COVID-19 tại ASEAN hết 16/7: Thái Lan đối mặt sóng dịch lớn nhất; Indonesia tiêm mũi vaccine thứ 3 cho nhân viên y tế

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 16/7, tám quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 85.761 ca mắc COVID-19 và trên 1.200 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã vượt 5.940.337 ca, trong đó trên 112.480 người tử vong.

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Tây Java, Indonesia ngày 13/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Tây Java, Indonesia ngày 13/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 16/7 cũng đứng thứ hai toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.

Chôn cất thi thể bệnh nhân COVID-19 tại Tây Java, Indonesia ngày 13/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 16/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 115 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 6.194 và 190 ca tử vong COVID-19.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Shah Alam, ngoại ô Kuala Lumpur (Malaysia) ngày 27/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 16/7 ghi nhận thêm trên 9.692 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 67 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 587 bệnh nhân mới và 16 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 112.489 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.229 ca so với 1 ngày trước. Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Brunei, trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/7/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan ngày 16/7 thông báo ghi nhận 9.692 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 381.907 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Thái Lan, trong bối cảnh nhà chức trách đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm lớn nhất cho đến nay tại nước này.

Cùng ngày, Thái Lan cũng ghi nhận thêm 67 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy đến nay, đã có tổng cộng 3.099 người không qua khỏi do COVID-19 tại Thái Lan.

Tại Indonesia, ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Điều phối hàng hải và Đầu tư, ông Luhut Pandjaitan cho biết chính phủ nước này chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi số ca mắc mới COVID-19 lên đến 100.000 ca/ngày.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) đã phê duyệt và đăng ký 4 bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh COVID-19 để sử dụng tại nhà.

Ngày 16/7, Tổng thư ký FDA Paisarn Dunkum cho biết sự lây lan nhanh chóng của COVID-19 khiến nhu cầu xét nghiệm ngày càng tăng và người dân phải xếp hàng dài chờ xét nghiệm RT-PCR. Việc đăng ký các bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh sẽ cho phép người dân dễ dàng phát hiện bệnh, cách ly và được điều trị sớm.

Người dân có thể mua các bộ xét nghiệm tại bệnh viện, tổ chức chính phủ và cửa hàng thuốc. Ông Dunkum cảnh báo người dân không nên mua các bộ xét nghiệm từ những nguồn khác vì có thể nhận được các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Hiện chưa có thông tin về chi phí hoặc khi nào các bộ xét nghiệm sẽ có sẵn để bán cho người dân.

Theo người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangson, độ chính xác của bộ xét nghiệm kháng nguyên sẽ thấp hơn xét nghiệm RT-PCR, nhưng tốt hơn là không có xét nghiệm nào. Những người có kết quả dương tính với bộ xét nghiệm kháng nguyên cần liên hệ với các cơ sở y tế địa phương để nhân viên y tế có thể tư vấn cách ly tại nhà hoặc cách ly tại cộng đồng. Những người có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng có nguy cơ lây nhiễm phải lặp lại các xét nghiệm kháng nguyên 3-5 ngày sau đó, vì nồng độ virus có thể quá thấp để được phát hiện trong lần xét nghiệm đầu tiên.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 8/7/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 16/7, Indonesia bắt đầu tiêm nhắc lại vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế bằng vaccine của công ty dược Moderna (Mỹ).

Bộ trưởng Y tế Indonesia, Budi Gunadi Sadikin cho biết chương trình được tiến hành thử nghiệm với 50 giáo sư Khoa Y thuộc Đại học Indonesia (FKUI) và một số bác sĩ Bệnh viện đa khoa trung ương Cipto Mangunkusumo ở thủ đô Jakarta. Trong một tuyên bố bằng văn bản, Bộ trưởng Budi cho hay nếu thử nghiệm thành công, chương trình tiêm nhắc lại cho các nhân viên y tế sẽ được triển khai tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Ông Budi hy vọng rằng việc tiêm vaccine mũi thứ 3 có thể giúp tăng cường bảo vệ và giúp các nhân viên y tế an tâm hơn trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân COVID-19. Ông cho rằng chương trình này sẽ dễ triển khai hơn do đối tượng tiếp nhận vaccine đều làm việc tại các cơ sở y tế và Indonesia có thể hoàn tất tiêm chủng cho 1,5 triệu nhân viên y tế.

Giáo sư Aman Bhakti Pulungan, thuộc FKUI và là Tổng Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ nhi khoa Indonesia (IDAI), lạc quan rằng việc tiêm nhắc lại bằng vaccine của Moderna sẽ tăng khả năng miễn dịch cho đội ngũ nhân viên y tế.

Trước đó hôm 9/7, Bộ trưởng Sadikin thông báo rằng vaccine phòng COVID-19 của Moderna đã được lựa chọn để tiêm mũi thứ 3 cho các nhân viên y tế sau các cuộc thảo luận với Nhóm tư vấn kỹ thuật tiêm chủng (ITAGI) và Cơ quan Giám sát thực phẩm và dược phẩm (BPOM). Kế hoạch này cũng đã được Bộ trưởng Điều phối kinh tế Airlangga Hartarto - người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban đối phó dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế quốc gia - phê duyệt.

Chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Bekasi, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia đang tiến hành chương trình tiêm chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 trong đó chủ yếu dựa vào vaccine của công ty Sinovac (Trung Quốc). Mới đây, hơn 350 nhân viên y tế ở huyện Kudus thuộc tỉnh Trung Java của Indonesia được xác nhận mắc COVID-19, trong đó hàng chục người phải nhập viện, dù đã tiêm vaccine của Sinovac.

Hôm 27/6, truyền thông quốc tế dẫn nguồn từ một hiệp hội y khoa Indonesia cho biết chỉ trong tháng 6 đã có 26 bác sĩ tử vong vì COVID-19, trong đó ít nhất 10 người được tiêm đầy đủ hai liều vaccine của Sinovac.

Cùng ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Pahala Nugraha Mansury thông báo quốc gia này đã tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 thứ 4 của công ty Sinopharm (Trung Quốc) với tổng cộng 1.408.000 liều dùng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau) do các công ty tư nhân tài trợ.

Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Sinopharm. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 16/7, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này đã chấp thuận sử dụng có điều kiện đối với 2 loại vaccine ngừa COVID-19 mới là COVILO của hãng Sinopharm và Janssen của hãng Johnson & Johnson.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 16/7, Tổng Thư ký Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham cho biết sau cuộc gặp với Cục Kiểm soát dược phẩm, Bộ Y tế quyết định phê duyệt sử dụng có điều kiện đối với 2 loại vaccine ngừa COVID-19 nêu trên. Việc phê duyệt có điều kiện yêu cầu thông tin về chất lượng, tính an toàn và hiệu quả của vaccine cần được theo dõi, đánh giá dựa trên dữ liệu mới nhất tại từng thời điểm.

Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đang thúc đẩy Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP). Hai loại vaccine chính đang được Malaysia sử dụng cho NIP là Pfizer và AstraZeneca. Ngoài ra, Malaysia còn sử dụng vaccine của Sinovac. Tuy nhiên, ngày 15/7, Bộ Y tế Malaysia thông báo sẽ ngừng sử dụng vaccine của Sinovac khi lượng hàng hiện tại hết.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-167-thai-lan-doi-mat-song-dich-lon-nhat-indonesia-tiem-mui-vaccine-thu-3-cho-nhan-vien-y-te-20210717051424019.htm