cao là giao thông, nhà ở, vật liệu xây dựng do tác động của giá xăng dầu, gas, nhu cầu sử dụng điện nước… tăng. CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng 4,07%.

Sách giáo khoa được xem xét bổ sung vào diện bình ổn giá

Sách giáo khoa được xem xét bổ sung vào diện bình ổn giá

Như vậy, CPI đang có xu hướng giảm dần. Tháng 1/2020, CPI bình quân tăng 6,54%, 6 tháng đã giảm xuống 4,19%, tháng 7 đã dần tiệm cận mục tiêu Quốc hội giao (dưới 4%). “CPI tháng 8 sẽ tăng nhẹ do giá xăng dầu, gas, điện tăng. Tuy nhiên, giá thịt lợn được kỳ vọng sẽ dần giảm sâu hơn do nguồn cung tiếp tục được bù đắp bởi nguồn thịt nhập khẩu tăng… Nhìn chung, CPI 8 tháng đầu năm dự báo tăng thấp hơn 7 tháng đầu năm 2020 và lạm phát bình quân có khả năng đạt dưới 4% như mục tiêu Quốc hội giao” - đại diện Vụ Thống kê giá nhận định.

Bà Phùng Ánh Ngọc - Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) - chia sẻ, thời gian qua, điều hành giá mặt hàng xăng dầu có sự phối hợp chặt chẽ của Liên Bộ Công Thương - Tài chính. Việc sử dụng linh hoạt công cụ điều hành giá, giảm trích lập và tăng chi sử dụng đã giúp ổn định xăng dầu trong nước khi giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng cao. Với tình trạng biến động giá sách giáo khoa, thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào diện bình ổn giá, trình Quốc hội. Với thịt lợn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành nhằm tăng cường nguồn cung nhờ nhập khẩu, giá đã có xu hướng giảm, dù mức giảm chưa đáng kể. “Để đảm bảo CPI cả năm dưới 4%, dư địa điều hành CPI từ nay đến cuối năm là 0,63%/tháng, có thể đạt được” - bà Phùng Ánh Ngọc cho hay.

Theo nhận định của các chuyên gia, thịt lợn là mặt hàng có tác động lớn đến CPI những tháng cuối năm và CPI sẽ đạt được nếu kiểm soát tốt giá mặt hàng này. Ông Phạm Văn Duy - Cục Chế biến phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho hay, để kéo giá thịt lợn xuống, Bộ NN&PTNT đã tăng nhập khẩu lợn sống từ thị trường Thái Lan. Cùng với lợn thương phẩm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu thêm 15.500 con giống, tăng tới 400% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2018 để chuẩn bị tái đàn, chuẩn bị sẵn nguồn cung cho thị trường nội địa...

Đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, hiệp hội trong kiềm chế đà tăng của CPI, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước - cho biết, chính sách liên quan điều hành giá thời gian qua tương đối phù hợp, kể cả các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. “Liên quan đến xăng dầu, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá quốc gia - đánh giá tốt công tác điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều hành linh hoạt, tăng cường trích Quỹ Bình ổn khi dịch Covid-19 bùng phát; khi nền kinh tế bước đầu phục hồi, tăng chi hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Bộ Công Thương yêu cầu, từ nay đến cuối năm, các đơn vị chức năng căn cứ theo các kịch bản đã đề ra, xem xét yếu tố biến động mới của thị trường, tiếp tục triển khai giải pháp sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là đảm bảo ổn định thị trường, không để thiếu hàng, “sốt” giá, ảnh hưởng đến CPI.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cpi-dan-ha-nhiet-141509.html