CPI 2019 nhấn mạnh mối quan hệ chính trị, tiền bạc và tham nhũng

Với điểm CPI (chỉ số cảm nhận tham nhũng) trung bình năm 2019 chỉ đạt 43, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhận định, phần lớn các quốc gia đang có rất ít sự chuyển biến trong việc giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Ảnh: shutterstock

Ảnh: shutterstock

Phân tích của TI cho thấy, tham nhũng phổ biến hơn ở các quốc gia tồn tại tình trạng các khoản tiền lớn có thể chảy tự do vào các chiến dịch bầu cử và nơi Chính phủ chỉ lắng nghe tiếng nói của những cá nhân giàu có hoặc có quan hệ tốt.

Trong bảng xếp hạng CPI năm nay, hơn 2/3 trên tổng số 180 quốc gia có điểm số dưới 50. Điểm CPI trung bình chỉ đạt 43.

Không có sự bứt phá so với những năm trước, các số liệu cho thấy, dù ghi nhận một số tiến bộ, nhưng phần lớn các quốc gia vẫn không giải quyết được tham nhũng khu vực công một cách hiệu quả.

Theo Chủ tịch TI Delia Ferreira Rubio, "các Chính phủ phải khẩn trương giải quyết tình trạng tham nhũng tại những khoản tiền lớn trong tài chính của các đảng chính trị, cũng như những ảnh hưởng không đáng có mà tham nhũng tác động lên hệ thống chính trị của các quốc gia".

Những điểm nổi bật tại xếp hạng CPI 2019

Những quốc gia trong sạch nhất dẫn đầu bảng xếp hạng năm nay là New Zealand và Đan Mạch, với cùng số điểm 87. Tiếp theo là Phần Lan (86), Singapore (85), Thụy Điển (85) và Thụy Sĩ (85).

Ở phía cuối bảng, những quốc gia được đánh giá là tham nhũng nhất bao gồm: Somalia, Nam Sudan và Syria với số điểm CPI lần lượt là 9, 12 và 13. Tiếp theo là Yemen (15), Venezuela (16), Sudan (16), Guinea Xích đạo (16) và Afghanistan (16).

Trong liên liếp 8 năm qua, chỉ có 22 quốc gia được ghi nhận là có sự cải thiện đáng kể điểm số CPI, trong đó có Hy Lạp, Guyana và Estonia. Cũng trong khoảng thời gian này, có 21 quốc gia đã tuột dốc mạnh, như: Canada, Australia và Nicaragua. 137 quốc gia còn lại, theo TI, mức độ tham nhũng có ít sự thay đổi.

Đánh giá theo khu vực

Năm nay, Tây Âu và EU là khu vực có điểm số CPI cao nhất, với điểm trung bình là 66/100; trong khi, khu vực châu Phi cận Saharan đạt điểm số thấp nhất, ở mức bình quân là 32 điểm. Cả hai khu vực này giữ mức điểm trung bình không thay đổi so với năm ngoái.

Tính liêm chính

Nghiên cứu của TI năm nay nhấn mạnh mối quan hệ giữa chính trị, tiền bạc và tham nhũng. Tách bạch những khoản tiền lớn với chính trị là điều cần thiết để bảo đảm cho những quyết định chính trị được đưa ra đúng với mục đích là nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng và hạn chế các cơ hội cho những thỏa thuận, những hợp đồng tham nhũng. Các quốc gia có chỉ số CPI cao là những nơi đã thực thi mạnh mẽ những quy định tài chính tại các chiến dịch.

Bên cạnh đó, TI nhận định, các quốc gia được đánh giá rất trong sạch cũng là nơi có sự tham vấn rộng rãi đối với các quyết định chính sách. "Để chấm dứt nạn tham nhũng và cải thiện cuộc sống của người dân, chúng ta phải giải quyết mối quan hệ giữa chính trị và những khoản tiền lớn. Và, mọi công dân phải được đại diện trong việc ra các quyết sách", Giám đốc Điều hành TI Patricia Moreira nói.

Các quốc gia đáng chú ý

Chỉ số Cảm nhận tham nhũng 2019 xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tình hình tham nhũng trong khu vực công. CPI sử dụng thang điểm từ 0 đến 100, trong đó, 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch.

Với điểm số CPI 77, Canada đã giảm 4 điểm so với năm ngoái và giảm 7 điểm so với năm 2012. Việc yếu kém trong thực thi các luật chống tham nhũng đã được nhìn thấy trong vụ kiện gần đây đối với SNC-Lavalin - một công ty xây dựng của Canada. Công ty này bị cho là đã chi trả 48 triệu USD hối lộ cho các quan chức của Libya.

Sau 4 thập kỷ, Angola (26 điểm) đã tăng 7 điểm CPI trong năm nay. Nước này đã thu hồi được 5 tỷ USD tài sản bị đánh cắp. Tuy nhiên, theo TI, dù đạt được những kết quả đáng mừng, Angola vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa để tăng cường liêm chính và thúc đẩy minh bạch trong giải trình những khoản doanh thu từ dầu mỏ.

Với điểm số 53, Ả Rập Saudi đã tăng 4 điểm so với năm ngoái. Song, điểm số này chưa phản ánh được những góc khuất như: sự hạn chế nghiêm trọng đối với các nhà báo, nhà hoạt động chính trị và các tổ chức xã hội dân sự khác. TI cho rằng, trong vai trò của Chủ tịch G20 năm nay, Ả Rập Saudi cần phải chấm dứt sự đàn áp đối với tự do dân sự.

Vấn đề của các quốc gia trong sạch nhất

Mặc dù đạt điểm số CPI cao, nhưng Đan Mạch, Thụy Sĩ vẫn không hoàn toàn trong sạch. TI cảnh báo, tại các quốc gia thuộc nhóm trong sạch nhất thế giới, tham nhũng vẫn tồn tại, đặc biệt là trong các vụ rửa tiền và tham nhũng khu vực tư nhân.

Một vài khuyến nghị

Để chấm dứt tham nhũng và khôi phục niềm tin vào chính trị, bắt buộc chúng ta phải ngăn chặn những cơ hội tham nhũng chính trị, đồng thời thúc đẩy sự liêm chính của các hệ thống chính trị.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế khuyến nghị:

Thứ nhất, quản lý các xung đột lợi ích.

Thứ 2, kiểm soát tài chính chính trị.

Thứ 3, tăng cường liêm chính trong bầu cử.

Thứ 4, chỉnh đốn các hoạt động vận động hành lang.

Thứ 5, trao quyền cho công dân.

Thứ 6, giải quyết chế độ ưu đãi.

Thứ 7, tăng cường kiểm tra và sự cân bằng.

Việt Nam tăng 4 điểm, tăng 21 bậc trên Bảng xếp hạng CPI 2019

Năm 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu, tăng 21 bậc so với năm 2018. Đây là mức điểm cao nhất mà TI đánh giá đối với Việt Nam từ trước đến nay và năm 2019 cũng là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.

Việc tăng 4 điểm được TI đánh giá là chỉ dấu quan trọng cho thấy sự chuyển biến tích cực và thực chất trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam trong năm vừa qua, thể hiện nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc hoàn thiện, thực thi chính sách và pháp luật phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là việc tăng cường phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng lớn.

Mặc dù, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong số 2/3 các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50, nhưng với kết quả tăng điểm vượt bậc nêu trên thì có thêm cơ sở để khẳng định tham nhũng ở Việt Nam đã có bước thuyên giảm, công tác phòng, chống tham nhũng đang mang lại hiệu quả tích cực và sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/cpi-2019-nhan-manh-moi-quan-he-chinh-tri-tien-bac-va-tham-nhung_t114c52n159576