COVID-19 tại ASEAN hết 2/11: Toàn khối có 6.969 ca mắc mới; Indonesia có thể đã qua đỉnh dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 2/11, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận 6.969 ca mắc COVID-19 và 112 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên 952.241 ca, trong đó 22.971 người tử vong.

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lembang, Tây Java, Indonesia ngày 29/10. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt cho người dân để phòng lây nhiễm COVID-19 tại Lembang, Tây Java, Indonesia ngày 29/10. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 2/11 là Indonesia với 2.618 ca, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 415.402 ca. Indonesia cũng ghi nhận số ca tử vong trong ngày này cao nhất ASEAN với 101 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch lên 14.044. Trong thời gian qua, Indonesia liên tục là nước có ca mắc và tử vong cao nhất ASEAN.

Virus gây bệnh COVID-19 đã lan tới toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Đặc biệt, trong 24 giờ qua, thủ đô Jakarta ghi nhận tới 1.024 ca mắc mới, cao nhất nước. Tiếp đó là Tây Java với 341 ca, Đông Java với 284 ca, Trung Java với 248 ca, Tây Sumatra với 178 ca. Bảy tỉnh không ghi nhận ca mắc mới nào trong ngày 2/11.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Lembang,Tây Java, Indonesia ngày 29/10. Ảnh: THX/TTXVN

Theo CNN, xu hướng giảm đều số ca mắc COVID-19 mới trong vài tuần qua có thể cho thấy Indonesia đã qua đỉnh dịch mặc dù giới chức y tế chưa xác nhận điều này. Tỷ lệ gia tăng ca mắc mới theo tháng đã ở mức thấp nhất trong tháng 10, còn số ca mắc trung bình trong 7 ngày đã giảm từ trên 4.300 hồi cuối tháng 9 xuống còn 3.300 vào ngày 1/11 – con số trung bình theo tuần thấp nhất từ 10/9.

Ngoài ra, tỷ lệ bệnh nhân đang được điều trị đã giảm mạnh trong những tuần qua. Với 2.618 ca mới trong ngày 2/11, Indonesia có ngày ghi nhận ca mắc thấp nhất trong hơn hai tháng qua.

Người dân Philippines tránh bão và vẫn phải lo phòng dịch COVID-19. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai về ca mắc COVID-19 trong ngày 2/11 là Philippines với 2.298 ca, nâng tổng số ca mắc lên 385.400. Philippines cũng ghi nhận 32 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 7.269. Philippines là vùng dịch COVID-19 lớn thứ hai ASEAN.

Bộ Y tế Philippines cho biết Benguet là nơi ghi nhận số ca mắc mới cao nhất với 188 ca, tiếp đó là thành phố Davao với 166 ca, Rizal với 119 ca, thành phố Quezon với 116 ca và Bulacan với 91 ca.

Khi cơn bão Rolly buộc hàng trăm nghìn người phải rời nhà cửa ngày 1/11, giới chức y tế kêu gọi người đi sơ tán tiếp tục duy trì biện pháp phòng dịch. Bộ này cũng nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong bảo vệ người dân khỏi virus.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Yangon, Myanmar ngày 13/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Myanmar có số ca mắc hàng ngày cao thứ 3 ASEAN trong ngày 2/11 với 1.202 ca mắc và 24 ca tử vong. Tổng số ca mắc tại Myanmar là 54.607, trong đó có 1.282 ca tử vong.

Tại Malaysia, ngày 2/11, nước này ghi nhận 834 ca mắc mới (cao thứ tư ASEAN) và 2 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc ở nước này đã là 33.339 ca, trong đó 251 người chết.

Trong bối cảnh dịch bệnh, ngày họp đầu tiên của Hạ viện Malaysia đã kết thúc sớm hơn dự kiến, sau khi có thông tin nhân viên tháp tùng một thượng nghị sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Takiyuddin Hassan, cuộc họp ngày 2/11 đã tạm dừng vào lúc 13h thay vì 17h30 như dự kiến. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp khẩn của Chủ tịch Hạ viện Azhar Azizan Harun với lãnh đạo các đảng phái và đại diện của Bộ Y tế. Hạ viện cũng sẽ sớm đưa ra quy định đăng ký ra, vào làm việc tại trụ sở của cơ quan lập pháp này, áp dụng đối với các nghị sĩ và những người đi cùng. Những thay đổi sẽ được cập nhật và gửi đến kịp thời cho lãnh đạo các đảng. Kỳ họp lần này của Hạ viện Malaysia dự kiến kéo dài đến ngày 15/12, chủ yếu tập trung vào chủ đề chống COVID-19 và Dự thảo Ngân sách 2021.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Subang Jaya, ngoại ô Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nền kinh tế của Malaysia khó có khả năng phục hồi trong năm 2020. Báo cáo mới nhất của công ty dữ liệu IHS Markit Malaysia cho thấy chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Malaysia trong tháng 10 chỉ đạt 48,5, giảm so với mức 49 hồi tháng 9. Đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp PMI - chỉ số phản ánh "sức khỏe" lĩnh vực sản xuất - của Malaysia giảm.

Tỷ lệ nhiễm COVID-19 gia tăng cùng những lo ngại rằng các biện pháp phong tỏa sẽ được áp đặt trở lại cả ở trong nước và các thị trường xuất khẩu, khiến số lượng đơn đặt hàng giảm và làm suy yếu lòng tin của doanh nghiệp.

Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID1-19 tại sân bay Don Mueang ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Campuchia, Singapore Thái Lan đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 không đáng kể trong ngày 2/11. Singapore và Campuchia mỗi nước chỉ có 1 ca mắc

Tại Lào, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã ra thông báo sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch tại nước này, tuy nhiên vẫn duy trì hạn chế các hoạt động xuất nhập cảnh ít nhất tới hết năm nay.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Vientiane, Lào. Ảnh: THX/TTXVN

Thông báo trên cho biết kể từ ngày 1/11, ngoài cho phép hoạt động du lịch theo nhóm đối với du khách đến từ các quốc gia không có dịch COVID-19 trong cộng đồng, Chính phủ Lào cũng cho phép mở lại các khu vui chơi giải trí, quán karaoke với điều kiện đảm bảo các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh và chấp hành giờ giới nghiêm theo quy định.

Tuy nhiên, Lào sẽ vẫn tiếp tục đóng cửa các cửa khẩu địa phương và cửa khẩu truyền thống với mục đích xuất nhập cảnh phổ thông và vận tải hàng hóa, ngoại trừ một số cửa khẩu được chính phủ cho phép thực hiện hoạt động vận tải hàng hóa.

Đối với các cửa khẩu quốc tế, Lào sẽ tiếp tục không cho phép hoạt động xuất nhập cảnh phổ thông, ngoại trừ công dân Lào và người nước ngoài đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19 cho phép. Việc vận tải hàng hóa tại các cửa khẩu quốc tế sẽ tiếp tục được hoạt động bình thường.

Lào cũng tiếp tục ngừng cấp thị thực du lịch và thăm viếng đối với người di chuyển từ hoặc quá cảnh ở quốc gia đang có dịch. Trường hợp nhà ngoại giao, nhân viên tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nhân, chuyên viên và lao động nước ngoài có nhu cầu cấp thiết thì có thể tiến hành làm việc tại Đại sứ quán, nhưng phải được Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 chấp thuận.

Theo thông báo trên, Chính phủ Lào sẽ tiếp tục đàm phán với Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về các biện pháp nới lỏng cho hoạt động xuất nhập cảnh của công dân mỗi bên trong thời gian tới. Các biện pháp nới lỏng mới của Lào sẽ có hiệu lực từ ngày 1/11 đến ngày 31/12.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-211-toan-khoi-co-6969-ca-mac-moi-indonesia-co-the-da-qua-dinh-dich-20201102224509866.htm