Covid-19 sáng 2/3: Hà Nam vượt mốc 1.000 ca mắc mới, Nghệ An hơn 80.000 F0, trẻ dưới 12 tuổi là F0 có được dùng thuốc Remdesivir không?

Nam Định hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mới, 5 tỉnh, thành chuyển cấp độ dịch từ 'vùng xanh, vùng vàng' sang thành 'vùng cam', số ca F0 ở Thanh Hóa giảm mạnh.

Trong 24 giờ (từ 16h ngày 28/2 đến 16h ngày 1/3), Việt Nam ghi nhận 98.762 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 98.743 ca ghi nhận trong nước (tăng 4.367 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 66.861 ca trong cộng đồng).

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Nguồn: VGP)

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Nguồn: VGP)

Các tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh gồm: Hà Nội (13.323), Quảng Ninh (4.011), Bắc Ninh (3.933), Nghệ An (3.864), Lào Cai (3.398), Hưng Yên (3.393), Sơn La (3.087), Nam Định (3.072), Phú Thọ (2.966), Vĩnh Phúc (2.913), Thái Nguyên (2.788), Hòa Bình (2.574), Lạng Sơn (2.534), Hà Giang (2.444), Hải Dương (2.355), Hải Phòng (2.309), Bắc Giang (2.209), Ninh Bình (2.174), Yên Bái (2.118), Đắk Lắk (2.116), Tuyên Quang (2.063), TP. Hồ Chí Minh (2.022), Thái Bình (1.960), Khánh Hòa (1.880), Cao Bằng (1.718), Quảng Bình (1.659), Gia Lai (1.392), Đà Nẵng (1.387), Cà Mau (1.303), Bình Phước (1.291), Điện Biên (1.228), Hà Nam (1.095), Lâm Đồng (1.092), Lai Châu (1.045).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 36.014 ca nhiễm).

Hà Nội: Thêm 13.323 F0, trong đó 5.214 ca cộng đồng

Tối 1/3, Sở Y tế Hà Nội thông tin, trên địa bàn đã phát hiện thêm 13.323 ca dương tính SARS-CoV-2.

Từ 18h ngày 28/2 đến 18h ngày 1/3, Hà Nội ghi nhận 13.323 ca bệnh (5.214 ca cộng đồng; 8.109 ca đã cách ly).

Trẻ dưới 12 tuổi mắc Covid-19 có được sử dụng thuốc Remdesivir không?

Theo Quyết định số 437/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 thì trẻ em mắc Covid-19 thể nhẹ, có ít nhất một yếu tố nguy cơ được điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir.

Đáng chú ý, Bộ Y tế đã bổ sung việc điều trị bằng thuốc kháng virus Remdesivir với trẻ em dưới 12 tuổi (theo Hướng dẫn cũ chống chỉ định dùng Remdesivir với trẻ em dưới 12 tuổi).

Bộ Y tế cũng lưu ý, sử dụng thuốc kháng virus Remdesivir với trẻ em dưới 12 tuổi thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 ở trẻ em. Cụ thể, thuốc kháng virus Remdesivir được chỉ định dùng cho:

- Người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.

- Nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason).

- Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.

Đồng thời, chống chỉ định với những người:

- Tiền sử quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong công thức thuốc.

- Người bệnh có men gan ALT tăng trên 5 lần giới hạn trên của khoảng giá trị bình thường.

Hà Nam: Vượt mốc 1000 ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, ngày 1/3, Hà Nam ghi nhận 1.095 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Cụ thể, tại các khu cách ly ghi nhận 2 trường hợp là F1 liên quan đến ổ dịch tại thành phố Phủ Lý. Qua sàng lọc y tế phát hiện 1.093 trường hợp, gồm một người từ tỉnh Nam Định về; 29 người làm việc tại công ty, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài khu công nghiệp; còn lại là các trường hợp ghi nhận tại các địa phương do bệnh nhân có biểu hiện sốt, giảm khứu giác, sổ mũi, làm cùng doanh nghiệp, đơn vị có F0, học cùng trường có F0 đến, đi từ vùng nguy cơ cao.

Trong ngày 1/3, Hà Nam ghi nhận thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong, nâng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1 đến nay lên 24 trường hợp.

5 tỉnh, thành chuyển cấp độ dịch từ 'vùng xanh, vùng vàng' sang thành 'vùng cam'

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch Covid-19 của các tỉnh, thành phố trên Cổng thông tin Bộ Y tế mới nhất cho thấy, cả nước hiện có 5 tỉnh, thành tăng cấp độ dịch, chuyển từ cấp độ 1 'vùng xanh' và 2 'vùng vàng' lên cấp độ 3 'vùng cam', gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ và Yên Bái.

Việt Nam hiện có 39 tỉnh, thành phố thuộc 'vùng xanh' - cấp độ 1 về dịch Covid-19, giảm 6 địa phương so với tuần trước đó; 19 tỉnh, phố thuộc 'vùng vàng' - cấp độ 2 về dịch Covid-19

Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch theo phạm vi xã, phường, thị trấn, hiện cả nước có 5.410 (51%) xã thuộc cấp độ 1; 2.939 xã thuộc cấp 2; 1.871 xã thuộc cấp độ 3 và 365 xã thuộc cấp độ 4.

Nam Định: Hơn 3000 ca dương tính với SARS-CoV-2

Theo thông tin từ Sở Y tế, trong ngày 1/3, tỉnh Nam Định phát hiện thêm 3.072 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2.112 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Cụ thể huyện Hải Hậu 413 ca; thành phố Nam Định 513 ca; huyện Vụ Bản 290 ca; huyện Ý Yên 252 ca; huyện Nam Trực 316 ca; huyện Xuân Trường 246 ca; huyện Nghĩa Hưng 235 ca; huyện Trực Ninh 413 ca; huyện Giao Thủy 229 ca; huyện Mỹ Lộc 146 ca.

Thanh Hóa: F0 giảm mạnh

Ngày 1/3, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 493 ca mắc Covid-19, giảm mạnh so với ngày 28/2 (788 ca), trong đó có 168 ca cộng đồng.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã ghi nhận 43.297 bệnh nhân Covid-19; 37.632 người được điều trị khỏi và ra viện; 63 bệnh nhân tử vong.

Nghệ An: F0 vẫn neo cao, vượt mốc 80.000 ca

Trong 24 giờ, tỉnh Nghệ An ghi nhận 4.329 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.046 trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng. Ngày 1/3, địa phương này có 3.205 bệnh nhân được xuất viện, thêm 2 trường hợp tử vong.

Đến nay, tỉnh Nghệ An ghi nhận 80.120 ca mắc Covid-19, 51.985 trường hợp đã điều trị khỏi, 107 ca tử vong, hiện còn 28.030 bệnh nhân đang điều trị.

F0 có gội đầu được không?

Trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 gia tăng chóng mặt, người F0 ngập chìm trong các thông tin về cách chăm sóc và điều trị. Người thì nói F0 không nên tắm hay gội đầu bởi như vậy cơ thể sẽ yếu hơn, dễ bị virus "quật" cho bệnh nặng, hoặc tắm gội thì dễ dẫn đến cảm lạnh, đột quỵ…

Theo TS. Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, Covid-19 theo quan điểm của y học cổ truyền là goi là chứng "ôn dịch" của học thuyết "Ôn bệnh học" và có tên "Cảm mạo ôn bệnh".

Covid-19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan. Theo nguyên lý y học cổ truyền thì vị trí gây bệnh của Covid-19 là ở tạng "Phế, Tỳ" (hô hấp, tiêu hóa), thuộc tính của nguyên nhân gây bệnh là "thấp độc" (các yếu tố dịch bệnh trong môi trường ẩm thấp).

Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm,... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Về băn khoăn bị Covid-19 có được gội đầu hay không, TS. Hoàng chia sẻ, người bệnh hãy lắng nghe cơ thể mình. Khi có bệnh mà cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường thì có thể tắm, gội đầu.

Mặc dù vậy, người bệnh cần phải tuân thủ các nguyên tắc như gội đầu bằng nước ấm, gội nhanh, gội trong phòng kín gió, có thể dùng các loại lá thảo dược như hương nhu, sả, bồ kết...để gội.

Lưu ý, không gội đầu vào thời gian quá muộn. Không nên gội và tắm cùng lúc. Việc gội đầu trước khi tắm khiến cơ thể chưa kịp thích ứng với nhiệt độ nước, nhất là khi trời lạnh. Khi đó mạch máu dễ đông lại, co thành mạch khiến cơ thể mệt mỏi.

Không nên gội đầu bằng nước nóng quá. Nhiều người cẩn thận nghĩ rằng nếu gội nước lạnh thì dễ cảm lạnh nên gội nước thật nóng. Thực sự thì khi gội nước nóng thấy ấm áp nhưng nước quá nóng sẽ gây hại da đầu, khiến da đầu dễ bong tróc tạo thành vảy gầu. Ngoài ra, gội nước nóng khiến tóc khô, xơ và dễ gãy.

Ngược lại, vì sợ gội nóng gây hỏng da đầu, hỏng tóc, nhiều người chọn gội nước lạnh. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, khi gội nước lạnh sẽ làm thành mạch máu co lại đột ngột dễ cảm lạnh.

Do đó, trong những ngày này ở miền Bắc trời lạnh, nước gội đầu thích hợp nhất là khoảng 40 độ. Nên gội đầu ở phòng kín gió, có bật đèn sưởi.

"Người bệnh cần linh hoạt và tự lắng nghe, kiểm tra cơ thể mình, từ đó có hành động vệ sinh cá nhân phù hợp với thể trạng", TS Hoàng nói.

Còn BS. Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng chia sẻ, không có khuyến cáo về việc người mắc Covid-19 trong quá trình điều trị phải kiêng nước, kiêng không tắm, không gội đầu.

Theo vị bác sĩ này, khi bị bệnh, cơ thể đã yếu ớt, các triệu chứng gây khó chịu nên nếu không tắm hay gội đầu thì cơ thể còn bức bối, khó chịu hơn.

Hơn nữa, trong quá trình điều trị, luôn cần chú ý đến vệ sinh cá nhân, cần tắm, gội nếu cảm nhận cơ thể ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý là nên tắm, gội bằng nước ấm.

Đặc biệt ở miền Bắc, hiện thời tiết giá lạnh, sau khi tắm, gội cần phải mặc quần áo đủ ấm trước khi bước ra ngoài buồng tắm.

(tổng hợp)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-sang-23-ha-nam-vuot-moc-1000-ca-mac-moi-nghe-an-hon-80000-f0-tre-duoi-12-tuoi-la-f0-co-duoc-dung-thuoc-remdesivir-khong-175601.html