Covid-19 khiến tăng trưởng GDP khó đạt mức 6% trong năm 2020?

Dịch bệnh virus Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho việc phát triển kinh tế trong bối cảnh này lại càng khó khăn hơn. Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lo ngại tăng trưởng GDP năm 2020 khó đạt mức 6%.

Du lịch, nông nghiệp gặp khó

Theo nhận định của giới chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 đang khiến cho kinh tế thế giới gặp khó, đặc biệt là với Việt Nam, khi độ mở rất lớn, nhất là mối quan hệ thương mại Việt- Trung.

Cụ thể, phân tích về mặt nguyên lý, các chuyên gia đánh giá tác động của dịch virus Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc - Việt Nam trên cơ sở đó lan ra quan hệ kinh tế với các nước khác.

Cùng với đó, gây sự xáo trộn nền kinh tế nội địa Việt Nam, tạo ra chi phí lớn hơn trong quá trình sản xuất và đời sống người dân. Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích đã đưa ra danh mục hàng chục ngành bị ảnh hưởng, trong đó nặng nề nhất là du lịch, kho bãi vận chuyển, bán lẻ, năng lượng nguyên liệu, nông nghiệp...

Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Đức Thành, Việt Nam là một trong những quốc gia đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm rất lớn và đây là nhóm đóng vai trò quan trọng với ngành du lịch Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính trong năm 2019 có 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là thị trường khách du lịch quốc tế lớn nhất, chiếm khoảng 1/3 trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Các chuyến bay đến và đi Trung Quốc bị ngừng trệ không chỉ gây tổn thương lớn cho ngành hàng không mà còn làm “tê liệt lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam.

Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế của ngành du lịch, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.

Cùng với du lịch, lĩnh vực xuất khẩu nông sản bị ngưng trệ đang gây ra khủng hoảng đối với ngành nông nghiệp. Chia sẻ về điều này, TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng ngành nông nghiệp đang đối diện với khó chồng khó.

"Những ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 chưa được xử lý xong và vẫn còn kéo dài sang năm nay. Cùng với việc ngành nông nghiệp tiếp tục đương đầu với hạn hán sông Mekong, thì dịch virus Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp khó khăn càng chồng khó khăn và không thể lạc quan về nông nghiệp trong năm nay nay được", ông Sơn nói.

Chính phủ nên thận trọng khi hỗ trợ chính sách vĩ mô.

Chính phủ nên thận trọng khi hỗ trợ chính sách vĩ mô.

Nên hỗ trợ vi mô theo ngành dọc

Trong kịch bản mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, nếu dịch Covid-19 được khống chế dịch trong quý I thì tăng trưởng kinh tế năm 2020 là 6,27%. Còn nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II, tăng trưởng kinh tế là 6,09%. Như vậy, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 6,8%.

Song, theo phân tích của VEPR, trước khi dịch diễn biến phức tạp, nhóm nghiên cứu của Viện đã nhận định GDP năm 2020 chỉ đạt 6,4%. Tuy nhiên, hiện nay bệnh dịch nổ ra thì VEPR điều chỉnh mức dự báo có thể không đạt được mức 6% trong năm nay.

Cụ thể, riêng ngành du lịch, VEPR nhận định mức giảm của ngành này sẽ làm giảm tăng trưởng của Việt Nam 0,4 điểm %. Do đó, riêng ảnh hưởng tiêu cực của ngành du lịch khiến GDP giảm còn khoảng 6%, chưa kể ngành nông nghiệp, khoáng sản, nguyên liệu… và những xáo trộn khác của nền kinh tế khiến cho tăng trưởng khó đạt mức 6%.

Vậy, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, Chính phủ cần hỗ trợ gì cho doanh nghiệp? Theo TS Nguyễn Đức Thành, khi nền kinh tế xảy ra những rủi ro vĩ mô và bất khả kháng, đối tượng trực tiếp chịu rủi ro là doanh nghiệp. Họ sẽ phải chấp nhận chuyển đổi thị trường, thậm chí chấp nhận thất bại và phục hồi. Tiếp theo đó mới đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nhà nước cần thận trọng khi sử dụng các chính sách hỗ trợ thông qua công cụ vĩ mô như tiền tệ, tài khóa, tín dụng. Hỗ trợ cần trúng và đúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng chảy sang các ngành khác hoặc hỗ trợ kém hiệu quả.

Thay vì vội vàng trong việc sử dụng các công cụ tài chính, vĩ mô; các cơ quan chức năng nên đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành, thị trường nhất định để hỗ trợ, khơi thông trong tổ chức ngành, giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới mang tính kỹ thuật và đặc thù của ngành.

“Trong 15 năm quan sát những cuộc khủng hoảng tại Việt Nam, tôi khẳng định rằng lạm dụng chính sách vĩ mô có thể giải quyết được các vấn đề tâm lý nhất thời như trấn an người dân nhưng không có nhiều hiệu quả cụ thể trong ngành. Ví dụ các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất đều cần thận trọng trong lúc này do có thể tác động đến nhiều ngành khác thay vì ngành bị tổn thương nặng nề hơn như du lịch hay nông sản.

Việc sử dụng công cụ tỷ giá có thể không có giá trị cụ thể trong bối cảnh hiện tại và gây ra tác động đến toàn nền kinh tế. Sử dụng công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định, vốn cần được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể, nhưng vẫn có nguy cơ vốn rò rỉ sang lĩnh vực khác hoặc ngành khác.

Do đó, cơ quan nhà nước nên đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các công cụ vĩ mô như vậy. Trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng các giải pháp vi mô là hiệu quả và cần thiết hơn”, TS Thành góp ý.

Hà An

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/covid-19-khien-tang-truong-gdp-kho-dat-muc-6-trong-nam-2020-581889/