COVID-19 tại ASEAN hết 12/4: Thái Lan lập đỉnh ca mắc mới; Lào siết chặt phòng dịch đợt Tết cổ truyền

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới hết ngày 12/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 18.824 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 62.510 người.

Cảnh sát tuần tra tại thủ đô Manila, Philippines sau khi Chính phủ ban bố các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 2/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảnh sát tuần tra tại thủ đô Manila, Philippines sau khi Chính phủ ban bố các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, ngày 2/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Campuchia và Malaysia.

Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước.

Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước. Tình hình dịch bệnh tại Philippines đang nóng nhất khu vực ASEAN, tổng số ca mắc mới mỗi ngày tại nước này nhiều hơn cả khu vực cộng lại.

Người dân Campuchia và người nước ngoài chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bệnh viện Nhi quốc gia Campuchia. Ảnh: Nguyễn Vũ Hùng - PV TTXVN tại Campuchia

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.

Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 12/4 ghi nhận thêm 958 ca bệnh mới.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 277 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong ngày 12/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 62.511 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 335 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.055.524 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.694.217 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 9 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Timor Leste không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh (Myanmar không công bố số liệu).

Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 12/4:

Tuyên truyền phòng dịch COVID-19 tại Lào.

Tối 12/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về Phòng chống COVID-19 đã ra thông báo tăng cường một số biện pháp phòng ngừa mới trong thời gian Tết cổ truyền Boun Pi May Lào (Bun Pi Mày) 2021. Quyết định được đưa ra sau khi Lào ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên kể từ giữa tháng 4/2020.

Thông báo yêu cầu Bộ Y tế Lào tiếp tục tiến hành truy vết, đồng thời tập trung triển khai thực hiện tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 theo đúng kế hoạch đề ra; yêu cầu Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào ban hành công văn ra lệnh tạm thời đóng cửa các tụ điểm giải trí, karaoke và cửa hàng ăn uống trong thời gian còn lại của tháng 4, đồng thời không cho phép người dân tụ tập đông người để tổ chức tiệc nếu không thể giữ giãn cách tối thiểu 1m nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Thông cáo cũng yêu cầu người dân nếu không có việc cấp thiết, hạn chế di chuyển sang các địa phương khác trong giai đoạn Tết Boun Pi May; yêu cầu các lực lượng vũ trang tăng cường giám sát biên giới, không để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép; kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã đề ra và thông báo các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp cho cơ quan chức năng địa phương.

Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp theo hướng dẫn của chính phủ, một số tỉnh thành của Lào như tỉnh Xayaboury đã tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Nam Heuang với Thái Lan. Trong khi, Ban Quản lý Đặc khu Kinh tế tỉnh Bokeo, Bắc Lào cũng ra thông báo tăng cường giám sát hoạt động đi lại Đặc khu này, bao gồm việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng.

Trong thông báo vào chiều tối ngày 12/4, Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng chống COVID-19 cho hay kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy tất cả các F1 tiếp xúc với ca bệnh số 50 đều cho kết quả âm tính, trong khi giới chức Lào vẫn tích cực truy vết các trường hợp có liên quan với bệnh nhân này nhằm tránh khả năng sót lọt các F1 ngoài xã hội do bệnh nhân này có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Tới thời điểm hiện tại, Lào đã phát hiện 52 trường hợp nhiễm virus SARS- CoV- 2 và không có ca nào tử vong.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 12/4, Thái Lan ghi nhận thêm 985 ca mắc COVID-19, đánh dấu ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ đầu dịch.

Trước đó một ngày, số ca mắc mới COVID-19 ở Thái Lan cũng tăng ở mức cao kỷ lục với 967 ca, trong đó thủ đô Bangkok có tới 236 ca. Theo Cục phó Cục Kiểm soát dịch bệnh Sophon Iamsirithaworn, hầu hết số ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch ở những quán rượu mà đã lây lan ra nhiều tỉnh trên toàn quốc. Ông Sophon đánh giá tình hình dịch bệnh ở Thái Lan hiện nay rất đáng lo ngại.

Hiện Thái Lan đang đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba với sự xuất hiện của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao. Kể từ khi ca bệnh đầu tiên được xác nhận ở Thái Lan, đến nay quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 33.610 ca mắc COVID-19, trong đó số ca tử vong duy trì ở 97 ca.

Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 4/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 12/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận 277 ca mắc mới COVID-19. Cũng như những ngày trước, phần lớn các ca mới được phát hiện ở thủ đô Phnom Penh (204 ca), số còn lại ở Svay Rieng (43 ca), Kandal (23 ca), Pursat (3 ca), Prey Veng (2 ca), Takeo (1 ca) và Sihanoukville (1 ca).

Số ca mới ngày 12/4 đã nâng số ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tại Campuchia lên 3.982 ca và tổng số ca mắc COVID-19 tính từ đầu mùa dịch đến nay lên 4.515 ca, trong đó 2.212 người đã bình phục và 30 người tử vong. Ca tử vong thứ 30 là một phụ nữ Campuchia, 61 tuổi, có địa chỉ thường trú tại phường Prek Phnov, quận Prek Phnov (Phnom Penh). Bệnh nhân qua đời vào lúc 18h30' ngày 11/4 tại Bệnh viện Luang Mey, do suy hô hấp và tiểu đường.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 lây nhiễm cộng đồng nghiêm trọng và mất dấu một số trường hợp có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, Quốc vụ khanh đồng thời là người phát ngôn Bộ Tư pháp Campuchia Kim Santepheap tuyên bố những người mắc COVID-19 trốn điều trị y tế hoặc có ý đồ thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với án phạt tù từ 1-5 năm. Cảnh báo này được đưa ra sau khi chính quyền thành phố Phnom Penh tối 11/4 cho biết vẫn chưa tìm thấy 13 bệnh nhân trong tổng số 56 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19. Chính quyền Phnom Penh yêu cầu những bệnh nhân này nhanh chóng tới cơ sở điều trị COVID-19 gần nhất hoặc liên hệ với nhà chức tách để được điều trị.

Trong thông điệp gửi cả nước đêm 11/4, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân đi tiêm chủng theo đúng sự tổ chức của Ủy ban quốc gia về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo mũi tiêm đạt hiệu quả, mọi người được tiêm theo đúng chương trình và phù hợp với điều kiện sức khỏe cá nhân.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-124-thai-lan-lap-dinh-ca-mac-moi-lao-siet-chat-phong-dich-dot-tet-co-truyen-20210412224404916.htm