COVID-19: Siêu thị lớn giảm mạnh doanh thu, 'chợ' online tấp nập mua bán

Lượng người đến siêu thị giảm mạnh, nhiều người chọn cách mua đồ qua mạng Internet để hạn chế ra ngoài, chính vì thế 'chợ' online tấp nập giữa đại dịch COVID-19.

Hàng loạt "ông lớn" siêu thị vắng khách, giảm doanh thu

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, COVID-19 tác động lớn đến tình hình kinh doanh của hệ thống siêu thị lớn. Hoạt động kinh doanh trong 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019, dự kiến sẽ còn tiếp tục giảm.

Lotte cho biết, doanh thu tháng 2 giảm khoảng 50% so với tháng 1 và giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với Aeon Việt Nam, doanh thu tháng 1/2020 giảm 2%, tháng 2: giảm 6% so với kế hoạch đề ra. Saigon Co.op giảm mạnh doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước và có thể bị sụt giảm 1.000 tỷ đồng nếu dịch được kiểm soát trong quý II và giảm 2.000 tỷ đồng nếu dịch tiếp tục kéo dài.

Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV cũng thông báo doanh thu bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.

Lý giải về nguyên nhân sụt giảm, Bộ Công Thương cho hay, do tâm lý lo ngại lây bệnh, cũng như tuân thủ các khuyến cáo từ cơ quan chức năng nên người dân chủ động giảm các hoạt động đi lại, ăn uống, hạn chế đến những nơi tập trung đông người, do vậy sức mua tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống giảm. Ảnh hưởng này sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong 3 tháng tới.

Ngoài ra, nguồn cung hàng thiếu ổn định, đôi khi thiếu cục bộ; nguồn cung nông sản diễn biến phức tạp. Mặc dù sức mua giảm nhưng các chi phí để duy trì hoạt động khó giảm, nhất là chi phí bán hàng, vận chuyển, dự trữ/lưu kho, môi trường...; lượng hàng tồn kho đối với các mặt hàng thiết yếu tăng do doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa nhằm đủ sức ứng phó với các tình huống xấu hơn, đảm bảo bình ổn thị trường và phục vụ người dân.

Tuy các doanh nghiệp đã tổ chức thêm nhiều khâu bán hàng đa kênh nhưng việc bán hàng đa kênh, giao hàng miễn phí cho khách hàng tại nhà mà vẫn phải bình ổn giá đã làm tăng chi phí bán hàng, giao hàng.

Khách hàng chỉ tập trung mua thực phẩm khi đến siêu thị. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Khách hàng chỉ tập trung mua thực phẩm khi đến siêu thị. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch khiến giá thành tăng cao nên các nhà phân phối phải chia sẻ lợi nhuận với nhà sản xuất để cam kết không tăng giá hàng thiết yếu nhằm góp phần bình ổn thị trường.

Các siêu thị cũng được chỉ định phục vụ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho vùng dịch, khu vực cách ly..., đồng thời tăng thêm thời gian bán hàng phục vụ người dân, do đó phải tăng chi phí về nhân công, vận chuyển, chi phí bảo hộ lao động và bồi dưỡng thêm cho người lao động làm việc tại khu vực nguy hiểm, làm việc thêm giờ.

Tất cả những tác động này khiến doanh thu của hệ thống siêu thị bị ảnh hưởng mạnh. Trong đó, rõ rệt nhất là lượng khách đến siêu thị giảm nhanh chóng, kể từ những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội. Theo ghi nhận của VTC News, tại các siêu thị những ngày gần đây, ngoài khu vực bán đồ thực phẩm hút khách, các gian hàng khác đều thưa thớt người qua lại. Tuy vậy, sự đông đúc này vẫn kém xa so với thời điểm trước dịch.

Nhân viên một siêu thị chia sẻ, nếu thời gian trước, những giờ "vàng" như trưa, cuối chiều hay cuối tuần, các quầy thanh toán đều có cảnh xếp hàng thì hiện giờ rất ít khi như thế. "Siêu thị phải giảm bớt lượng quầy thanh toán vì vắng khách, vì thế có lúc có sự dồn ứ khách, nhưng thực chất là lượng khách vẫn giảm mạnh so với trước", nhân viên này nói.

Ngoài các khu vực thực phẩm, các gian hàng khác hầu hết vắng vẻ. (Ảnh: Ngọc Khánh)

Bán online được dịp "lên ngôi"

Trong khi siêu thị thất thu thì COVID-19 lại khiến nhiều người chuyên bán thực phẩm online tất bật.

Cố gắng xoay sở với số lượng 30kg chè bưởi khách đặt, chị Trần Thị Hạnh, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu nghiêm trọng và thực hiện việc giãn cách xã hội, số đơn hàng tôi nhận tăng dần theo ngày. Trước đây, một ngày bán được chục kg chè bưởi là vui lắm rồi nhưng giờ không dám nhận thêm khách vì nhiều người đặt sợ làm không kịp và chất lượng không đạt yêu cầu sẽ mất khách".

Cũng theo chị Hạnh, mỗi kg chè bưởi được chị bán với giá 120.000 đồng, trong đó tiền lãi khoảng 35.000 - 45.000 đồng tùy thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào.

Tuy nhiên chị Hanh chia sẻ có thể trong mấy ngày tới nguyên liệu ngày càng khó kiếm khi các đầu mối đổ buôn nguyên liệu cũng phải đóng cửa.

Các mặt hàng thực phẩm rao bán online trở nên hút khách hơn.

Chuyên buôn hàng nhập khẩu, nhưng do dịch bệnh, chị Thùy Linh ở Thanh Xuân không có hàng để bán, chị cũng chuyển sang bán đồ ăn online và thực phẩm sạch cho những người dân cùng chung cư, mỗi ngày chị cũng có doanh thu từ 1-2 triệu đồng. Mỗi ngày chị Linh nhận hơn 30 suất mỳ đen và 20 suất Tokbokki để giao cho khách. "Để hạn chế việc phải ra ngoài nhiều lần, tôi thường hẹn khách sẽ giao hàng trong khoảng 30 phút cho tất cả các đơn hàng. Do mọi người đều ở chung một khu chung cư nên việc giao hàng nhanh hơn".

Ngoài các mặt hàng ăn vặt, mặt hàng rau xanh cũng được nhiều người săn đón. Tận dụng có người nhà tại Tam Đảo, chị Linh tranh thủ nhận đặt thêm các loại rau xanh như ngọn su su, quả su su, ngô và lạc tươi. Theo chị Linh, mỗi ngày chị bán không dưới 20 kg ngọn su su và hàng chục kg lạc tươi chỉ cho riêng dân chung cư nhà chị.

Theo phân tích của công ty CBRE, do tác động của dịch COVID-19, các hoạt động mua sắm truyền thống sẽ bị hạn chế và "thất sủng", trong khi đó lại làm gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến và đẩy nhanh hình thức bán lẻ đa kênh. Chuyên gia của CBRE cho rằng thương mại điện tử, bán hàng online có doanh thu tốt trong tháng 2 và tháng 3 với mức tăng trưởng lên đến 100%.

Video: Nhà hàng "đìu hiu", chuyển bán online

Ngọc Khánh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/covid-19-sieu-thi-lon-giam-manh-doanh-thu-cho-online-tap-nap-mua-ban-ar539096.html