COVID-19 tác động thế nào tới sức khỏe lâu dài của bệnh nhân?

Bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi bệnh sẽ chịu tác động lâu dài về sức khỏe.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Daegu, Hàn Quốc ngày 12/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Today (Mỹ), khi bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc cách đây vài tháng, các bác sĩ mới bắt đầu hiểu hơn về tác động lâu dài với sức khỏe mà virus SARS-CoV-2 gây ra.

Tiến sĩ Amesh Adalja, học giả cấp cao tại trung tâm An sinh Sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Mỹ cho biết với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, họ sẽ không bị ảnh hưởng lâu dài. COVID-19 với số bệnh nhân này chỉ như cảm lạnh hoặc cúm rồi họ lại tiếp tục cuộc sống sau khi hồi phục một hay hai tuần.

Còn với một số bệnh nhân chẳng may mắc bệnh nặng, họ có thể phải đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp hơn, không chỉ liên quan tới phổi. COVID-19 không chỉ là rối loạn hô hấp.

Tác động với phổi

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tiến sĩ Adalja, với bệnh nhân COVID-19 mắc triệu chứng suy hô hấp cấp nặng (tổn thương phổi đe dọa tính mạng do viêm nhiễm) và phải nhập viện, nằm trong phòng chăm sóc tích cực, họ có thể chịu hậu quả lâu dài.

Ông Adalja nói: “Có người sẽ hình thành vết sẹo trong phổi sau những gì đã xảy ra và có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn. Không chỉ riêng bệnh COVID-19, điều này xảy ra với mọi loại viêm phổi dẫn tới suy hô hấp cấp nặng”. Những bệnh nhân này có thể thấy chức năng phổi giảm, ví dụ như không thể tập thể dục lâu vì thấy hụt hơi.

Các bác sĩ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết chức năng phổi ở một số bệnh nhân giảm 20-30% sau khi phục hồi và họ sẽ khó thở nếu đi bộ nhanh hơn một chút.

Trong trường hợp đó, phục hồi tim phổi có thể hỗ trợ họ khôi phục sức khỏe mặc dù không thể trở lại hoàn toàn như trước khi nhiễm bệnh.

Tác động với tim

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Rome, Italy ngày 8/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 20% bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc bị tổn thương tim khi nhập viện.

Đại học Tim mạch Mỹ cho biết một nghiên cứu cho thấy 16% bệnh nhân mắc chứng loạn nhịp tim, một số bệnh nhân bị suy tim cấp, đau tim và tim ngừng đập sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Người nào mắc COVID-19 nặng cũng có thể bị viêm cơ tim và đôi khi không phục hồi hoàn toàn theo thời gian. Có thể tình trạng này sẽ duy trì lâu dài.

Khi bệnh nhân ốm nặng, phải hỗ trợ hồi sinh hoặc khi phản ứng với chứng viêm nặng, tim sẽ chịu áp lực lớn và có thể xuất hiện tổn thương.

Ngoài ra, mắc bệnh phổi lâu dài cũng ảnh hưởng tới tim, đặc biệt là bên phải. Tiến sĩ Andrew Freeman, chuyên gia tim tại Denver, Colorado giải thích: “Phổi và tim liên quan chặt chẽ. Đôi khi phổi nhiễm bệnh, động mạch phổi có thể cũng bị viêm, nhiễm bệnh”.

Ngoài ra, mắc bệnh do virus có thể khiến các mảng trong động mạch bất ổn định, có thể gây tắc nghẽn, khiến bệnh nhân bị đau tim.

Tác động với thận

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 14/4/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Hội Chức năng thận Quốc tế, không có bằng chứng cho thấy COVID-19 gây tổn thương thận người có triệu chứng nhẹ hoặc vừa, nhưng 25-50% bệnh nhân nặng có bất thường ở thận.

Các bệnh nhân này có nhiều protein và tế bào hồng cầu trong nước tiểu. Khoảng 15% trong số đó bị suy giảm chức năng lọc ở thận.

Tiến sĩ Adalja nói SARS-CoV-2 có thể gây ra một loạt thay đổi miễn dịch, dẫn tới nhiễm trùng – tình trạng nhiều hệ thống cơ quan bị tổn thương. Một số bệnh nhân bị nhiễm trùng có thể bị tổn thương thận cấp.

Tác động tới não và sức khỏe tâm thần

Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Aachen, Đức ngày 15/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bệnh nhân càng nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt lâu thì họ càng chịu ảnh hưởng về nhận thức và cảm xúc lâu dài. Các bác sĩ gọi đó là hội chứng hậu chăm sóc đặc biệt và coi đây là một loại căng thẳng hậu chấn thương.

Tiến sĩ Amy Bellinghausen thuộc Đại học California ở San Diego nói: “Thông thường khi bệnh nhân rời phòng chăm sóc tích cực, họ không thể suy nghĩ mạch lạc như trước”.

Bà Bellinghause ước tính tính 2/3 số bệnh nhân dùng máy thở có thể bị ảnh hưởng. Nguyên nhân có thể là do không nhận đủ ô xy hoặc máu lên não hoặc do các thuốc mà bệnh nhân phải sử dụng khi dùng máy thở.

Tác động với hệ thần kinh

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức ngày 16/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bệnh nhân COVID-19 có thể gặp triệu chứng thần kinh. Tiến sĩ Kenneth Tyler thuộc khoa y trường Đại học Colorado ở Aurora cho rằng các loại virus Corona ảnh hưởng tới con người có thể xâm nhập hệ thần kinh trung ương, nên bệnh nhân COVID-19 có thể có vấn đề thần kinh.

Trong thực tế, nghiên cứu cho thấy 36% trong 214 bệnh nhân COVID-19 ở Trung Quốc tham gia nghiên cứu có triệu chứng thần kinh như say, đau đầu, mất vị giác và khứu giác. Hiện chưa rõ các triệu chứng này kéo dài bao lâu.

Tóm lại, các bác sĩ vẫn đang tìm cách tìm hiểu về những tác động sức khỏe của riêng bệnh COVID-19. Ông Adalja nói: “Có thể có một số khác biệt trong cách hệ thống miễn dịch phản ứng với virus này. Chúng ta sẽ chỉ biết nếu nghiên cứu lâu dài người khỏi bệnh”.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tac-dong-the-nao-toi-suc-khoe-lau-dai-cua-benh-nhan-20200417171354747.htm