Covid-19: Mỹ, Châu Âu nhiều kỷ lục về số ca nhiễm; WHO cảnh báo 'nguy cấp' ở Bắc Bán cầu; Ngoại trưởng 3 nước Baltic tự cách ly

Theo trang thống kê worldometers, tính đến 22h00 ngày 24/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 42,6 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1,15 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 31,4 triệu người.

Những người tình nguyện tham gia dự án cắm 20.000 lá cờ Mỹ để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 hôm 20/9, khi số người tử vong vì Covid-19 ở nước này vượt con số 20.000 người. (Nguồn: Getty Images)

Những người tình nguyện tham gia dự án cắm 20.000 lá cờ Mỹ để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 hôm 20/9, khi số người tử vong vì Covid-19 ở nước này vượt con số 20.000 người. (Nguồn: Getty Images)

Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới với 8,7 triệu ca nhiễm và hơn 229.000 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với 7,8 triệu ca nhiễm và hơn 118.000 ca tử vong, Brazil với 5,3 triệu ca nhiễm và hơn 156.000 ca tử vong.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày ở nước này đã quay trở về mức xấp xỉ 80.000 ca ghi nhận hồi tháng 7 vừa qua. Trong ngày 23/10, Mỹ phát hiện thêm 79.963 ca mắc mới Covid-19.

Tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng nhất ở khu vực Bắc và Trung Tây. Hiện 35/50 bang của Mỹ chứng kiến số ca mắc Covid-19 gia tăng từng ngày. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ tăng ổn định ở mức 700-800 ca kể từ đầu mùa Thu. Hiện có đến 14 bang của Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

* Tại châu Âu, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất.

CH Czech ghi nhận thêm 15.252 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở CH Czech kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, CH Czech có tổng cộng 238.323 bệnh nhân Covid-19 trong tổng số 10,7 triệu dân, trong đó có 1.971 ca tử vong (sau khi có thêm 126 ca tử vong mới).

Trong khi đó, Slovakia có thêm 2.890 ca nhiễm (mức cao nhất từ trước đến nay) và 25 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên 40.801 ca và 159 ca tử vong.

Nga thông báo 16.521 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua sau khi ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trên 17.300 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc Covid-19-19 ở nước này lên 1.497.167 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này đến nay là 25.821 ca.

Trước đó, ngày 23/10, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại Anh và 23 nước thành viên của liên minh này vẫn rất "đáng quan ngại". Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức đáng báo động. Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.

Còn tại Đức, giới chức nước này đã hối thúc người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội cũng như các hoạt động đi lại không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Giới chức cũng khuyến cáo người dân không đi nghỉ Đông tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Áo, Italy và Thụy Sĩ.

Mặc dù nước Đức không bị đại dịch Covid-19 hoành hành nghiêm trọng như nhiều nước châu Âu khác, nhưng hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đã vượt quá con số 10.000 người. Trong khi đó, ngày 22/10 vừa qua cũng ghi nhận số ca tử vong vượt quá 10.000 ca và số bệnh nhân Covid-19 tại Đức hiện là 417.000 ca.

Tại Bulgaria, từ ngày 25/10, thủ đô Sofia của nước này sẽ chính thức đóng cửa các hộp đêm và vũ trường trong hai tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Thị trưởng Sofia, bà Yordanka Fankakova cũng kêu gọi các trường đại học tại thủ đô có khoảng 2 triệu dân này chuyển sang hình thức học trực tuyến, các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà. Bà nhấn mạnh tình hình lây nhiễm bệnh Covid-19 tại Sofia là rất đáng báo động, số người nhiễm mới tăng lên mỗi ngày, tỷ lệ thuận với số bệnh nhân nhập viện điều trị. Điều này khiến hệ thống y tế của thủ đô bị quá tải.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics và Ngoại trưởng Litva Linas Linkevicius đã phải tự cách ly sau các cuộc làm việc với người đồng cấp Slovenia Anze Logar, người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sau chuyến thăm các nước Baltic trong tuần này.

Ngày 23/10, Ngoại trưởng Slovenia Logar đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi trở về từ chuyến công du 3 ngày tới các nước Baltic nói trên.

* Trong khi đó, tại châu Á, số ca mắc Covid-19 "nhập cảnh" tại Trung Quốc đang tăng cao. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 28 ca mắc Covid-19, đều là ca trở về từ nước ngoài.

Ngoài ra, nước này phát hiện thêm 27 ca mắc Covid-19 không triệu chứng, cũng đều là ca "nhập cảnh".Tính đến ngày 23/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.775 ca mắc Covid-19, trong đó có 80.876 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong.

Ngày 24/10, Malaysia ghi nhận thêm 1.228 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức bốn con số. Có 7 ca tử vong mới được báo cáo, trong đó có đến 6 ca là ở bang Sabah, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Malaysia lên 221 ca.

Malaysia đang trong làn sóng Covid-19 thứ ba, bắt nguồn từ bang Sabah sau khi bang này tổ chức bầu cử Hội đồng bang hồi cuối tháng 9 vừa qua. Dịch bệnh từ địa phương này đã lây lan ra hầu hết các bang khác và là nguyên nhân khiến Chính phủ Malaysia quyết định áp đặt lệnh hạn chế di chuyển tại một số địa phương, gồm Sabah, Selangor, Kuala Lumpur và Putrajaya.

Còn tại Australia, bang tâm dịch Victoria đang chứng kiến số ca mắc Covid-19 tại trường học gia tăng, trong bối cảnh bang này chuẩn bị nới lỏng các hạn chế phòng dịch.

Theo đó, trong ngày 24/10, Victoria ghi nhận thêm 7 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca liên quan tới các ổ dịch bùng phát tại 2 trường học ở thành phố Melbourne. Hơn 800 người liên quan đã được yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà.

Thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews, cho biết các biện pháp nới lỏng dự kiến công bố vào ngày 25/10 sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm Covid-19 của hàng nghìn người tiến hành trong vài ngày qua. Tính đến thời điểm này, trên toàn Australia có hơn 27.400 ca mắc Covid-19 và 905 ca tử vong.

* Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước ở Bắc bán cầu đang trong giai đoạn dịch Covid-19 nguy cấp khi mà đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,1 triệu người và làm gần 42 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu.

Theo ông, có quá nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, khiến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động quá tải hoặc gần hết công suất.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-my-chau-au-nhieu-ky-luc-ve-so-ca-nhiem-who-canh-bao-nguy-cap-o-bac-ban-cau-ngoai-truong-3-nuoc-baltic-tu-cach-ly-127158.html