COVID-19 mang đến cơ hội giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho Thụy Điển

Khủng hoảng y tế toàn cầu đã giáng đòn mạnh xuống nhiều doanh nghiệp Thụy Điển do xu hướng mua sắm trực tuyến và làm việc tại nhà. Tuy nhiên, cơn địa chấn này lại mang đến cho quốc gia Bắc Âu cơ hội giải quyết một căn bệnh xã hội kinh niên: tình trạng thiếu nhà ở.

Một tòa nhà thương mại sẽ được chuyển đổi thành tòa chung cư cho người dân tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Một tòa nhà thương mại sẽ được chuyển đổi thành tòa chung cư cho người dân tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters, chính phủ nước này đang cân nhắc xem liệu có biến đổi được những tài sản bất động sản thương mại không được sử dụng trong mùa dịch để bù đắp cho sự thiếu hụt của khoảng 140.000 nhà ở tại quốc gia.

Thị trường nhà ở từ lâu đã trở thành “gót chân Achilles” của nền kinh tế Thụy Điển. Các quy định phức tạp đã đẩy chi phí xây dựng tại đây thuộc hàng cao nhất châu Âu. Việc giảm thuế thế chấp, thuế bất động sản và thị trường cho thuê luôn bị quản lý nghiêm ngặt đã khiến giá bất động sản và mức nợ tăng vọt đối với nhiều gia đình. Ngân hàng trung ương Thụy Điển thường xuyên cảnh báo về rủi ro thiếu hụt nhà ở đối với sự ổn định kinh tế.

Việc đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi từ bất động sản thương mại sang nhà ở có thể giúp giảm bớt sức ép và có thể được nhân rộng ở các quốc gia khác đang thiếu nhà ở tại một số khu vực bao gồm Anh và Hà Lan.

Hội đồng Nhà ở Quốc gia Thụy Điển - cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ đơn giản hóa quy định xây dựng phức tạp để đẩy mạnh các kế hoạch chuyển đổi bất động sản – sẽ trình kế hoạch lên chính phủ vào cuối tháng 2/2021.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Per Bolund cho hay: “Đại dịch khiến cho mọi lĩnh vực phải cân nhắc tạo giãn cách xã hội và làm việc tại nhà. Điều này mang đến cơ hội có thể chuyển đổi những tài sản thương mại thành nhà ở”.

Việc thay đổi mục đích sử dụng của các công trình không còn là một ý tưởng mới mẻ. Trong quá khứ, quận Meatpacking nằm ở phía Tây Manhattan (New York, Mỹ) từng chuyển đổi từ một khu dân cư vào những năm 1800 sang một trung tâm công nghiệp trong suốt 1 thế kỷ và sau đó quay trở lại thành khu dân cư và khu vực mua sắm đến tận bây giờ.

Theo nghiên cứu của Viện Phân tích Hành vi châu Âu, khoảng 1/5 người lao động tại Thụy Điển có thể phải ở nhà ngay cả khi quốc gia này nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn ngừa COVID-19.

“Chúng ta sẽ không quay trở lại được như trước đại dịch. Chính vì vậy, chúng ta cũng không cần thuê một văn phòng có diện tích quá lớn làm gì’, Helen Stoye – Phó Tổng Giám đốc Văn phòng Thống kê Thụy Điển – chia sẻ. Theo bà Helen, văn phòng mới của công ty sẽ có ít bàn ghế hơn và diện tích làm việc giảm một nửa so với văn phòng cũ.

Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến, từ đó kéo theo nhiều cửa hàng đã phải trả mặt bằng vì không hoạt động kinh doanh trong mùa dịch.

Tuy nhiên, kế hoạch chuyển đổi văn phòng, cửa hàng sang nhà ở cũng gặp nhiều thách thức to lớn. Do thiết kế thiếu ánh sáng, nguồn nước cũng như quá gần trục đường chính, một vài tòa nhà thương mại không thích hợp để đổi thành tòa nhà cho dân ở. Trong khi đó, một số tòa nhà lại quá đắt đỏ. Điều này đồng nghĩa cơn đau đầu về nhà ở vẫn còn ở Thụy Điển trong thời gian tới.

Giải pháp quan trọng nhất đối với vấn đề nhà ở vẫn sẽ là phải xây mới”, Christoffer Jarkeborn, người đứng đầu phát triển khu vực tại công ty xây dựng Skanska, kết luận. Công ty này đã hoàn thành việc chuyển đổi trụ sở của tập đoàn công nghệ Ericsson cũ ở quận Nacka của Stockholm thành 286 căn hộ.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-mang-den-co-hoi-giai-quyet-tinh-trang-thieu-nha-o-cho-thuy-dien-20201224112401088.htm