COVID-19 tại ASEAN hết 9/4: Trên 20.000 ca mắc mới; Campuchia lây nhiễm kỷ lục

Ngày 9/4, các nước ASEAN đã ghi nhận trên 20.500 ca mắc mới và trên 500 ca tử vong. Số ca nhiễm mới tại Campuchia tăng vọt lên mức kỷ lục là trên 570 người, trong khi toàn khối chứng kiến 20.500 ca nhiễm mới chỉ trong 1 ngày.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 20.571 ca mắc COVID-19 và 528 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 2.997.763 trường hợp và 61.576 ca tử vong. Toàn khối có 2.620.135 bệnh nhân đã bình phục.

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines chiếm nhiều nhất với 401 ca. Indonesia ghi nhận 121 ca tử vong, Malaysia thêm 5 ca, và Thái Lan thêm 1 ca tử vong.

Với 5.265 ca nhiễm mới Indonesia ghi nhận tổng cộng 1.558145 ca bệnh và 42.348 ca tử vong, tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN.

Trong khi đó, Philippines ghi nhận số ca lây nhiễm mới lên tới trên 12.000 người, trong khi ca tử vong cũng tăng mạnh, nâng tổng số người chết do COVID lên 14.520 ca.

Tình hình tại Campuchia thực sự đáng ngại khi số ca nhiễm mới tăng lên mức kỷ lục từ khi bùng phát dịch, với 576 ca, khiến nước này ghi nhận tổng cộng 3.604 ca bệnh, bao gồm 24 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới tại Thái Lan cũng tăng mạnh, lên 559 trường hợp, nâng tổng số ca bệnh lên 30.869.

Timor Leste ghi nhận 42 ca mới và hiện có tổng ca bệnh là 877 trường hợp.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 1/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia: Số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ trước đến nay

Bộ Y tế Campuchia ngày 9/4 ghi nhận số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong ngày cao nhất từ trước tới nay với 576 ca, trong đó riêng thủ đô Phnom Penh đã có 544 ca. Như vậy tổng ca mắc COVID trên cả nước đã lên tới 3.604 trường hợp, bao gồm 24 ca tử vong, 1.984 người đã bình phục.

Trước tình hình lây nhiễm nghiêm trọng hiện nay, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vadine kêu gọi người dân nên đón Tết Khmer truyền thống ở nhà (từ ngày 14-16/4), thực hiện triệt để các hướng dẫn về phòng chống dịch gồm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn với người khác. Hai vụ lây nhiễm cộng đồng mới nhất xảy ra tại một nhà máy và chợ đầu mối O’Russey (đều thuộc thủ đô Phnom Penh) tiếp tục cho thấy có thêm nhiều ca lây nhiễm sau khi các công nhân, một số tiểu thương được truy vết và xét nghiệm.

Nhân viên y tế tiêm phòng COVID-19 cho người dân Campuchia. Ảnh: Khmer Times

Trước đó, hãng thông tấn AKP ngày 8/4 cho biết Chính phủ Campuchia chuẩn bị tiêm chủng cho các công dân người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này. Đây là đợt tiêm chủng dành cho những người nước ngoài không thuộc các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, hay cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Indonesia vạch 4 chiến lược đảm bảo nguồn cung vaccine

Chính phủ Indonesia đã vạch ra 4 chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước tác động của việc một số quốc gia ra lệnh tạm ngừng xuất khẩu vaccine.

Phát biểu tại phiên điều trần ngày 8/4 trước Hạ viện, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết chiến lược đầu tiên là bảo vệ nguồn cung hiện có, mở các chương trình tiêm chủng theo kế hoạch hợp tác công-tư, đồng thời tìm kiếm các nguồn dự trữ từ Trung Quốc và Mỹ.

Lệnh tạm ngừng xuất khẩu vaccine của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến kế hoạch cung cấp 100 triệu liều vaccine từ Liên minh toàn cầu về vaccine (GAVI) và hãng dược phẩm AstraZeneca cho Indonesia. Theo Bộ trưởng Budi, Indonesia đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung đã cam kết. Chính phủ đã yêu cầu GAVI thực hiện lời cam kết và tìm cách mua vaccine cho Indonesia, cũng như sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến với GAVI về vấn đề này.

Người Hồi giáo đeo khẩu trang hành lễ tại không gian mở ở Indonesia. Ảnh: Reuters

Chiến lược thứ 2 là đạt mục tiêu tiêm chủng thông qua cơ chế hợp tác công tư, chương trình tiêm chủng đặc biệt dành cho người lao động do các công ty tự đài thọ. Hiện 35 triệu liều vaccine đã được đặt cho chương trình tiêm chủng tư nhân này.

Chiến lược thứ 3 là tìm kiếm nguồn dự trữ bằng cách bổ sung 90-100 triệu liều vaccine Sinovac của Trung Quốc. Theo ông Budi, Chính phủ Trung Quốc đã tỏ ra nhất quán trong việc thực hiện các cam kết cung ứng vaccine. Ông cũng hy vọng rằng Tổng thống Joko Widodo sẽ có các cuộc đàm phán cấp cao với Chính phủ Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn vaccine bổ sung này.

Chiến lược thứ 4 là tiếp cận nguồn dự trữ vaccine của Mỹ nhằm dự phòng cho khả năng kế hoạch tiếp nhận 54 triệu liều vaccine từ GAVI và 50 triệu liều từ hãng AstraZeneca bị cản trở. Theo Bộ trưởng Budi, Indonesia đã bắt đầu có các động thái ngoại giao và vận động hành lang với phía Mỹ một khi Washington bắt đầu phân phối vaccine cho các nước khác.

Trong một diễn biến khác, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM), bà Penny Lukito cho biết 5 loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang chờ cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) tại nước này, gồm: vaccine của AstraZeneca sản xuất tại Thái Lan, vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc), vaccine Sputnik V của Nga, Covaxin của Ấn Độ, và Novavax sản xuất tại Ấn Độ.

Thái Lan đang nỗ lực kiềm chế đợt lây lan mới, chủ yếu ở Bangkok. Ảnh: EPA-EFE

Thái Lan siết chặt hạn chế nhằm ngăn làn sóng lây nhiễm mới

Theo Straits Times, Chính phủ Thái Lan ngày 9/4 đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở giải trí tại thủ đô Bangko và 40 tỉnh khác trong ít nhất 2 tuần nhằm kiềm chế virus lây lan trước thềm lễ hội lớn nhất của đất nước.

Các quán bar, karaoke, massage sẽ tiếp tục đóng cửa cho đến ngày 23/4.

Các thống đốc tỉnh có quyền gia hạn lệnh đóng cửa hoặc bãi bỏ sớm lệnh này nếu tình hình cải thiện.

Trong tuần này giới chức ở Bangkok đã đóng cửa gần 200 địa điểm giải trí đêm sau khi những nơi này nổi lên như một trọng tâm của làn sóng lây nhiễm mới nhất.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 15/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng tái bùng phát lây nhiễm trước thềm lễ hội Năm mới của người Thái vào tuần tới chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, trì hoãn các kế hoạch dần dỡ bỏ hạn chế đối với du khách nước ngoài đã tiêm chủng COVID-19.

Trong ngày 9/4, Thái Lan ghi nhận 559 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh lên 30.869 người, trong đó có 96 ca tử vong.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-94-tren-20000-ca-mac-moi-campuchia-lay-nhiem-ky-luc-20210409193415304.htm