COVID-19: Tại sao chúng ta phải đề phòng biến thể R.1?

Mặc dù biến thể R.1 vẫn chưa được coi là một biến thể đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia đã khuyến cáo mọi người nên cảnh giác vì nó có thể rất dễ lây nhiễm.

Trong khi biến thể Delta vẫn là dòng chiếm ưu thế nhất trên toàn cầu, các biến thể mới vẫn thỉnh thoảng tiếp tục xuất hiện. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chủng mới khác, biến thể R.1, cũng dẫn đến một số lượng nhỏ các trường hợp COVID-19 ở Mỹ và các quốc gia khác. Mặc dù nó vẫn chưa được coi là một biến thể đáng lo ngại, nhưng các chuyên gia đã khuyến cáo mọi người nên cảnh giác, vì nó có thể rất dễ lây nhiễm.

Biến thể R.1 là gì?

Biến thể R.1 lần đầu tiên được phát hiện tại Nhật Bản vào năm 2020. Sau đó, nó đã xuất hiện ở khoảng 35 quốc gia, bao gồm cả Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất, biến thể này đã lây nhiễm cho hơn 10.000 người trên toàn thế giới. Một báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cho thấy các đột biến R.1 tồn tại ở Mỹ từ tháng 4/2021. Nó được phát hiện tại một viện dưỡng lão ở bang Kentucky, nơi nhiều bệnh nhân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Theo một nghiên cứu của CDC, 87% cư dân được tiêm chủng của viện dưỡng lão ít có khả năng phát triển các triệu chứng hơn so với những người không được tiêm chủng. Hiện tại, biến thể R.1 chưa được CDC liệt kê vào danh sách biến thể đáng quan tâm và biến thể đáng lo ngại.

Biến thể R.1 có gì khác biệt?

Theo các báo cáo, bên cạnh việc thể hiện khả năng trốn tránh sự bảo vệ của vaccine và điều trị bằng kháng thể đơn dòng, biến thể R.1 dường như sở hữu một tập hợp các đột biến có thể dẫn đến sao chép và gia tăng khả năng lây truyền virus.

Biến thể R.1 có thể trốn tránh sự bảo vệ của vaccine

Việc một biến thể có thể thoát khỏi sự bảo vệ của vaccine hay không phụ thuộc vào tập hợp các đột biến mà nó sở hữu.

R.1 chứa một tổ hợp các đột biến. Tương tự như các biến thể Beta, Gamma, Eta, Iota và Mu, biến thể R.1 cũng chứa đột biến E484K có thể trốn tránh kháng thể trong huyết thanh dưỡng bệnh và các kháng thể đơn dòng trung hòa.

Theo CDC, ngoài đột biến E484K, nó còn chứa đột biến W152L ở đầu tận cùng N, một vùng của protein đột biến. Đột biến này có thể làm giảm hiệu quả của kháng thể. Đột biến W152L cũng có mặt trong một biến thể nhỏ của biến thể Delta được phát hiện ở Ấn Độ.

Do đó, các nhà khoa học tin rằng những đột biến có trong biến thể R.1 mang lại cho nó khả năng vượt qua sự bảo vệ ở những người đã được tiêm chủng.

Biến thể Delta là biến thể chiếm ưu thế nhất

Trong khi các biến thể mới xuất hiện tiếp tục là nguồn quan tâm, thì biến thể Delta vẫn lây lan mạnh và là chủng chiếm ưu thế nhất.

“Biến thể Delta rất dễ lây lan, hơn gấp 2 lần so với các biến thể trước đó. Một số dữ liệu cho thấy biến thể Delta có thể gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đó ở những người chưa được tiêm chủng”, CDC cho biết.

Trong một báo cáo gần đây, những người không được tiêm phòng có nguy cơ bị bệnh nặng cao gấp 11 lần, tỷ lệ nhập viện và tử vong cao gấp 10 lần so với những người được tiêm chủng./.

CTV Lương Trâm/VOV.VN (Biên dịch) Theo Times of India

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/covid-19-tai-sao-chung-ta-phai-de-phong-bien-the-r1-893190.vov