COVID-19 tới 6 giờ sáng 6/10: Thế giới trên 35,6 triệu ca mắc; dịch bệnh quay lại châu Âu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 229.421 trường hợp mắc COVID-19 và 3.577 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên trên 35,6 triệu người.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 29/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 6/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 35.659.463 ca, trong đó có 1.045.219 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 26.839.470 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 66.764 ca và 7.774.774 ca đang điều trị tích cực.

Ngày 5/10, thế giới có tới 148 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua giảm nhẹ, nhất là ở các tâm dịch Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại một cơ sở y tế ở Moskva, Nga ngày 16/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong vòng 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (59.893 ca), Mỹ (36.302 ca) và Anh (12.594 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 886 ca), Mỹ (341 ca), Brazil (300 ca) và Iran (với 235 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 7.673.214 ca mắc và 214.952 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 6.682.073 ca mắc và 103.600 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 4.927.235 ca mắc và 146.675 ca tử vong.

Phố mua sắm Myeongdong ở Seoul, Hàn Quốc ngày 27/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Hàn Quốc trong 5 ngày qua ghi nhận ở mức dưới 100, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các ca mắc mới sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu (Chuseok) kéo dài vừa qua.

Ngày 5/10 Hàn Quốc ghi nhận thêm 73 ca mắc COVID-19 (bao gồm 64 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 24.091 ca. Hiện Hàn Quốc vẫn còn 107 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và đã có 416 người tử vong (tăng 1 ca).

Mặc dù số ca mắc COVID-19 hằng ngày đã giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ Trung Thu vừa qua song giới chức vẫn khuyến cáo cần cảnh giác trước khả năng gia tăng các ca mắc mới. Số bệnh nhân không xác định được nguồn lây nhiễm virus đang khiến cuộc chiến chống COVID-19 ở Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn.

Trong hai tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm không rõ nguồn gốc là 18,4% và tỷ lệ lây nhiễm cụm là 26,6%, trong đó phải kể đến các ổ lây nhiễm ở một trường trung học nghệ thuật ở phía Tây thủ đô Seoul với 7 ca nhiễm mới. Ngoài ra, một căn cứ quân sự ở thành phố Pocheon, phía Bắc thủ đô Seoul, cũng ghi nhận thêm 36 ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về một đợt lây nhiễm lớn.

Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo ghi nhận thêm 20 ca mắc mới COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 5/10, tất cả đều là ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy, tính đến hết ngày 5/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.470 ca mắc COVID-19, trong đó 208 ca đang được điều trị. Số ca bình phục là 80.628 ca.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại cuộc họp ở Auckland. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 5/10 cho biết các biện pháp hạn chế chống dịch tại Auckland sẽ được dỡ bỏ trong tuần này, đồng thời bày tỏ tin tưởng một làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố này gần như đã chấm dứt.

Cụ thể, Auckland sẽ được chuyển về mức cảnh báo số 1 từ 23h59 ngày 7/10 tới, giống như các địa phương khác trên cả nước, sau khi không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong 10 ngày liên tiếp.

New Zealand, quốc gia với 5 triệu dân, dường như đã ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng từ đầu năm nay sau một đợt phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Nhưng tháng 8 vừa qua, dịch tái bùng phát ở Auckland, với 179 người nhiễm virus, khiến Thủ tướng Ardern phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại đây. Ngày 5/10, New Zealand ghi nhận 1 ca nhiễm mới nhập cảnh từ nước ngoài. Theo đó, hiện tổng số ca nhiễm ở nước này là 1.499 ca, trong đó 25 ca tử vong.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 23/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Australia, "điểm nóng" Victoria - bang đông dân thứ hai - đang nghiên cứu cách thức tăng xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của virus trước khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.

Ngày 5/10, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm xuống mức 9 ca, so với 12 ca ngày 4/10. Không có ca tử vong. Thành phố Melbourne, nơi vẫn đang áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt trong gần 3 tháng qua, dự báo sẽ được nới lỏng các biện pháp này nếu tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày trong 2 tuần giảm xuống dưới mức 5 ca.

Dự báo điều này sẽ xảy ra vào cuối tháng 10. Hiện tỷ lệ này hiện là 11,6 trong ngày 5/10, giảm so với 11,9 trong ngày 4/10.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Dublin, Ireland ngày 18/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Đội khẩn cấp y tế công quốc gia Ireland khuyến cáo nâng các hạn chế để phòng dịch lên mức cao nhất là mức 5 tại 24 trong tổng số 25 hạt, và siết chặt các biện pháp ở mức 3 tại Dublin và Donegal. Theo mức 5, mọi người được yêu cầu ở trong nhà, trừ các hoạt động thể thao trong vòng 5km và chỉ các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa.

Khác với đợt phong tỏa lần thứ nhất, các trường học sẽ phải đóng cửa. Dự kiến Nội các sẽ thảo luận đề xuất này trong ngày 5/10. Chính phủ Ireland thông qua hầu hết các khuyến nghị của lãnh đạo ngành y từ khi bùng phát dịch đến nay. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết việc tái áp đặt phong tỏa sẽ tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội.

Giống hầu hết các nước châu Âu khác, Ireland đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng từ cuối tháng 7, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất châu lục.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện St Thomas ở phía Bắc London, Anh ngày 1/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Vương quốc Anh, một lệnh phong tỏa 3 cấp độ đang được lên kế hoạch áp dụng tại xứ England. Báo The Guardian cho biết lệnh phong tỏa mới sẽ cụ thể hóa các biện pháp nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các câu lạc bộ và cấm mọi tiếp xúc xã hội ngoài những người trong cùng gia đình.

Theo báo trên, kế hoạch dự thảo "Khung giãn cách xã hội đề xuất phòng COVID-19" nhằm đơn giản hóa các biện pháp hạn chế đang được áp dụng tại các địa phương. Một nguồn tin chính phủ cho biết các cấp độ trong hệ thống phong tỏa mới sẽ là "các tiêu chuẩn tối thiểu" và có tính đến đặc thù của từng địa phương.

Tuy nhiên, các kế hoạch trên chưa được Nội các thống nhất. Anh từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc trong suốt mùa Hè vừa qua, song nhiều khu vực, trong đó có các thành phố lớn như Manchester và Glasgow hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế.

Thủ tướng Boris Johnson cho biết số ca mắc COVID-19 tăng mạnh hiện nay gần chạm mốc dự báo mà chính phủ đưa ra trước đó. Bởi vậy, những tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để kiểm chứng xem liệu các biện pháp phong tỏa cục bộ có phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Paris, Pháp, ngày 3/9/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Pháp, Paris thông báo các quán bar và quán cà phê tại thành phố này cũng như tại các vùng phụ cận sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần kể từ 6/10 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Trong khi đó, các quán ăn vẫn sẽ được phép hoạt động với điều kiện tuân thủ các biện pháp đảm an toàn mới nghiêm ngặt hơn - sẽ được công bố cuối ngày 5/10.

Paris đã vượt cả 3 tiêu chí khiến thủ đô này được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất: bao gồm tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, tình trạng lây lan ở nhóm những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn và tỷ lệ giường bệnh trong khu điều trị tích cực tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức cao (hiện ở mức 36%).

Pháp ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm mới riêng trong ngày 5/10, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu mở rộng xét nghiệm virus. Tỷ lệ nhiễm tại Paris hiện là 250 ca trên 100.000 dân. Bệnh nhân COVID-19 chiếm hơn 30% số giường bệnh trong khu điều trị tích cực ở Paris. Chính phủ Pháp cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5.

Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva của Nga vắng lặng vì dịch COVID-19. Ảnh: Getty

Nga thông báo thêm 10.888 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 12/5. Theo giới chức Nga, trong số các ca nhiễm mới có 3.537 ca ở thủ đô Moskva.

Nga cũng ghi nhận thêm 117 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 21.475 ca trong tổng số 1.225.889 ca nhiễm.

Tại châu Mỹ, nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại 9 bang của Mỹ, chủ yếu ở vùng Trung Tây và miền Tây, ngày càng hiện hữu khi các bang này ghi nhận gia tăng số ca mắc mới trong tuần qua, trong bối cảnh thời tiết tại đây đang chuyển lạnh, buộc nhiều sự kiện và hoạt động phải diễn ra trong nhà. Tính riêng ngày 3/10, các bang Kentucky, Minnesota, Montana và Wisconsin đã ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục và nhiều nhất nước Mỹ với gần 49.000 ca.

Tương tự, các bang Kansas, Nebraska, New Hampshire, South Dakota và Wyoming cũng ghi nhận những con số kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19. Các quan chức y tế từ lâu đã cảnh báo thời tiết lạnh buộc nhiều sự kiện phải diễn ra trong nhà, do đó làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Nhiệt độ cao nhất trong ngày tại khu vực thượng Trung Tây của Mỹ ở mức 10 độ C. Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất thế giới với tổng cộng hơn 7,6 triệu ca mắc và hơn 214.000 ca tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed ở Bethesda, Maryland ngày 4/10/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 5/10 (sáng 6/10 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xuất viện sau 3 ngày nằm điều trị COVID-19. Ông Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng tiếp tục quá trình phục hồi và điều hành công việc, cũng như tiếp tục chiến dịch tái tranh cử.

Cùng ngày, Thượng viện Mỹ đã quyết định tạm nghỉ 2 tuần và dự kiến sẽ quay lại làm việc vào ngày 19/10 tới. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Donald Trump và 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Quyết định trên được thúc đẩy bởi Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell nhằm hoãn các phiên họp ngắn theo quy định. Mặc dù Thượng viện sẽ tạm nghỉ cho đến ngày 19/10, song Ủy ban Tư pháp Thượng viện vẫn dự kiến sẽ bắt đầu phiên điều trần kéo dài một ngày đối với đề cử Tòa án Tối cao của Thẩm phán Amy Coney Barrett vào ngày 12/10 tới. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Lindsey Graham hôm thứ Hai đã chính thức lên lịch bắt đầu phiên điều trần vào ngày 12/10 đối với bà Barrett.

Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.347 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 17.790 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh mới và số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Singapore trong ngày ghi nhận một số ca bệnh mới song đã nhiều tháng nay không phát sinh ca tử vong mới nào vì COVID-19. Trong khi đó, Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 400 ca bệnh phát sinh.

Myanmar tình hình đang xấu đi nhanh chóng do nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với trên 980 ca bệnh mới và 32 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 25/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 17.798 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 198 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 726.459 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 584.080 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Timor-Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 5/10.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 10 người dân trên thế giới thì có 1 người có thể đã nhiễm virus SARS- CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này đồng nghĩa rằng đa số người dân toàn cầu vẫn có nguy cơ mắc căn bệnh này.

Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, đánh giá các điểm bùng phát đang gia tăng tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á trong khi số ca mắc và tử vong cũng đang tăng dần ở nhiều khu vực của châu Âu và Đông Địa Trung Hải. WHO cảnh báo thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-toi-6-gio-sang-610-the-gioi-tren-356-trieu-ca-mac-dich-benh-quay-lai-chau-au-20201006000611905.htm