Covid-19 khiến nhiều ngành công nghiệp lo 'sốt vó' nguồn nguyên liệu

Nhiều ngành công nghiệp đang chịu tác động lớn của dịch Covid 19 do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, linh phụ kiện đầu phục vụ sản xuất.

Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam tại cuộc họp chiều 26/2 tại Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, hiện một số doanh nghiệp (DN), ngành hàng sản xuất công nghiệp đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ .

Nhập khẩu từ Trung Quốc khó khăn

Cụ thể, các ngành hàng như ô tô, dệt may và da giày, ngành điện tử đang chịu tác động lớn bởi vấn đề thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất do ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ các quốc gia đang bùng phát dịch. Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện, điện tử (trong đó bao gồm điện thoại và tivi) là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam”, đại diện Cục Công nghiệp nhận định.

Bộ Công Thương họp với các ngành công nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Bộ Công Thương họp với các ngành công nghiệp khắc phục khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Theo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, các DN trong ngành sẽ chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các lô hàng linh phụ kiện nhập khẩu trong thời gian tới (do nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc). Đặc biệt là các DN sản xuất để tiêu thụ trong nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Đối với các DN sản xuất theo chuỗi cung ứng đa quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng muộn hơn nhưng mức độ ảnh hưởng là tương đương, bởi nguồn linh kiện nhập khẩu từ các quốc gia khác cũng sử dụng nhiều nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.

“Dự kiến trong cuối Quý I/2020, nếu dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng sẽ trở nên rõ rệt đối với ngành sản xuất các sản phẩm điện tử như điện thoại và tivi ở trong nước, khiến sản lượng suy giảm”, Hiệp hội này nhận định.

Samsung Việt Nam lo vỡ kế hoạch tăng trưởng

Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho hay, ảnh hưởng của việc kiểm soát biên giới nhằm phòng ngừa dịch bệnh có thể sẽ ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất một số model chiến lược đời mới của hãng, do một số linh phụ kiện sản xuất các dòng này được nhập khẩu từ Trung Quốc (chủ yếu qua cửa khẩu Lạng Sơn).

Đến nay, mặc dù lô hàng nhập khẩu linh kiện tại cửa khẩu Lạng Sơn đang được tạo điều kiện thông quan sớm theo đề nghị của Công ty, tuy nhiên trong thời gian tới, dự kiến nguồn hàng nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng bởi phía Trung Quốc dự kiến đóng cửa khẩu. Việc này sẽ khiến DN không thể nhâp khẩu qua đường bộ.

Chính vì vậy, DN này cũng đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng này qua đường hàng không hoặc đường biển, tuy nhiên việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng và tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất.

“Trong trường hợp việc nhập khẩu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của Công ty, vì dây chuyền sản xuất của Công ty được thiết kế để vận hành liên tục nhằm giảm chi phí, nếu buộc phải tạm ngừng sản xuất sẽ mất rất nhiều chi phí cho việc vận hành trở lại cũng như sẽ gây sụt giảm lớn về doanh số năm 2020 của Công ty theo kế hoạch đề ra. Đồng thời điều này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam trong Quý I và Quý II/2020 cũng như cả năm 2020”, đại diện Samsung Việt Nam cho biết.

Thời gian qua, các DN và Hiệp hội Điện tử đã kiến nghị với Chính phủ trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương cũng như cấp Trung ương của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới, vừa phòng ngừa dịch bệnh vừa bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước. Đồng thời sớm có các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các DN trong ngành điện, điện tử để vượt qua thời kỳ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, để gỡ khó cho các DN điện tử nói riêng và các nhóm ngành khác nói chung, Cục sẽ tiếp tục có các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN trong việc chủ động tìm nguồn cung cấp nguồn nguyên phụ liệu thay thế; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường xuất khẩu để các ngành hàng dần bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tận dụng các FTAs mà Việt Nam mới gia nhập như CPTPP, EVFTA.

“Về lâu dài, Bộ Công Thương đã có đề xuất với Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp trong nước để khắc phục các điểm yếu khi thị trường có biến động. Đó là cần đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng”, ông Hoài cho biết./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/covid19-khien-nhieu-nganh-cong-nghiep-lo-sot-vo-nguon-nguyen-lieu-1014934.vov