COVID-19 làm nóng trật tự kinh tế thế giới

Theo số liệu thống kê trên Worldmetter, sáng 4/10, thế giới đã ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 35 triệu. Như vậy, chỉ trong 18 ngày, danh sách bệnh nhân COVID-19 đã tăng thêm 5 triệu người, tương tự giai đoạn từ mức 25 triệu ca lên 30 triệu ca.

Trung bình khoảng 3 - 4 ngày lại có thêm 1 triệu người mắc COVID-19 (ca mắc thứ 34 triệu là vào sáng 1/10). Tình hình này buộc thế giới phải tìm cách “sống chung với virus”, vừa mở cửa nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường, vừa chống dịch.

Cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn y tế trong mọi hoạt động

Sau hơn 10 tháng COVID-19 bùng phát, đến thời điểm này, phần lớn các nước phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba… đều tránh tình trạng đóng cửa biên giới hay phong tỏa quy mô lớn, chỉ áp dụng các biện pháp hạn chế cục bộ ở những nơi ổ dịch.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Người dân mua hàng trong siêu thị tại Jena, Đức trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Nga, bà Melita Vujnovich, việc một lần nữa đóng cửa toàn bộ nền kinh tế, phong tỏa đi lại nghiêm ngặt như thời kỳ tháng 3, tháng 4 vừa qua sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, thậm chí có thể làm tê liệt nền kinh tế, cũng như ảnh hưởng đến trạng thái tâm lý con người. Thực tế là trong làn sóng dịch đầu tiên, khi hàng loạt doanh nghiệp phá sản dẫn tới nhiều lao động mất việc, tình trạng phong tỏa do dịch bệnh buộc nhiều người phải ở nhà, trẻ em không thể tới trường… vấn đề tâm lý xã hội đã được nhắc tới, bao gồm cả tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi và các biểu hiện rối loạn tâm thần.

Giới chuyên gia cảnh báo, COVID-19 có thể có tác động “sâu sắc và rộng khắp” đối với sức khỏe tâm thần trên toàn cầu khi hàng tỷ người phải gắng sức khắc phục tình trạng sống cô lập với tâm trạng lo lắng. Một khảo sát quốc gia cho thấy 35% người dân Trung Quốc bị căng thẳng trong và sau các biện pháp phong tỏa. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), 50% số người trưởng thành và gần 75% giới trẻ Mỹ trong độ tuổi từ 18 - 24 cho biết đã từng trải qua ít nhất 1 triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần hoặc hành vi do đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh thế giới vẫn chưa tìm ra được vaccine thực sự hiệu quả ngừa COVID-19, số ca nhiễm mới vẫn đang tăng từng giờ, từng ngày, sẽ có thêm nhiều nước buộc phải siết chặt các quy định, gia hạn tình trạng khẩn cấp, thậm chí là phong tỏa một số khu vực. Nếu điều này xảy ra, sức khỏe tâm thần - vốn được WHO coi là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân, có thể tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chính vì vậy, để có thể chung sống với dịch bệnh một cách an toàn, WHO kêu gọi mỗi người cần thực hiện nghiêm các hướng dẫn y tế trong mọi hoạt động từ học tập, đi lại, sản xuất, kinh doanh tới vui chơi, giải trí, đặc biệt là trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân. Đây là cơ sở để hạn chế tối đa sự lây nhiễm, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh tế, cải thiện thu nhập, từ đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần.

Khi dịch bệnh chưa thể khống chế hoàn toàn, điều quan trọng là mỗi cá nhân cần đối phó với sự căng thẳng và bất an do COVID-19 một cách lành mạnh, mà một trong những giải pháp, bên cạnh việc tìm cách mới để giao tiếp xã hội, cố gắng kiểm soát cuộc sống, suy nghĩ tích cực… thì chống nạn tin giả (fake news) về COVID-19 chính là giải pháp ưu tiên. Bởi các chuyên gia khẳng định, chính những thông tin sai lệch có thể gây tâm lý lo sợ, hoang mang, hoảng loạn và để lại hậu quả nặng nề chẳng kém gì virus SARS-CoV-2.

Đẩy nhanh việc sắp đặt trật tự kinh tế thế giới mới

Toàn cầu hóa luôn là một chủ đề được tranh luận bởi các chuyên gia quốc tế. Nhìn những diễn biến nổi bật gần đây, cụ thể là sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đại dịch COVID-19, chúng ta có thể nhận xét xu hướng toàn cầu hóa đang chậm lại.

Cụ thể là dòng lưu chuyển một số hàng hóa và dịch vụ giữa các quốc gia bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có lẽ là quá sớm để kết luận xu thế toàn cầu hóa bị đảo ngược, nếu đánh giá bức tranh tổng thể và xem xét quá trình toàn cầu hóa trong một khoảng thời gian đủ dài. Bắt đầu từ thế kỷ 16, khi các quốc gia châu Âu phát minh ra các phương tiện hàng hải và chiếm lĩnh thuộc địa thì quá trình toàn cầu hóa đã bắt đầu và phát triển rất nhanh sau đó.

Đến thế kỷ XX, xu thế này bị đình trệ bởi hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau đó, ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các nước của mỗi bên cũng vẫn tăng. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, xu hướng toàn cầu hóa bùng nổ với vai trò nổi bật của Tổ chức Thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do.

Những năm gần đây, một số quốc gia nhận thấy mặt trái của quá trình toàn cầu hóa như nhập cư trái phép, vi phạm bản quyền, biến đổi khí hậu. Những nước này đã có những bước điều chỉnh chính sách phục vụ cho lợi ích của mình, như Mỹ với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, hay Vương Quốc Anh với phong trào rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Vì vậy, có thể thấy rằng, quá trình toàn cầu hóa vốn đã tạo nên một trật tự kinh tế từ những năm 1990 trở lại đây đã được xem xét trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Hay nói cách khác, COVID-19 chỉ là một nhân tố đẩy nhanh việc sắp đặt một trật tự kinh tế thế giới mới, và quá trình toàn cầu hóa hiểu theo nghĩa là sự trao đổi thương mại và giao kết giữa các nước sẽ vẫn tiếp tục phát triển trong trật tự kinh tế mới đó.

Giới chuyên gia nhận định, thế giới đang bước vào một giai đoạn mới với một tương lai đầy bất định và nhiều rủi ro khó dự đoán. Tuy nhiên, một xu thế gần như chắc chắn là khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số sẽ vẫn là động lực lớn cho sự phát triển ở cấp độ toàn cầu.

Ở cấp độ quốc gia, có thể có những thay đổi quan trọng trong tư duy phát triển kinh tế. Xu hướng trong thời gian tới là các quốc gia sẽ giao kết kinh tế nhiều hơn với những đối tác mà mình tin tưởng, trong trường hợp phải đối mặt với sự bất ổn từ đại dịch, thiên tai, hoặc rủi ro chiến tranh. Nói cách khác, các quốc gia có thể gắn quan hệ kinh tế với những giá trị phát triển nền tảng của mình.

Các giá trị nền tảng sẽ được đặt ở vị trí cao hơn trước đây mỗi khi các quốc gia xem xét lựa chọn các đối tác kinh tế quan trọng cho mình, bao gồm sự chia sẻ các giá trị như: Thế nào là thương mại công bằng, thế nào là tôn trọng luật pháp quốc tế, thế nào là chung sống hòa bình và thế nào là phát triển bền vững. Thế giới có thể trở thành những câu lạc bộ kinh tế, mà thành viên mỗi câu lạc bộ chia sẻ những giá trị phát triển chung. Thành viên trong mỗi câu lạc bộ sẽ dễ thông cảm và giúp đỡ nhau về sự khác biệt trong trình độ phát triển kinh tế hơn là chia sẻ và thông cảm về những khác biệt trong các giá trị nền tảng.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/covid-19-lam-nong-trat-tu-kinh-te-the-gioi-614238/