COVID-19 tại ASEAN hết 23/12: Bangkok hủy lễ đón Năm mới; Lào mở lại trường học từ tháng 1/2022

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 23/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.272 ca mắc COVID-19 và 429 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.678.784 ca, trong đó 301.730 người tử vong.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 23/12, Việt Nam tiếp tục có số ca mắc mới cao nhất ASEAN với 16.377 ca.

Tại Malaysia, nước này có thêm 3.519 ca mắc mới, đứng thứ hai ASEAN trong trong 24 giờ qua. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.728.203 ca mắc COVID-19.

Thái Lan có số ca mắc mới cao thứ ba ASEAN. Thái Lan ghi nhận 2.940 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.202.001 ca.

Lào ghi nhận 1.471 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 103.336 ca mắc.

Tiếp đó là Singapore với 335 ca mắc mới; Philippines với 288 ca mắc mới; Myanmar với 199 ca mắc mới; Indonesia với 136 ca mắc mới; Campuchia với 4 ca mắc mới và Brunei với 3 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (280 ca), Philippines (65 ca), Thái Lan (30 ca), Malaysia (29 ca), Lào (6 ca), Indonesia (8 ca), Myanmar (5 ca) và Singapore (1 ca).

Thủ đô Bangkok của Thái Lan hủy các sự kiện đón mừng Năm mới

Người dân đăng ký tiêm vaccine COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: THX/TTXVN

Thống đốc Bangkok Asawin Kwanmuang đã ra lệnh cho các cơ quan chính quyền hủy những sự kiện lễ hội do nhà nước tổ chức, kể cả lễ đếm ngược chào đón Năm mới 2022 tại quảng trường thành phố, do lo ngại về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Quyết định nói trên được đưa ra theo hướng dẫn của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) về việc tổ chức những sự kiện mừng Năm mới dự kiến vào ngày 31/12 và 1/1. Hướng dẫn ban hành sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nước hủy bỏ một số kế hoạch lễ hội vì sự an toàn của người dân do biến thể Omicron lây lan nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) cũng đề nghị các khu vực tư nhân nếu muốn tổ chức các lễ đếm ngược chào Năm mới thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp an toàn, bao gồm thực hiện nghiêm hướng dẫn về môi trường không COVID-19, sàng lọc và dọn dẹp cơ sở, thực hiện giãn cách xã hội và cung cấp cơ sở cách ly cho những người bị nhiễm… Các nhà tổ chức lễ đếm ngược chào đón Năm mới cũng được yêu cầu giảm số lượng người tham dự, người tham gia phải được tiêm chủng hoặc trình kết quả xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng không quá 72 giờ trước các sự kiện.

Phó Thống đốc Kriengyot đề nghị người dân thủ đô Bangkok hợp tác, hạn chế đi vào các khu vực đông đúc hoặc có nguy cơ dịch bệnh cao, để kiểm soát và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm theo các chính sách của Chính phủ.

Tính đến ngày 22/12, Thái Lan đã ghi nhận trên 100 trường hợp nghi nhiễm biến thể Omicron, trong đó 27 ca đã được xác nhận.

Trong cuộc họp báo chiều cùng ngày, CCSA cho biết số lượng các ca mắc mới trong số những người đến Thái Lan bằng đường hàng không kể từ khi đất nước mở cửa trở lại ngày 1/11 đã tăng trong vài ngày qua. Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan hiện đã sẵn sàng cung cấp mũi tiêm ngừa COVID-19 thứ tư cho nhân viên y tế, cán bộ y tế tuyến đầu và những người có khả năng miễn dịch thấp. Đề xuất này sẽ được trình lên Ủy ban Quốc gia về bệnh truyền nhiễm xem xét.

Lào sẽ thí điểm mở lại trường học từ tháng 1/2022

Tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 17/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa đưa ra các biện pháp và hướng dẫn cho việc mở cửa an toàn các trường học trên cả nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.

Theo đó, các trường học sẽ được phép mở cửa thí điểm trở lại sau khi ấn định thời khóa biểu cụ thể, kế hoạch kiểm soát dịch bệnh và cung cấp các vật chất cần thiết cho việc phòng ngừa lây nhiễm.

Kế hoạch phòng ngừa COVID-19 và mở lại lớp học của mỗi trường sẽ được cơ quan y tế thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai. Các lớp học sẽ được thí điểm mở lại bắt đầu từ 10/1/2022 đối với các trường học đạt tối thiểu 70% tiêu chí đánh giá của Bộ Y tế. Mỗi địa phương sẽ tiến hành thẩm định trường học trên địa bàn mỗi tuần 2 lần để xác định phương hướng kiểm soát tiếp theo.

Liên quan tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Lào ngày 23/12 cho biết trong 24 giờ qua Lào có thêm 1.471 ca mắc mới tại 18 tỉnh, thành phố và 11 ca tử vong do COVID-19, trong đó chỉ có 2 ca nhập cảnh.

Theo Bộ Y tế Lào, số ca mắc mới ghi nhận ngày 23/12 tăng 130 ca so với ngày 22/12. Đáng chú ý, thủ đô Viêng Chăn ghi nhận số ca cộng đồng tăng cao với 737 trường hợp trong một ngày, tiếp tục đứng đầu cả nước.

Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 103.336 ca, trong đó có 299 người tử vong.

Philippines phê duyệt thuốc molnupiravir và tiêm vaccine Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi

Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em tại thành phố Marikina, Philippines, ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Philippines ngày 23/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với thuốc viên nén molnupiravir điều trị COVID-19 và tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.

Theo Tổng Giám đốc FDA Philippines Rolando Enrique Domingo, viên nén molnupiravir (một hoạt chất có tác dụng kháng virus) hiệu Molnarz, do hãng dược phẩm Merck (Mỹ) phát triển và Faberco Life Sciences phân phối, đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp dựa trên "toàn bộ những bằng chứng" cho thấy hiệu quả của loại thuốc này trong việc điều trị cho các bệnh nhân COVID- 19.

Ngoài ra, FDA Philippines cũng cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do các hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi, với liều lượng thấp hơn liều lượng tiêu chuẩn tiêm cho người lớn và thanh thiếu niên. Cụ thể, mỗi liều vaccine dùng cho trẻ 5-11 tuổi là 10 microgam. Phác đồ tiêm hoàn chỉnh là hai liều cách nhau 21 ngày. Theo ông Domingo, Philippines dự kiến sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi từ tháng 1/2022.

Malaysia và Singapore hạn chế Chương trình VTL

Nhân viên hướng dẫn hành khách trong chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), tại Singapore ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin tuyên bố tạm dừng bán vé xe bus và vé máy bay thuộc Chương trình Hành lang du lịch tiêm chủng (VTL) giữa Malaysia và Singapore từ ngày 23/12/2021 đến ngày 20/1/2022.

Bộ trưởng Khairy cho biết quyết định được đưa ra dựa trên một báo cáo của Bộ Y tế Singapore sau khi phát hiện một ổ dịch COVID-19 tại nước này, trong đó nhiều khả năng có hai ca mắc biến thể

Omicron. Đáng chú ý, 3 trường hợp trong số này không đi du lịch ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông, những du khách đã mua vé VTL đường bộ và đường không cũng như đáp ứng các điều kiện theo quy định có thể tiếp tục thực hiện chương trình này.

Dự kiến Chương trình VTL có thể được mở lại vào ngày 21/1/2022 dựa trên các đánh giá rủi ro về tình hình dịch COVID-19 hiện tại ở cả hai nước. Bộ trưởng Khairy cũng kêu gọi các du khách nâng cao trách nhiệm và tuân thủ nghiêm Quy trình Vận hành tiêu chuẩn (SOP) thông qua tự xét nghiệm ngẫu nhiên virus SARS-COV-2.

Cùng ngày, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng đưa ra quyết định tương tự.

Ngày 29/11, Malaysia và Singapore đã khởi động Chương trình VTL đường không và đường bộ giữa hai nước dành cho những du khách đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Du khách không cần phải cách ly tại điểm đến, nhưng phải thực hiện xét nghiệm trước khi khởi hành và sau khi nhập cảnh.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-2312-bangkok-huy-le-don-nam-moi-lao-mo-lai-truong-hoc-tu-thang-12022-20211223200634834.htm