COVID-19 tại ASEAN hết 14/7: Toàn khối trên 5.500 ca tử vong, Philippines giảm ca nhiễm

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/7, các nước ASEAN có thêm 2.593 ca bệnh COVID-19 và 60 ca tử vong so với 1 ngày trước. Tổng số ca tử vong do COVID-19 trong khu vực đã vượt quá 5.500 người.

Công nhân nhà máy thuốc lá làm việc với các tấm nhựa ngăn cách để phòng lây nhiễm dịch bệnh tại Malang, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP

Công nhân nhà máy thuốc lá làm việc với các tấm nhựa ngăn cách để phòng lây nhiễm dịch bệnh tại Malang, Đông Java, Indonesia. Ảnh: AFP

Tính tới hết ngày 14/7, virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.531 người dân ở khu vực Đông Nam Á, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 195.761 ca. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 113.183 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, chỉ có hai quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Diễn biến dịch tại Indonesia vẫn căng thẳng khi số bệnh nhân mắc và tử vong vẫn ở mức cao.

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bandung, Indonesia, ngày 11/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Philippines: Cảnh sát sẽ rà soát từng nhà để phát hiện bệnh nhân COVID-19

Tờ Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết, nhà chức trách và cảnh sát nước này sẽ tiến hành rà soát từng nhà để tìm kiếm bệnh nhân COVID-19 nhằm ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm rộng hơn. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các ca lây nhiễm và tử vong tăng cao và một số khu vực đã phải quay trở lại tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt hơn.

Bộ trưởng Ano kêu gọi cộng đồng báo cáo những ca lây nhiễm mà họ phát hiện, đồng thời cảnh báo bất cứ ai nhiễm virus mà từ chối hợp tác sẽ đối mặt với án phạt tù.

Trong khi đó, ngày 14/7, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận thêm 634 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 6 người tử vong. Đây là ngày có số ca mắc COVID-19 thấp nhất trong gần hai ngày qua. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 57.545 người, trong đó có 1.603 trường hợp tử vong.

Cảnh sát Philippines sẽ được huy động tham gia tìm kiếm những người mắc COVID-19. Ảnh: AFP

Indonesia phát hiện ổ dịch lớn tại Đài Phát thanh quốc gia

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo đã ghi nhận thêm 1.591 ca mắc COVID-19 và 54 trường hợp tử vong. Như vậy, tính tới nay, Indonesia ghi nhận 78.572 người mắc COVID-19, trong đó có 3.710 người tử vong.

Đáng chú ý, một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java. Chi nhánh Liên minh Các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya cho biết đã có 57 nhà báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong. 54 trong tổng số 57 người mắc COVID-19 nói trên là nhân viên Đài Phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya. Ngoài ra, còn có 6 người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Ban quản lý RRI đã hợp tác với Cơ quan Y tế Surabaya để thực hiện xét nghiệm cho hàng trăm nhân viên RRI trong ngày 26/6. Tuy nhiên, sau một thời gian không nhận được kết quả, RRI đã quyết định đề nghị Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia (BNPB) tiến hành một đợt xét nghiệm PCR khác vào ngày 6/7.

Kết quả được BNPB thông báo vào ngày 7/7 cho thấy tất cả các nhân viên của RRI Surabaya đều âm tính. Tuy nhiên, vào ngày 11/7, Cơ quan Y tế Surabaya đã công bố kết quả xét nghiệm PCR, với 54 người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và chỉ 2 người trong số này được nhập viện điều trị. Do các kết quả xét nghiệm PCR trái ngược nhau, Ban quản lý RRI đã tổ chức đợt xét nghiệm thứ ba vào ngày 13/7 với các kết quả như trên.

Ông Faridl cho rằng nguyên nhân khiến nhiều nhà báo và nhân viên truyền thông ở Surabaya nhiễm COVID-19 là do nhiều người không tuân thủ các giao thức y tế và tham dự các sự kiện lớn hoặc các cuộc họp báo đông người, cũng như các công ty truyền thông, báo chí mà không có các biện pháp đảm bảo dịch tễ cho nhân viên.

Từ cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh Đông Java đã trở thành tâm dịch mới của Indonesia, với 16.877 ca lây nhiễm, trong đó gần 1/2 trong số này là ở tại thành phố Surabaya.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi cầu nguyện trong nhà thờ tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với tác động của dịch COVID-19, Chính phủ Indonesia đã "bơm" thêm 14.130 tỷ rupiah (995 triệu USD) cho 3 doanh nghiệp nhà nước, gồm Công ty Điện lực Perusahaan Listrik Negara (PLN), nhà điều hành đường cao tốc thu phí PT Hutama Karya và công ty tài chính PT Permodalan Nasional Madani (PNM). Chính phủ Indonesia cho biết việc "bơm" thêm vốn chủ sở hữu sẽ giúp ba công ty quốc doanh này cải thiện cấu trúc vốn và tăng năng lực kinh doanh.

Thái Lan tạm thời cấm các nhà ngoại giao nhập cảnh

Chính phủ Thái Lan ngày 14/7 đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh tạm thời đối với các nhà ngoại giao nước ngoài và các đại diện kinh doanh đặc biệt, trong bối cảnh 2 người nước ngoài mắc COVID-19 nhập cảnh vào nước này có nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin cho biết, lệnh cấm tạm thời này sẽ có hiệu lực trong khi CCSA nỗ lực bịt những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Các nhân viên ngoại giao và người thân khi đến Thái Lan có thể sẽ phải nghỉ lại những cơ sở cách ly thay thế được Chính phủ dàn xếp trong 14 ngày.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha xin lỗi về hai ca lây nhiễm đến nhà ngoại giao nước ngoài. Ảnh: AFP

Quyết định của CCSA được đưa ra để ứng phó với trường hợp con gái 9 tuổi của một tùy viên Sudan ở Bangkok được phát hiện mắc COVID-19. Mẹ của bé gái này đã đưa gia đình gồm 5 người đi kiểm tra y tế ở Sudan hôm 7/7 và họ được phép đi lại. Những người này rời Sudan cùng ngày và tới Thái Lan sáng 10/7 trên cùng chuyến bay chở 245 công dân Thái Lan hồi hương. Khi tới Thái Lan, gia đình này không có triệu chứng, nhưng được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Kết quả cho thấy bé gái 9 tuổi mắc COVID-19.

Bên cạnh đó, CCSA cũng đã hủy 8 chuyến bay của Không quân Ai Cập dự kiến tới Thái Lan trong tháng 7 này sau khi 1 binh sĩ Ai Cập trong phái đoàn gồm 31 người quá cảnh và nghỉ lại Thái Lan hồi tuần trước được xác nhận mắc COVID-19.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cùng ngày đã xin lỗi về hai ca lây nhiễm gây ra sự hoảng loạn về nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sau hơn 1 tháng kiểm soát ổn định.

Trong ngày 14/7, Thái Lan ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 từ nước ngoài, tất cả đều là công dân Thái Lan hồi hương, gồm 6 người từ Ai Cập và 1 người từ Mỹ. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận tổng cộng 3.227 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Trong 50 ngày qua, quốc gia Đông Nam Á này không ghi nhận các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.

Singapore: Số ca nhiễm mới lại tăng

Ngày 14/7, Singapore ghi nhận 347 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 46.630 người, trong đó có 26 ca tử vong và 42.541 người đã khỏi bệnh.

Trong số các ca nhiễm mới có 7 trường hợp lây nhiễm cộng đồng, 2 ca "nhập khẩu", còn lại là công nhân nhập cư.

Người lao động được kiểm tra triệu chứng COVID-19 tại khu vực Vịnh Marina, Singapore. Ảnh: Straits Times

Bộ Y tế Singapore cùng ngày cho biết họ đã xét nghiệm và "khoanh vùng sạch" với 2/3 công nhân nhập cư, tương đương trên 215.000 người. Bộ này dự kiến sẽ xét nghiệm và "khoanh vùng" khoảng 80% công nhân nhập cư sống trong nhà tập thể vào cuối tháng 7 này, cũng như hoàn thành xét nghiệm cho toàn bộ lao động nhập cư vào khoảng giữa tháng 8.

Bộ Y tế Singapore cũng dự báo trong vài ngày tới, số lượng ca lây nhiễm được xác định có thể sẽ tăng cao hơn.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-147-toan-khoi-tren-5500-ca-tu-vong-philippines-giam-ca-nhiem-20200714215519683.htm