COVID-19: Nhiều người Mỹ không 'vội vàng' bỏ khẩu trang

Bất kỳ lúc nào đi ra khỏi nhà để mua đồ, Joe Glickman - một nhiếp ảnh gia và nhạc sĩ chuyên nghiệp đến từ Albany, New York (Mỹ) - đều đeo chiếc mặt nạ N95 lên mặt và trùm một chiếc mặt nạ vải lên trên. Sau đó, Glickman đeo thêm một cặp kính bảo hộ nữa.

Ông Joe Glickman luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài

Ông Joe Glickman luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài

Glickman đã sử dụng phương thức bảo vệ an toàn này trong suốt 14 tháng qua, kể từ sau bị nhiễm coronavirus vào tháng 11 năm ngoái. Dù đã khỏi bệnh và được tiêm chủng đầy đủ xong Glickman vẫn tiếp tục đeo khẩu trang, cho dù Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tuần này đã khẳng định những người được tiêm chủng đầy đủ tại Mỹ không phải đeo khẩu trang. Glickman cho biết, mình sẽ đeo khẩu trang như vậy trong một thời gian dài, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Sự mệt mỏi do đại dịch gây ra khiến nhiều người Mỹ phớt lờ những cảnh báo về sức khỏe, vứt bỏ khẩu trang song lại có không ít người như Glickman cho biết họ sẽ đeo khẩu trang ở những nơi công cộng một cách vô thời hạn. Bởi họ rất lo ngại về các biến thể virus mới, nguồn cung vắc xin có hạn.

“Tôi không có vấn đề gì khi trở thành một trong những người duy nhất đeo khẩu trang. Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ là người duy nhất” – Glickman khẳng định.

"Đồ nghề" khẩu trang của Glickman

Sau một năm thường xuyên sử dụng khẩu trang, những người giống như Glickman cho biết họ đã quen với chúng và vui mừng vì sự an toàn mà chúng đem lại.

Một ngày sau thông báo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ về việc cho phép những người đã tiêm đủ các liều vắc xin COVID-19 quay lại cuộc sống bình thường, không cần đeo khẩu trang, ông George Jones, 82 tuổi, một người vận chuyển thư đã nghỉ hưu, đứng dưới ánh nắng mặt trời bên ngoài viện dưỡng lão General Grant Houses – nơi ông đang sống - ở Harlem, New York và nói rằng chiếc mặt nạ phẫu thuật màu xanh của ông - mặc dù không thoải mái và bất tiện – sẽ tiếp tục đồng hành cùng ông ít nhất trong một năm nữa.

“Tôi không vội, tại sao tôi phải vội vàng? ” – ông Jones - người đã được tiêm chủng đầy đủ cách đây khoảng một tháng rưỡi – cho biết. Theo ông Jones, việc bỏ khẩu trang trong khi thành phố New York mới đạt đến mức độ tiêm chủng hoàn toàn là 40% số dân là quá rủi ro.

Dữ liệu y tế công cộng Mỹ cho thấy việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội còn có thể có những tác động tích cực sâu rộng với các các bệnh truyền nhiễm khác, bên cạnh việc làm chậm sự lây lan của COVID-19.

Bà Leni Cohen, 51 tuổi, một giáo viên mẫu giáo đã nghỉ hưu ở New York, người có hệ miễn dịch không tốt, cho biết sẽ tiếp tục đeo khẩu trang mỗi khi có giờ lên lớp dạy. Nhưng điều mà bà Cohen muốn hơn cả là cho các học sinh của mình cũng luôn đeo khẩu trang.

Trong nhiều năm qua, bà Cohen từng bị nhiễm cảm lạnh, viêm phổi, cúm… từ các học sinh của mình. "Năm nay thật khác biệt! Những đứa trẻ không mút tóc hoặc đưa các đồ vật trong lớp hoặc ngón tay cái vào miệng. Miệng và mũi của chúng được che đi, vì vậy tôi hầu như được bảo vệ. Tôi thấy đeo khẩu trang thực sự có ích. Đó là điều an toàn nhất mà tôi từng cảm thấy trong một lớp học chỉ toàn trẻ em 5 - 6 tuổi” – bà Cohen cho hay.

Ông Barry J. Neely, 41 tuổi, một nhà soạn nhạc đến từ Los Angeles, bị mắc COVID-19 vào tháng 3/2020 và chống chọi với các triệu chứng bệnh trong nhiều tháng. Ông cũng phải đấu tranh với cảm giác tội lỗi về việc liệu mình có vô tình lây nhiễm cho những người mà minh từng tiếp xúc hay không, trước khi được chẩn đoán nhiễm bệnh – khi đó ông Neely chưa đeo khẩu trang. Giờ đây, ông Neely khẳng định sẽ vĩnh viễn đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài. “Không khó để đeo khẩu trang.” – ông Neely cho hay.

Ông Neely lấy ví dụ ở một số nước Đông Á - nơi đeo khẩu trang khi bạn cảm thấy ốm không chỉ được xã hội chấp nhận mà còn được coi là cử chỉ chu đáo.

Một số người quyết định đeo khẩu trang suốt đời cho hay, họ đã từng bị nhiễm COVID-19, chịu đựng khổ sở khi bị virus hành hạ hoặc chứng kiến những người thân yêu chết vì virus này, do đó, việc cởi bỏ khẩu trang khiến họ cảm thấy dễ bị tổn thương.

Sau khi nhiễm COVID-19, Glickman bị bệnh viêm phổi, và thường gặp các vấn đề về đường tiêu hóa và các triệu chứng thần kinh, bao gồm cả choáng váng và các vấn đề về thị lực. Thị lực cũng bị suy yếu và rối loạn, thậm chí có lần Glickman còn nhìn thấy tất cả mọi thứ đều chuyển sang màu vàng.

Chấn thương sau khi mắc COVID-19 dường như phổ biến. Một cuộc khảo sát gần 400 bệnh nhân COVID -19 tại bệnh viện Agostino Gemelli, Italy cho thấy 30% bệnh nhân bị mắc chứng rối loạn căng thẳng sau khi khỏi COVID-19.

Cô Keela Samis, 57 tuổi, một luật sư đến từ St.Petersburg, Florida (Mỹ) cho hay: “Là một người phụ nữ, khi ra ngoài nơi công cộng, tôi phải trang điểm. Nhưng giờ đây, khi đeo khẩu trang, tôi không cần phải làm những điều đó. Khẩu trang giúp đơn giản hóa cuộc sống của tôi ”. Cô Samis - đã tiêm chủng đầy đủ - cho biết sẽ đeo khẩu trang trong một thời gian dài.

Hà Anh

(Theo New York Times)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/covid-19-nhieu-nguoi-my-khong-voi-vang-bo-khau-trang-n192776.html