COVID-19 tới 6h sáng 15/11: Áo phong tỏa người chưa tiêm vaccine; Ca tử vong mới ở Nga vẫn trên 1.200

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 334.000 ca bệnh COVID-19 và trên 4.200 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 254 triệu ca, trong đó trên 5,11 triệu ca tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho người dân ở phía Tây London, Anh ngày 13/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna cho người dân ở phía Tây London, Anh ngày 13/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (38.823 ca), Anh (36.517 ca) và Đức (28.934 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.219 ca), Ukraine (403 ca) và Philippines (309 ca).

Như vậy, số ca mắc và tử vong ở Nga trong 24 giờ qua vẫn cao nhất thế giới. Tới nay, Nga đã ghi nhận tổng cộng trên 9 triệu ca mắc và trên 255.000 ca tử vong.

Tính từ đầu đại dịch, số ca mắc ở Mỹ đứng đầu thế giới với trên 47,9 triệu ca mắc và trên 783.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 34,4 triệu ca mắc và Brazil với 21,9 triệu ca mắc.

Hiện nay, châu Âu lại trở thành tâm dịch COVID-19 một lần nữa, khiến nhiều quốc gia phải siết chặt biện pháp phòng dịch.

Áo áp đặt phong tỏa đối với người chưa tiêm vaccine

Người dân xếp hàng tại một khu chợ ở Vienna, Áo ngày 12/11. Ảnh: AFP

Ngày 14/11, Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg thông báo từ ngày 15/11 nước này bắt đầu áp dụng phong tỏa trên toàn quốc đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc người mới khỏi bệnh trong thời gian gần đây. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Schallenberg nhấn mạnh tình hình dịch bệnh hiện nay rất "nghiêm trọng", do đó biện pháp phong tỏa trên là cần thiết. Theo đó, những người trên 12 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc mới khỏi bệnh gần đây sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ đi mua đồ thiết yếu, tập thể dục hoặc có các lý do về y tế.

Bộ trưởng Y tế Wolfgang Mueckstein cho biết trong 10 ngày đầu thực hiện phong tỏa sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các khu vực, sau đó, cơ quan chức năng sẽ đánh giá tình hình để có sự điều chỉnh phù hợp. Dự kiến, Nghị viện Áo sẽ thông qua biện pháp này vào cuối ngày 14/11 theo giờ địa phương.

Thủ tướng Schallenberg và Bộ trưởng Mueckstein một lần nữa kêu gọi người dân chưa tiêm phòng đi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cũng từ ngày 15/11, Vienna sẽ trở thành khu vực đầu tiên trong EU triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi tại một trung tâm tiêm chủng ở thủ đô này. Chính quyền thành phố cho biết đã tiếp nhận lịch hẹn tiêm chủng của hơn 5.000 trẻ khi cổng đăng ký bắt đầu được mở vào ngày 13/11.

Hiện Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa cấp phép sử dụng bất kỳ loại vaccine nào để tiêm phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này, song các nước thành viên EU vẫn có quyền tự quyết trong trường hợp y tế công cộng khẩn cấp.

Tuần trước, Chính phủ Áo tuyên bố chỉ những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đã khỏi COVID-19 mới được phép tới nhà hàng, khách sạn và các địa điểm văn hóa. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng khoảng 11.700 ca tử vong vì COVID-19. Khoảng 65% trong tổng dân số 9 triệu người tại Áo đã tiêm phòng COVID-19, thấp hơn mức trung bình 67% của EU, trong khi số ca mắc mới cao chưa từng có được ghi nhận ngày 13/11 vừa qua, với hơn 13.000.

Số ca tử vong vì COVID-19 tại Nga vẫn trên ngưỡng 1.200

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 13/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/11, Nga ghi nhận 1.219 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay lên 255.386 ca. Trước đó, ngày 13/11, Nga ghi nhận 1.241 ca tử vong - cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Như vậy, tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở Nga hiện nay nhiều thứ 4 trên thế giới, sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

Trong 24 giờ qua, Nga cũng ghi nhận 38.823 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số lên 9.070.674 ca, nhiều thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Anh. Số ca khỏi bệnh hoàn toàn tại Nga tăng thêm 29.821 ca, nâng tổng số lên 7.784.585 ca.

Australia có số ca mắc mới COVID-19 thấp nhất trong nhiều tuần

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 26/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 14/11 Australia ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 theo ngày ở mức thấp nhất trong nhiều tuần trở lại đây, trong bối cảnh quốc gia châu Đại Dương này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng dịch thứ ba.

Theo đó, có thêm 1.115 ca mắc mới trong cộng đồng và 5 ca tử vong tại Australia trong 24 giờ qua. Phần lớn số ca mắc mới và tử vong được ghi nhận tại Victoria, bang đông dân thứ hai của nước này, với 905 ca và 4 ca.

Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình Australian Broadcasting Corporation (ABC), Bộ trưởng Y tế Greg Hunt nêu rõ Chính phủ Australia sẽ không thay đổi định nghĩa về việc "tiêm phòng đầy đủ", trong bối cảnh nước này thúc đẩy tiêm mũi vaccine tăng cường. Ông nhấn mạnh ở giai đoạn hiện nay, theo khuyến nghị từ Nhóm Cố vấn Khoa học và Kỹ thuật của Giáo sư Brendan Murphy, người được coi là tiêm đẩy đủ vaccine phòng COVID-19 là người đã tiêm 2 mũi vaccine.

Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, tính đến hết ngày 13/11, khoảng 90,4% dân số từ 16 tuổi trở lên ở nước này đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19 và 83% đã được tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, hơn 250.000 người đã được tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, giới chức Australia cho biết nước này có thể bắt đầu tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi từ năm 2022.

Theo Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt, các cơ quan quản lý y tế của nước này vẫn đang đánh giá lại các dữ liệu về sức khỏe và an toàn tiêm chủng đối với trẻ em trong độ tuổi trên và không chắc có thể ra quyết định cuối cùng về vấn đề tiêm chủng cho những trẻ em độ tuổi này trong năm nay, nhưng chính phủ Australia vẫn kỳ vọng sẽ thực hiện được điều này vào đầu năm tới.

Ngoài ra, quốc gia này cũng đã tiêm chủng cho 57,7% đối tượng từ 12 đến 15 tuổi. Theo Bộ y tế Australia, tỷ lệ tiêm chủng cao là yếu tố quyết định để Australia mở lại một phần biên giới trong tháng này, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước này mặc dù các đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang diễn ra tại hai bang đông dân nhất của Australia là New South Wales và Victoria.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc tiếp tục trên ngưỡng 2.000 ca/ngày

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/11/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở trên ngưỡng 2.000 ca ngày thứ 5 liên tiếp, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về việc số ca mắc mới tăng trở lại khi nước này nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội với chủ trương "sống chung với COVID-19".

Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận 2.419 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 395.460 ca. Trong số ca mắc mới, có tới 2.401 ca lây nhiễm cộng đồng và 8 ca nhập cảnh.

Số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 đến nay, trong đó ngày 25/9 ghi nhận mức cao nhất với 3.272 ca.

Ngoài ra, KDCA cho biết với 20 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc hiện lên đến 3.103 ca. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc là 0,78%.

Tại Seoul, tỷ lệ sử dụng giường bệnh của bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc nguy kịch trong ngày 14/11 lên tới 76,2%. Con số này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thiếu giường bệnh.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 6/11/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tính đến sáng cùng ngày, khoảng 41,96 triệu người, tương đương 81,7% dân số Hàn Quốc đã tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19. Số người đã được tiêm phòng đầy đủ là 40,1 triệu người, tương đương 78,1%. KDCA dự kiến nước này sẽ tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 80% dân số vào khoảng giữa tháng 12 tới.

Trước đó, giới chức y tế đã cảnh báo về khả năng số ca mắc mới và số ca bệnh nghiêm trọng sẽ gia tăng khi triển khai kế hoạch nới lỏng giãn cách xã hội nhằm đưa Hàn Quốc dần trở lại trạng thái bình thường mới. Kế hoạch này gồm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, cho phép tập trung tối đa 10 người; giờ giới nghiêm đối với hoạt động kinh doanh như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim đã được dỡ bỏ, trừ các cơ sở vui chơi giải trí của người trưởng thành như quán rượu và câu lạc bộ đêm. Tuy nhiên, nhà chức trách Hàn Quốc cho biết sẽ không chuyển sang giai đoạn 2 (dự kiến vào giữa tháng 12 tới) nếu xu hướng dịch bệnh tiếp tục tăng như hiện nay.

Trung Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 gia tăng

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh tại An Huy, Trung Quốc ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 14/11, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc ghi nhận thêm 89 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, gồm 70 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 19 ca nhập cảnh.

Theo NHC, trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng có 60 ca ở tỉnh Liêu Ninh, 3 ca ở Hà Bắc, tỉnh Hắc Long Long Giang, Giang Tây và Vân Nam mỗi nơi ghi nhận 2 ca, trong khi tỉnh Tứ Xuyên 1 ca.

Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng công 98.263 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Trong khi đó, tính tới hết ngày 13/11, Đặc khu hành chính Hong Kong ghi nhận tổng cộng 12.380 ca mắc COVID-19, trong đó có 213 ca tử vong; Đặc khu hành chính Macau có tổng cộng 77 ca mắc và vùng lãnh thổ Đài Loan 16.479 ca mắc, trong đó có 848 ca tử vong.

Maroc siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sale, Marốc, ngày 21/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13/11, Maroc thông báo các biện pháp kiểm soát nhập cảnh vào nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Theo thông báo của Chính phủ Maroc, khi nhập cảnh vào nước này, du khách nước ngoài phải xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng và kết quả xét nghiệm PCR. Các du khách sẽ phải tiến hành xét nghiệm kháng nguyên và kiểm tra đo thân nhiệt hai lần bằng camera ảnh nhiệt. Bên cạnh đó, bất kỳ hành khách nào có xét nghiệm dương tính khi nhập cảnh vào Maroc bắt buộc trở lại nước xuất phát với chi phí do hãng hàng không hay công ty vận tải thanh toán.

Tính đến ngày 15/11, Maroc ghi nhận tổng cộng 948.226 ca mắc COVID-19, trong đó có 14.743 ca tử vong. Quốc gia Bắc Phi này đến nay có 24.359.996 người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên, 22.388.630 người đã tiêm 2 mũi trong khi 1.570.471 người đã tiêm mũi thứ ba.

Jordan bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người từ 18 tuổi trở lên

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại thủ đô Amman, Jordan ngày 4/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Jordan thông báo sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine thứ ba cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên. Đây là những người đã tiêm mũi thứ 2 cách đây 6 tháng.

Cuối tháng 9, Bộ Y tế Jordan đã cho phép tiêm mũi vaccine thứ ba cho những người từ 60 tuổi trở lên và những đối tượng khác như mắc bệnh mãn tính và nhân viên y tế. Mũi vaccine thứ 3 sẽ cùng loại vaccine với mũi 1 và 2. Tuy nhiên, trong trường hợp việc tiêm mũi 1 và 2 gây ra bất kỳ biến chứng nào, thì vaccine để mũi tiêm thứ ba có thể được thay đổi.

Tuần trước, Ủy ban phòng chống dịch quốc gia Jordan đã khuyến nghị nên tiêm mũi vaccine thứ 3 cho những người từ 18 tuổi trở lên, cách 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ 2.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6h-sang-1511-ao-phong-toa-nguoi-chua-tiem-vaccine-ca-tu-vong-moi-o-nga-van-tren-1200-20211114213450965.htm