COVID-19 tô đậm phân hóa giàu - nghèo ở Trung Đông

Báo cáo của tổ chức hỗ trợ nhân đạo Oxfam mới đây cho biết, khoảng cách giàu - nghèo ở Trung Đông và Bắc Phi - nơi có tỷ lệ bất bình đẳng kinh tế lớn nhất thế giới - đang gia tăng do đại dịch COVID-19.

Một nhà hảo tâm trao nước uống cho người vô gia cư ở Iraq. Ảnh: Reuters

Một nhà hảo tâm trao nước uống cho người vô gia cư ở Iraq. Ảnh: Reuters

Theo Oxfam, giá trị tài sản ròng của 21 trong số những người giàu có nhất Trung Đông đã tăng thêm 10 tỉ USD kể từ khi dịch bệnh diễn ra. Trong khi đó, COVID-19 dự kiến sẽ đẩy 45 triệu người Arab và Bắc Phi vào cảnh nghèo đói và khiến 1,7 triệu người có nguy cơ mất việc làm. Đáng lo ngại, dịch bệnh đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế do chiến tranh gây ra và tạo gánh nặng lớn nhất lên vai những người dễ bị tổn thương.

Ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh, 10% dân số giàu có ở Trung Đông và Bắc Phi đã nắm 76% tổng thu nhập của khu vực, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu và Mỹ lần lượt chỉ 36% và 47%. Đặc biệt, bất bình đẳng thu nhập ở Trung Đông tồn tại cả giữa các quốc gia cũng như ở từng quốc gia. Đơn cử như tại Lebanon, Ai Cập và Kuwait, chỉ 1% dân số giàu đã nắm lần lượt 23,4%, 19,1% và 17,7% tổng thu nhập của các nước này.

Bất bình đẳng đã trở nên sâu sắc hơn kể từ khi các cuộc nổi dậy chống chính phủ quét qua thế giới Arab vào năm 2010, buộc nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Báo cáo dài 32 trang của Oxfam cho biết, chính các chính sách xã hội yếu kém dành cho người lao động cùng với chính sách thuế có lợi cho các doanh nghiệp đã góp phần tạo nên tình trạng này. Chẳng hạn như ở Tunisia, trong giai đoạn 2010-2018, doanh thu từ thuế do các doanh nghiệp đóng góp giảm 37% trong khi thuế hộ gia đình tăng 10%.

Đến nay, virus Corona đe dọa sinh kế của 700.000 phụ nữ Trung Đông, khoảng 40% trong số 1,7 triệu người được cho sẽ bị mất việc trong thời gian tới, dù phụ nữ tại khu vực chỉ chiếm 20% lực lượng lao động. Các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2 đã buộc một số trường học và cơ quan ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và làm việc nhưng ở các quốc gia như Iraq và Maroc, nơi chỉ có khoảng một nửa phụ nữ có quyền truy cập Internet, nhiều người bị bỏ lại phía sau. Trong khi đó, nhiều người trong số 16 triệu công nhân không chính thức của khu vực đang làm việc tại các công trường xây dựng ở các quốc gia vùng Vịnh như Qatar đặc biệt dễ bị tổn thương vì thiếu sự bảo vệ của luật pháp và xã hội khi dịch bệnh khiến họ phải nghỉ việc. Hiện nhiều người trong số này đã bị mất việc, buộc phải dùng tiền tiết kiệm để sống qua ngày. Khoảng 14% người lao động nhập cư trên thế giới đang làm việc tại Trung Đông và đối tượng này dễ bị giới chủ bóc lột, dễ bị mất việc và chiếm tỷ lệ cao nhất trong những người mắc COVID-19.

Do đó, Oxfam khuyến nghị chính phủ các nước tại khu vực cần đưa ra các chính sách mà theo đó cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho tất cả mọi người, tăng lương tối thiểu cũng như cải thiện thuế. Theo Oxfam, nếu Lebanon hồi năm ngoái áp đặt mức thuế tài sản 5%, Beirut có thể đã tạo ra 3,7 tỉ USD để giúp xây dựng lại cơ sở hạ tầng sau vụ nổ kinh hoàng làm 180 người chết và 6.500 người bị thương hôm 4-8. Tương tự, nếu các nước trong khu vực như Jordan, Ai Cập và Maroc áp đặt thuế tài sản 2% từ năm 2010, các nước này có thể tạo ra số tiền nhiều hơn tất cả các khoản cho vay của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong những năm gần đây, từ đó tránh được các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Trong báo cáo triển vọng Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi năm 2020, IMF cho rằng “cú sốc” dịch bệnh và giá dầu giảm mạnh sẽ khiến kinh tế các nước Arab - vốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, mất nguồn thu khoảng 323 tỉ USD, tương ứng 12% quy mô nền kinh tế các nước này. Dự báo, trong năm nay, nợ công của các nước Arab cũng sẽ tăng 15%, tương ứng 190 tỉ USD, lên 1.460 tỉ USD. Cùng với đó, thâm hụt ngân sách của các nước trong khu vực chiếm tới 2,8% - 10% GDP. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi có tổng dân số 578 triệu người với GDP khoảng 3.300 tỉ USD, chiếm 4,5% GDP thế giới. Khu vực này chiếm tới 60% trữ lượng dầu và 45% trữ lượng khí đốt thế giới, nên những người giàu nhất vốn chiếm số ít thường là những người được hưởng quyền lợi từ nguồn tài nguyên này.

TRÍ VĂN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/covid-19-to-dam-phan-hoa-giau-ngheo-o-trung-dong-a124941.html