CoWin - Bài học từ chương trình chống dịch thành công của Ấn Độ

Ấn Độ chống dịch thành công nhờ CoWIN khi hệ thống này tỏ ra hiệu quả đáng kể và ứng dụng đang được cung cấp cho các quốc gia khác.

Theo đánh giá của chuyên gia chính sách về y tế kỹ thuật số thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Manish Pant trên trang Thời báo châu Á (Asiatimes.com) ngày 20/1, thành tích của Ấn Độ trong nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 là đáng kinh ngạc.

Cho đến nay, hơn 900 triệu người đã được tiêm chủng COVID-19 tại 327.000 trung tâm, với hơn một triệu nhân viên y tế hỗ trợ. Hơn 64% dân số trong gần 1,4 tỷ người của nước này đã được tiêm hai liều, 73% trong số đó ở các vùng nông thôn và vùng khó tiếp cận.

Nói một cách tổng thể, Ấn Độ đã tiêm được hơn 1,53 tỷ liều, nhiều hơn tổng số mà Mỹ, Brazil, Indonesia và Nhật Bản đạt được; chỉ có Trung Quốc là có con số cao hơn (theo dữ liệu hồi tháng trước). Tốc độ tiêm cũng rất ấn tượng - từ 100 triệu đến 1 tỷ trong thời gian từ tháng 4 - 11/2021 - trung bình 3,75 triệu liều/ngày.

Người dân Ấn Độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm Guwahati. Ảnh: AFP

Người dân Ấn Độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại trung tâm Guwahati. Ảnh: AFP

Thành tích đáng kể này có được là nhờ đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ nhà nước, bác sĩ, y tá làm việc không ngừng nghỉ trong suốt 12 tháng qua, cùng với sự tham gia nhiệt tình của người dân. Nhưng làm thế nào mà một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới lại có nỗ lực như vậy? Bài học của Ấn Độ có thể có giá trị đối với các quốc gia khác đang tìm cách mở rộng các chương trình tiêm chủng COVID19.

Một yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của Ấn Độ là một nền tảng kỹ thuật số có tên CoWIN (Chiến thắng COVID-19), do chính phủ phát triển. Đây là một hệ thống dựa trên đám mây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, chủng ngừa và đặt lịch hẹn cũng như cấp chứng chỉ vaccine kỹ thuật số.

Khi biến thể Omicron lan rộng, Chính phủ Ấn Độ đã mở rộng phạm vi tiêm chủng cho cả trẻ em trong độ tuổi 15-17 và đã có 36 triệu người được đăng ký trên CoWIN. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có quy định về liều thứ ba cho những người trên 60 tuổi, nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu.

Với quy mô địa lý và dân số của Ấn Độ, việc lập kế hoạch chương trình tiêm chủng COVID-19 là một nhiệm vụ khó khăn. Vì vậy, Chính phủ nước này đã hợp tác với một số cơ quan trong đó có Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) để hỗ trợ kỹ thuật và triển khai CoWIN.

Thành công một phần cũng dựa vào tầm nhìn xa của nước này. Trong 6 năm qua, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình của Ấn Độ đã bắt đầu số hóa mạng lưới chuỗi cung ứng vaccine thông qua việc sử dụng công nghệ di động. Nền tảng kỹ thuật số này được gọi là Mạng lưới Thông minh về vaccine điện tử (eVIN) và được thiết lập với sự hỗ trợ tài trợ ban đầu từ Gavi (Liên minh vaccine giúp tiêm chủng cho gần một nửa số trẻ em trên thế giới chống lại các bệnh truyền nhiễm và suy nhược).

Đã có hơn 50.000 cán bộ y tế công của Ấn Độ đã được UNDP đào tạo và sử dụng công nghệ số để thực hiện các hoạt động liên quan đến vaccine tại tất cả các cơ sở y tế công lập trong cả nước. Điều này giúp Chính phủ Ấn Độ tin tưởng rằng hệ thống y tế của họ sẽ có thể mua và theo dõi vaccine COVID-19 trong khi phân phối chúng một cách hiệu quả.

Ấn Độ giao trách nhiệm cho các cán bộ cấp huyện quản lý chương trình ở cấp địa phương. Và toàn bộ chương trình tiêm chủng đã được phát triển để mọi người có thể tiếp cận với vaccine bất cứ lúc nào hoặc bất cứ nơi đâu.

CoWIN phản ánh phương châm lấy người dân làm trung tâm trong chương trình tiêm chủng của Ấn Độ. Cổng thông tin có giao diện đơn giản để người dùng đăng ký và lựa chọn cơ sở thuận tiện, tùy chọn loại vaccine. Người tiêm sẽ nhận được chứng chỉ vaccine kỹ thuật số được gửi ở định dạng mã QR qua tin nhắn văn bản hoặc bản in tại cơ sở tiêm.

Các bác sĩ tiêm chủng sử dụng ứng dụng để xác minh những người tiêm đã đăng ký, nhập liều lượng vaccine đã tiêm và ghi lại tất cả các phản ứng phụ sau khi tiêm chủng. Những người không có Internet hoặc không có chứng minh nhân dân có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào và tự đăng ký trên CoWIN.

Trên thực tế ở Ấn Độ, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ở các vùng nông thôn và vùng khó tiếp cận cao hơn mức trung bình của cả nước. Các thông số báo cáo Thời gian thực (Dashboard Real-time) với tác dụng truyền tải thông tin đến người dùng ngay tức thì cho phép người quản lý chương trình trực quan hóa và phân tách dữ liệu nhân khẩu học về mức độ bao phủ, tiêu thụ vaccine và vaccine không sử dụng.

Trong khi đó, các tính năng sáng tạo liên tục được bổ sung vào ứng dụng. Giờ đây, công dân có thể liên kết hộ chiếu của họ và tạo ra giấy chứng nhận để đi du lịch quốc tế và có thể chia sẻ tình trạng tiêm chủng của họ trên phương tiện truyền thông xã hội. Công dân nước ngoài cũng có thể đăng ký trên CoWIN để được tiêm phòng.

CoWIN là một ví dụ điển hình về cách công nghệ kỹ thuật số có thể được sử dụng để mở rộng các chương trình y tế công cộng, đồng thời phản ánh những bước tiến mà Ấn Độ đang thực hiện trong việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để mở rộng các dịch vụ công.

Là một phần trong nỗ lực thúc đẩy công bằng và khả năng tiếp cận vaccine trên toàn thế giới, Chính phủ Ấn Độ đã cung cấp hệ thống CoWIN trên toàn cầu, như một hàng hóa công kỹ thuật số. Phần mềm kỹ thuật số của nó được xây dựng trên nền tảng mở nên nó có thể được tùy chỉnh cho các vị trí khác nhau và việc chuyển giao công nghệ sang các nước khác đang được UNDP hỗ trợ.

Để thoát khỏi đại dịch COVID-19, chúng ta cần tăng cường khả năng tiếp cận tiêm chủng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Trách nhiệm tập thể của chúng ta là đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta chỉ an toàn khi mọi người đều an toàn.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cowin-bai-hoc-tu-chuong-trinh-chong-dich-thanh-cong-cua-an-do-20220120222728888.htm