COVID-19 tại ASEAN hết 3/12: Indonesia có trên 8.000 ca mắc mới; Campuchia đóng trung tâm thương mại

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 3/12, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 11.949 ca mắc COVID-19 và 207 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 1.221.593 ca, trong đó 28.332 người tử vong.

Các quốc gia có số ca mắc mới nhiều nhất ASEAN trong ngày 3/12 là: Indonesia (8.369 ca), Myanmar (1.418 ca), Malaysia (1.075 ca) và Philippines (1.061 ca).

Trong ngày 3/12, có bốn quốc gia ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 gồm: Indonesia (156 ca), Myanmar (30 ca), Malaysia (11 ca) và Philippines (10 ca).

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Medan, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3/12, Indonesia ghi nhận 8.369 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 557.877 ca.

Trong 24 giờ qua, Indonesia cũng có thêm 156 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 17.355 người. Hiện Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nhân lực Indonesia Ida Fauziyah cho biết sau khi tiến hành xét nghiệm PCR, bà đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Hiện tình trạng của bà Ida khá ổn định, không gặp bất kỳ triệu chứng nào và đang tự cách ly tại nhà riêng. Trước bà Ida, Indonesia đã ghi nhận ba bộ trưởng trong nội các mắc COVID-19, đó là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi, Bộ trưởng Tôn giáo Fachrul Razi cùng Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Edhy Prabowo, người đã bị cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ để phục vụ điều tra các cáo buộc tham nhũng liên quan đến xuất khẩu tôm hùm giống vào cuối tháng 11 vừa qua.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Tangerang, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Puan Maharani ngày 3/12 yêu cầu chính phủ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng chiến lược xử lý đại dịch COVID-19 để tìm ra những bộ phận nào cần được hỗ trợ và tăng cường thêm nhân lực cũng như vật lực.

Bà Puan Maharani nhấn mạnh chính phủ phải lường trước được sự mệt mỏi của công chúng khi đối mặt với đại dịch để có các biện pháp đối phó, không để người dân không còn muốn tuân thủ các quy định y tế. Bà Puan Maharani cũng đề nghị chính phủ tăng cường công tác phòng chống và giúp đỡ người dân tăng cường sức khỏe, cũng như khả năng miễn dịch.

Myanmar có số ca mắc mới cao thứ hai ASEAN

Kiểm tra thân nhiệt ở Yangon, Myanmar ngày 8/11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 3/12, Myanmar ghi nhận 1.418 ca mắc COVID-19, con số cao thứ hai ASEAN, chỉ sau Indonesia.

Số ca tử vong ở Myanmar trong ngày 3/12 là 30 ca, cũng cao thứ hai ASEAN.

Tính đến nay, Myanmar có tổng cộng 95.018 ca mắc COVID-19, trong đó 2.028 người tử vong.

Malaysia ghi nhận 1.075 ca mắc mới

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 23/11. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 3/12, Malaysia ghi nhận 1.075 ca mắc COVID-19, con số cao thứ ba ASEAN. Số ca tử vong ở Malaysia trong ngày 3/12 là 11 ca, cũng cao thứ ba ASEAN.

Tính đến nay, Malaysia có tổng cộng 69.095 ca mắc COVID-19, trong đó 376 người tử vong.

Philppines sẽ có vaccine vào tháng 3/2021

Kiểm tra thân nhiệt cho hành khách trước khi lên xe buýt tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Y tế Phillippines, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 1.061 người, nâng tổng số ca mắc lên 435.413. Philippines có 10 ca tử vong trong ngày 3/12, nâng tổng số ca tử vong lên 8.446.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Philippines (FDA) cho biết vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ có mặt tại Philippines vào tháng 3/2021. Tổng giám đốc FDA Rolando Enrique Domingo cho biết điều này là có khả năng, xét tiến triển trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 gần đây ở Anh, Mỹ và các nước khác.

Ông cho biết quy trình cấp phép vaccine sẽ được rút ngắn, từ 6 tháng xuống còn 21-28 ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte ra sắc lệnh cho phép FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp với các loại vacine ngừa COVID-19 nhập khẩu.

Campuchia đóng tòa tháp thương mại Canadia tại thủ đô

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia ngày 2/9. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 3/12, trang thông tin Fresh News dẫn lời Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia, bà Youk Sambath thông báo nước này sẽ đóng cửa Tòa tháp Canadia Tower, một trong những tòa nhà văn phòng lớn tại thủ đô Phnom Penh, sau khi một nhân viên Ngân hàng Bank of China (trụ sở tại đây) có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tối 2/12. Mọi hoạt động tại tòa nhà Canadia Tower sẽ bị dừng cho tới khi có thông báo mới.

Trong khi đó, cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia xác nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới có liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”. Bộ Y tế ngay lập tức ban bố lệnh đóng cửa 14 ngày hội sở chính của Ngân hàng Cathay United tại Phnom Pênh, nơi một trong 2 ca mắc trên làm việc và yêu cầu toàn bộ nhân viên tiến hành xét nghiệm COVID-19 và cách ly 14 ngày.

Tính đến ngày 2/12, có ít nhất 8.766 người thuộc 7 tỉnh, thành ở Campuchia có liên quan đến “sự kiện cộng đồng ngày 28/11”, trong đó 19 người đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tính đến hết ngày 3/12, Campuchia ghi nhận tổng cộng 331 ca mắc COVID-19, trong đó 304 người đã bình phục và không có trường hợp tử vong.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-312-indonesia-co-tren-8000-ca-mac-moi-campuchia-dong-trung-tam-thuong-mai-20201203223919246.htm