Covid-19: Trung Quốc nỗ lực hồi phục kinh tế nhờ vay nợ và xây dựng

Sự phục hồi kinh tế của TQ vẫn còn rời rạc, với bán lẻ và đầu tư vẫn tăng trưởng âm, ngay cả khi các nhà phân tích điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Các nhà phân tích đã điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay của Trung Quốc, sau khi dữ liệu mới cho thấy Bắc Kinh đang sử dụng các phương thức cũ để hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Được hỗ trợ từ các khoản đầu tư công, nợ công và các dự án xây dựng, số liệu kinh tế trong tháng 5 của Trung Quốc đã có dầu hiệu phục hồi so với các tháng trước. Điều này cho thấy ngay cả khi Bắc Kinh dù có ý định tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng thông qua kích cầu trong nước thì cho tới hiện tại các phương pháp kích thích kinh tế truyền thống vẫn đóng vai trò then chốt.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố mới đây, tiêu dùng nội địa vẫn còn yếu, với doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản đều tăng trưởng âm. Tuy vậy, công nghiệp và một số lĩnh vực đầu tư cụ thể đã có những dấu hiệu về sự bùng nổ xây dựng.

Sản xuất công nghiệp, một thước đo sản lượng trong các lĩnh vực sản xuất, khai mỏ và tiện ích, đã tăng 4,4% trong tháng 5 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng trưởng nhiều nhất kể từ tháng 12/2019. Mức tăng trưởng này thấp hơn một chút so với dự kiến và được thúc đẩy bởi sự tăng đột biến trong lĩnh vực sản xuất máy móc xây dựng.

Tăng trưởng đầu tư tài sản vẫn duy trì ở mức âm 6,3% trong tháng 5 so với một năm trước đó, nhưng trong đó có những dấu hiệu cho thấy các kênh đầu tư truyền thống đang chứng kiến dấu hiệu tích cực.

Sự phục hồi chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng cao trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, đã tăng lên 10,9 % trong tháng 5 từ mức 4,8% của tháng 4”, ông Lu Ting, chuyên viên phân tích Trung Quốc tại tập đoàn Nomura cho biết.

Ông Dan Wang, một nhà phân tích Trung Quốc của tạp chí Economist tại Bắc Kinh, cho biết đầu tư đến từ “các dự án của chính quyền địa phương, chủ yếu là các cơ sở y tế công cộng, cơ sở hạ tầng trong thành phố, cải tạo các công trình cũ, giao thông, lưới điện và viễn thông”.

Theo nhận định của ông Wang về tổng thể bức tranh kinh tế Trung Quốc, “đây là một điều tốt hơn chúng ta mong đợi. Chúng ta sẽ điều chỉnh tăng dự báo GDP của năm nay lên khoảng 2%, bây giờ đang ở mức 1%”.

Đằng sau tín hiệu tích cực này là một làn sóng nợ công. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, chính phủ nước này tháng trước đã phát hành tổng cộng 1,3 nghìn tỷ NDT (tương đương 183,27 tỷ USD) trái phiếu chính phủ địa phương, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu hàng tháng lần đầu tiên từ tháng 11/ 2017. Gần 1 nghìn tỷ NDT đã đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng và đây cũng là mức đầu tư cao kỷ lục.

Như một sự dự đoán về xu hướng phát triển trong thời gian tới, doanh số máy xúc tháng 5 đã tăng 67,8% so với một năm trước đó, trong khi doanh số xe tải hạng nặng tăng 61,6%. Báo cáo công bố hôm thứ hai cũng cho thấy sản lượng xi măng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi sản xuất các sản phẩm thép tăng 6,2%.

Một số biện pháp nới lỏng hiện nay đang hỗ trợ tiêu dùng hộ gia đình, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ”, ông Louis Kuijs, nhà phân tích Trung Quốc tại Oxford economics, người đang dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay ở mức từ 2%- 2,5%, so với mức dự báo trước đó là 0,8% cho biết. “Kinh tế hồi phục phần lớn là nhờ các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư khác, bao gồm cả trong bất động sản”.

Tuy vậy, doanh số bán lẻ vẫn tiếp tục ở mức yếu, giảm 2,8% trong tháng 5 so với một năm trước đó, mặc dù đây đã là một sự cải thiện so với tỉ lệ tháng 4 là âm 7,5%. Điều này tiếp theo từ sản lượng nhập khẩu thấp trong tháng năm, một lần nữa cho thấy nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn còn yếu.

Do mối lo về làn sóng nhiễm bệnh lần thứ 2 đã dẫn đến một loạt các khu vực tại Bắc Kinh bị phong tỏa vào cuối tuần qua, NBS thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc chưa ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở nước ngoài. Nền kinh tế và thương mại toàn cầu đang suy giảm nghiêm trọng. Tiêu dùng trong nước giới hạn, trong khi động lực của đầu tư lĩnh vực sản xuất chưa đủ mạnh”, ông Ling Linghui, phát ngôn viên NBS trong văn bản trả lời báo chí.

Hoạt động sản xuất của các công ty đã bị gián đoạn nặng nề và một số khu vực lại xuất hiện ca nhiễm Covid-19 mới khiến cho người dân cảm thấy lo lắng về quy mô thiệt hại của nền kinh tế”.

Thu Ngọc

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/covid-19-trung-quoc-no-luc-hoi-phuc-kinh-te-nho-vay-no-va-xay-dung-82020196193030934.htm