COVID-19 tại ASEAN hết 30/5: Cả khối vượt 4 triệu ca mắc; Thái Lan vượt 1.000 ca tử vong

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 30/5, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 25.558 ca mắc COVID-19 và 390 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 4 triệu ca, trong đó 78.531 người tử vong.

Trong ngày 30/5, quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc nhất là Philippines với 7.058 ca. Tiếp đó là Malaysia với 6.999 ca, Indonesia với 6.115 ca, Thái Lan với 4.528 ca, Campuchia với 579 ca. Các nước còn lại ghi nhận trên dưới 200 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, có 5 quốc gia ghi nhận ca tử vong mới: Indonesia (142 ca), Philippines (139 ca), Malaysia (79 ca), Thái Lan (24 ca) và Campuchia (6 ca).

Tổng số ca tử vong tại Thái Lan vượt 1.000

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/4/2021. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 8/4/2021. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Thái Lan đã vượt 1.000 ca với 24 ca được xác nhận trong ngày 30/5.

Giới chức y tế Thái Lan ngày 30/5 cho biết nước này ghi nhận thêm 4.528 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 1.902 ca trong các nhà tù. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới được ghi nhận vượt mốc 4.500 ca. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 tại Thái Lan từ trước tới nay là 154.307 ca, trong đó có 1.012 người không qua khỏi.

Hiện nay, các quan chức y tế Thái Lan đặt ưu tiêu phân phối vaccine COVID-19 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới để tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân vào tháng 7 tới. Đối với các tỉnh khác, việc phân bổ vaccine sẽ thay đổi tùy theo mức độ lây nhiễm của từng khu vực.

Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong cho biết DDC chịu trách nhiệm đảm bảo số lượng vaccine từ các hãng AstraZeneca, Sinovac, Pfizer và Johnson & Johnson. Ông Opas cho biết số lượng này sẽ gần đạt mục tiêu 150 triệu liều của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha.

Kết quả thăm dò dư luận do Đại học Suan Dusit Rajabhat thực hiện được công bố cùng ngày cho thấy đa số người dân Thái Lan muốn Chính phủ xúc tiến việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cải thiện nền kinh tế đang chùng xuống của đất nước.

Campuchia ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng ở tỉnh giáp thủ đô

Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 30/5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 579 ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh tỉnh Kandal giáp thủ đô Phnom Penh vừa ra thông báo đưa một số địa điểm trong tỉnh vào danh sách “Khu vực Đỏ” do tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại.

“Khu vực Đỏ” tại tỉnh Kandal hiện nay gồm một số điểm thuộc làng Peam Reang Leu (xã Peam Reang commune, huyện Leuk Dek). “Khu vực Vàng sậm” và “Khu vực Vàng” gồm một số điểm thuộc các làng Thmei, Prek Ta Tuon và Peam Reang Leu (đều thuộc xã Peam Reang, huyện Leuk Dek). Peam Reang là xã nằm cạnh Hạ lưu sông Mekong, gần bờ phía Tây cầu Neak Leung, cách thủ đô Phnom Penh 60km.

Trong khi đó, tại tỉnh Svay Rieng giáp biên giới Việt Nam, Sở Y tế tỉnh này đã kêu gọi toàn bộ các công nhân nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người mắc COVID-19. Giám đốc Sở Y tế Svay Rieng, ông Ke Ratha, cho biết toàn bộ các công nhân sẽ cách ly ngay tại nhà máy để tránh virus lây lan cho người thân và cộng đồng. Cho đến nay, riêng tại tỉnh Svay Rieng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 820 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 782 công nhân Campuchia và 38 người nước ngoài.

Tính đến ngày 30/5, Campuchia đã có 29.404 ca COVID-19, với 22.188 người được điều trị bình phục và 209 ca tử vong.

Dịch bệnh ở Philippines tiếp tục phức tạp

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines đã ghi nhận 7.058 ca mắc mới trong 24 giờ, nâng tổng số ca COVID-19 tại quốc gia này lên 1.223.627 ca. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á là 20.860 ca, cao hơn 139 ca so với một ngày trước đó. Theo số liệu từ Bộ Y tế Philippines, tổng cộng 12 triệu trên tổng số 110 triệu dân nước này đã được xét nghiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020. Trước đó, ngày 28/5, Philippines ghi nhận hơn 8.000 ca mắc mới, mức cao nhất trong vòng một tháng qua.

Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết số ca mắc mới tại vùng đô thị Manila và các vùng phụ cận tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm lại trong những tuần gần đây. Trong khi đó, tất cả các vùng ở tỉnh Visayas, miền Trung Philippines, đều ghi nhận số ca mắc mới tăng dần. Các ca mắc mới cũng tăng liên tục ở tất cả các vùng ở đảo Mindanao, miền Nam Philippines, trong đó có 3 vùng ghi nhận tốc độ tăng nhanh hơn trong tuần này. Bộ Y tế nước này kêu gọi tất cả các chính quyền địa phương tăng cường biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Nam Phi, Anh và Ấn Độ.

Singapore công bố kế hoạch mới kiểm soát dịch

Người dân đeo khẩu trang và giữ khoảng cách phòng dịch COVID-19 tại Vịnh Marina, Singapore ngày 14/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 30/5 thông báo ông sẽ công bố các kế hoạch nhằm khôi phục trạng thái bình thường mới của nước này vào ngày 31/5.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, nhà lãnh đạo Singapore cho biết ông sẽ chia sẻ giải pháp mà Singapore dự kiến áp dụng để kiểm soát dịch bệnh trong khi mở cửa nền kinh tế quốc gia này một lần nữa gồm đẩy nhanh tốc độ quy trình xét nghiệm, truy vết các ca có nguy cơ lây nhiễm cũng như tiêm chủng vaccine.

Trong tháng 5 này, Singapore đã tái áp đặt một số biện pháp hạn chế đối với các hoạt động tập trung đông người. Đây là biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 nghiêm ngặt nhất là Singapore thực hiện trở lại sau khi quốc gia Đông Nam Á này thoát khỏi tình trạng phong tỏa vào năm ngoái.

Malaysia thông báo cụ thể biện pháp hạn chế

Nhân viên tiến hành khử khuẩn nghĩa trang sau khi các bệnh nhân COVID-19 qua đời được chôn cất tại ở Semenyih, Selangor, Malaysia, ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Từ ngày 1 đến 14/6, Malaysia sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, theo đó nước này sẽ đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và cấm tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu.

Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ được phép hoạt động trong thời gian phong tỏa toàn diện bao gồm sản xuất thực phẩm, dịch vụ y tế (trong đó có dịch vụ thú y), nước, năng lượng, an ninh, xử lý chất thải, vận tải, thông tin liên lạc (trong đó có truyền thông), tín dụng (trong đó có cửa hàng cầm đồ), công nghệ thông tin, phân phối, dịch vụ khách sạn (để kiểm dịch và cách ly, không phải cho du lịch), lâm nghiệp (chỉ đối với lực lượng chấp pháp) và hậu cần để cung cấp các dịch vụ thiết yếu.

Các doanh nghiệp khác sẽ được phép hoạt động, nhưng chỉ trong khung giờ từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối là tiệm giặt là tự phục vụ, trạm xăng dầu, cửa hàng vật nuôi, cửa hàng kính mắt, cửa hàng bán phần cứng và cửa hàng dịch vụ xe cộ.

Bên cạnh đó, Malaysia còn cho phép một số lĩnh vực thiết yếu khác hoạt động với 60% lao động, bao gồm: hàng không vũ trụ, trong đó có duy tu, sửa chữa và đại tu; thực phẩm và đồ uống; đóng gói và in ấn; điện và điện tử; dệt may nhưng chỉ để sản xuất thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)…

Tình hình dịch tại Lào tiếp tục lắng dịu

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào trưa 30/5 công bố 3 ca mắc mới COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Lào ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức rất thấp kể từ khi làn sóng dịch thứ hai bùng phát tại nước này từ cuối tháng 4 vừa qua.

Sau hai lần gia hạn lệnh phong tỏa áp dụng từ ngày 22/4, tình hình dịch tại Lào tiếp tục lắng dịu khi chỉ ghi nhận 3 ca mắc trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn trong 24 giờ qua.

Phát biểu họp báo, Đại diện Bộ Y tế Lào lưu ý những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại khu vực và các nước láng giềng, yêu cầu người dân không lơ là, chủ quan và tiếp tục tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, cần sớm đi xét nghiệm để tránh nguy cơ bệnh chuyển xấu, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cá nhân và cộng đồng.

Tính đến ngày 30/5, Lào ghi nhận tổng cộng 1.911 ca mắc COVID-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.426 người và chỉ có 3 trường hợp tử vong.

Myanmar gia hạn các biện pháp phòng dịch

Ủy ban trung ương về phòng, chống và điều trị COVID-19 của Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 30/6 tới. Theo đó, tất cả các sắc lệnh, thông báo và chỉ thị được các bộ và các tổ chức chính phủ ban hành trước đó để khống chế dịch sẽ được gia hạn.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar ghi nhận thêm 40 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 143.526 ca trong khi tổng số ca tử vong tại đây vẫn là 3.216 ca.

Thùy Dương/Báo Tin tưc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-305-ca-khoi-vuot-4-trieu-ca-mac-thai-lan-vuot-1000-ca-tu-vong-20210530215003559.htm