COVID-19 tại ASEAN hết 6/5: Ca mắc mới ở Lào lại tăng; Brunei tròn 1 năm không ca lây cộng đồng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 6/5, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 18.579 ca mắc COVID-19 và 379 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 3.511.277 ca, trong đó 69.836 người tử vong.

Trong ngày 6/5, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Philippines với 6.637 ca. Tiếp đó là Indonesia với 5.647 ca, Malaysia với 3.551 ca, Thái Lan với 1.911 ca, Campuchia với 650 ca, Lào với 105 ca. Các quốc gia còn lại có số ca mắc mới dưới 100 ca.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (191 ca), Indonesia (147 ca), Malaysia (19 ca), Thái Lan (18 ca) và Campuchia (4 ca).

Ngày đầu dỡ phong tỏa thủ đô, Campuchia có 650 ca mắc mới

Người dân Phnom Penh tham gia giao thông bình thường tại khu vực được phép di chuyển sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng (P/v TTXVN tại Campuchia)

Người dân Phnom Penh tham gia giao thông bình thường tại khu vực được phép di chuyển sau khi thành phố dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng (P/v TTXVN tại Campuchia)

Từ sáng 6/5, các nhà chức trách Campuchia đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao tiếp giáp thủ đô. Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Campuchia, người dân đã được phép đi lại bình thường trong khi một số ít hoạt động kinh doanh theo quy định vẫn tạm thời đóng cửa.

Vào tối 5/5, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã ban hành bộ hướng dẫn chi tiết về một số hoạt động trong giai đoạn 7 ngày (từ ngày 6/5 đến 12/5) sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ tại thủ đô.

Báo cáo trong ngày 6/5 của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 650 ca mắc mới COVID-19. Hiện Campuchia có tổng cộng 17.621 ca mắc với 6.843 trường hợp đã bình phục và 114 ca tử vong.

Công nhân ở các nhà máy thuộc Phnom Penh và tỉnh Kandal được phép đi làm việc luân phiên 2 tuần/tháng, với 50% số lao động làm việc trong 2 tuần đầu tiên của tháng và 50% làm việc trong 2 tuần tiếp theo. Những nhà máy đã có 80% công nhân tiêm vaccine ngừa COVID-19 (dù là mũi đầu tiên) không phải áp dụng quy định làm việc luân phiên này, nhưng phải duy trì những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Tính đến ngày 6/5, trên 1,5 triệu người, tương đương 15% dân số Campuchia, đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, nước này có kế hoạch tiêm chủng cho ít nhất 10 triệu người dân.

Số ca mắc mới tại Lào tăng trở lại

Bác sĩ Bệnh viện Setthathirath, thủ đô Viêng Chăn tiêm vaccine COVID-19 cho người dân Campuchia. Ảnh: Phạm Kiên (P/v TTXVN tại Lào)

Bộ Y tế Lào ngày 6/5 cho biết nước này đã có thêm 105 ca mắc COVID-19. Đây là lần thứ 3 kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19 bùng phát tại Lào, số ca mắc mới ghi nhận trong 24 giờ ở mức 3 con số.

Tại 2 thành phố lớn nhất của Lào là thủ đô Viêng Chăn và Champasak, số ca mắc mới tiếp tục ổn định lần lượt ở mức 15 và 12 ca, trong khi tình hình tại Bokeo - tỉnh miền Bắc giáp giới với Trung Quốc - tiếp tục phức tạp với số ca mắc mới có xu hướng tăng và đang có nguy cơ trở thành điểm nóng dịch bệnh mới tại Lào, với 72 ca. Đáng chú ý, toàn bộ các ca nhiễm mới đều là lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại cuộc họp báo chiều 5/5 thông báo việc gia hạn phong tỏa thủ đô Viêng Chăn đến hết ngày 20/5, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh tại Lào mới có xu hướng giảm nhưng chưa hết nguy cơ bùng dịch, trong đó có việc nhiều trường hợp đã cố ý từ chối điều trị, có hành vi trốn tránh.

Ủy ban Quốc gia phòng, chống COVID-19 của Lào cho biết đến nay nước này đã tiêm vaccine cho tổng cộng gần 390.000 người, trong đó có gần 79.000 người đã tiêm đủ liều 2 mũi.

Tính tới chiều 6/5, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.177 ca mắc COVID-19. Lào đã chữa khỏi cho 101 bệnh nhân và là một trong số ít quốc gia trên thế giới chưa có bệnh nhân nào tử vong do COVID-19.

Brunei tròn 1 năm không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/5, Chính phủ Brunei công bố không có ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, đánh dấu một năm không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.

Sau khi xác nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên ngày 9/3/2020, Brunei duy trì biện pháp kiểm soát biên giới cũng như các quy định đi lại chặt chẽ để ngăn virus SARS-CoV-2 xâm nhập dù số du khách nước ngoài đến quốc gia Đông Nam Á này giảm mạnh. Chính quyền Brunei cũng áp đặt nghiêm ngặt lệnh cấm tụ tập đông người, thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi tiếp xúc dựa vào công nghệ để ngăn lây nhiễm trong cộng đồng.

Từ ngày 3/4 vừa qua, chính phủ khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia. Tính đến ngày 5/5, đã có 17.776 người tại quốc gia 450.000 dân này được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Theo Bộ Y tế, hiện chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 giai đoạn 1 vẫn đang được triển khai, trong đó các đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine gồm những nhân viên phòng chống dịch tuyến đầu, sinh viên du học và những người từ 60 tuổi trở lên. Bộ trên tiếp tục khuyến khích người dân tiêm vaccine, đồng thời đặt mục tiêu tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt trong trung và dài hạn để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Dù đã trải qua 365 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng Brunei vẫn phát hiện một số ca mắc mới nhập cảnh nước này. Đến nay, Brunei có tổng cộng 228 ca mắc, trong đó có 219 người đã bình phục, 3 ca không qua khỏi.

Số ca nhiễm mới tại Philippines vẫn ở mức cao

Người dân chờ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 1/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 6/5, Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 6.637 ca mắc mới COVID-19 và 191 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở nước này lên lần lượt là 1.080.172 và 17.991.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, từ ngày 27/4, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Ấn Độ, có hiệu lực đến ngày 14/5. Từ ngày 7/5, Philippines cũng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ Bangladesh, Nepal, Pakistan và Sri Lanka hoặc những người từng ở những nước này trong vòng 14 ngày trước khi đến Philippines.

Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 5/5 yêu cầu cảnh sát bắt giữ những người không đeo khẩu trang đúng quy cách, ví dụ như không đeo khẩu trang kín mũi. Chỉ thị trên được đưa ra sau cuộc họp giữa ông Duterte và lực lượng đặc nhiệm phòng chống COVID-19, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang chật vật đối phó với số ca mắc mới gia tăng.

Indonesia bắt đầu cấm đi lại trong nước dịp lễ Eid Al-Fitr

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 3/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia ngày 6/5 đã bắt đầu thực thi lệnh cấm đi lại trong nước, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khống chế dịch COVID-19 trong dịp lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Cảnh sát đã được triển khai trên khắp các đường phố ở thủ đô Jakarta để kiểm tra giấy tờ và ngăn những người không có giấy phép đặc biệt rời khỏi thành phố. Biện pháp này được thực hiện trong khuôn khổ lệnh cấm đi lại bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 6-17/5. Nhà chức trách Indonesia đã thông báo lệnh cấm này tháng trước.

Thông thường vào dịp lễ Eid al-Fitr hằng năm, hàng triệu người ở Indonesia sẽ trở về quê nhà thăm gia đình, tạo ra làn sóng di chuyển ồ ạt mà tiếng địa phương gọi là "mudik". Dịp lễ này năm nay, giới chức y tế Indonesia lo ngại sự xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này, trong đó có biến thể phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Hiện Indonesia có 1,69 triệu ca mắc và trên 46.300 ca tử vong do COVID-19, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Thái Lan xác nhận kế hoạch tiêm vaccine cho người nước ngoài

Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan xác nhận kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 3 triệu người nước ngoài đang sinh sống ở nước này theo chương trình tiêm chủng đại trà. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện một số quan ngại về khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 của công dân nước ngoài ở Thái Lan.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết đang nghiên cứu các hình thức để người nước ngoài có thể tiếp cận chương trình tiêm chủng thông qua điện thoại di động, ứng dụng hoặc liên hệ trực tiếp với các bệnh viện.

The ông Opas, với dân số khoảng 67 triệu người, cộng thêm 3 triệu người nước ngoài đang sinh sống, Thái Lan cần tiêm vaccine phòng COVID-19 cho khoảng 50 triệu người (khoảng 70% dân số) để đạt được miễn dịch cộng đồng. Quốc gia này vẫn chưa bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà nhưng đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hầu hết những người làm việc trong tuyến đầu chống dịch, sử dụng vaccine từ kho dự trữ gồm 2,5 triệu liều vaccine Sinovac.

Thái Lan đang phải đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 phức tạp nhất từ trước đến nay, theo đó riêng tháng 4 vừa qua ghi nhận hơn 60% trong tổng số 336 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở mức khoảng 2.000 ca từ giữa tháng 4 vừa qua. Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 1.911 ca mắc mới và 18 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong của nước này lên lần lượt là 76.811 và 336.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-65-ca-mac-moi-o-lao-lai-tang-brunei-tron-1-nam-khong-ca-lay-cong-dong-20210506211249667.htm