Covid-19 khiến GDP nước Anh lao dốc, mức giảm cao nhất nhóm G7

Chính phủ Anh sẽ công bố các biện pháp kinh tế - tài chính vào tuần này khi dịch Covid-19 đã khiến cho GDP giảm 21% trong quý hai năm nay.

Một con đường vắng vẻ tại thành phố Newcastle trong đợt phong tỏa vào tháng Tư vừa qua.(Nguồn: The Guardian)

Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nước Anh sẽ chính thức công nhận tình trạng suy thoái kinh tế khi đợt bùng phát dịch Covid-19 đã khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước này tụt dốc không phanh.

Suy sụp do đại dịch

Những số liệu từ Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) – thước đo phổ biến nhất trong đánh giá mức độ thịnh vượng của nền kinh tế – của nước này đã giảm 21% trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu vừa qua.

Sau khi sụt giảm 2,2% trong quý đầu tiên, những con số thống kê mới nhất xác nhận rằng, nền kinh tế xứ sở sương mù đang rơi vào suy thoái sau khi dịch Covid-19 bùng phát lan rộng vào tháng Ba và Chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm kiểm soát đại dịch. Và, theo định nghĩa của các nhà kinh tế, khi GDP của một quốc gia giảm trong 2 quý liên tiếp, điều này có nghĩa quốc gia ấy đang rơi vào trạng thái suy thoái kinh tế.

Hiện tại, Chính phủ Anh đang nỗ lực cân bằng giữa việc nới lỏng các biện pháp cách ly, phong tỏa nhằm khởi động tăng trưởng, đồng thời ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 tiếp theo. Sau bốn tháng thi hành các biện pháp kiểm soát gắt gao, ngày càng có nhiều công ty rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, trong khi số người mất việc bắt đầu gia tăng. Ngoài ra, nhằm giảm thiểu số ca mắc Covid-19, Chính phủ Anh đang thực thi các biện pháp ngăn chặn phù hợp với tình hình của từng địa phương.

Cả Mỹ và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chính thức ghi nhận tình trạng suy thoái khi nền kinh tế toàn cầu vật lộn với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ cuộc Đại suy thoái xảy ra những năm 1930. Tuy nhiên, dù là trung tâm của đợt bùng phát đầu tiên - Trung Quốc đã tránh được đợt suy thoái này khi ghi nhận tăng trưởng trở lại trong quý II.

Trong số các nền kinh tế thuộc nhóm G7, nước Anh ghi nhận mức giảm GDP theo quý tồi tệ nhất, do chậm triển khai các biện pháp cách ly, phong tỏa cũng như chậm gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát mạnh tay.

Viễn cảnh tương lai

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh cho biết tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 có thể sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự kiến ban đầu. Tuy vậy, cơ quan này cảnh báo rằng, nền kinh tế Anh sẽ mất nhiều thời gian hơn để khôi phục lại trạng thái như trước đây. Không chỉ vậy, đại dịch sẽ gây ra những thiệt hại lâu dài, đặc biệt tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ tăng mạnh trong tương lai.

Garry Young, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh cho biết, nước Anh có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để lấy lại quỹ đạo tăng trưởng so với dự tính. Cơ quan này đánh giá GDP của Anh sẽ không trở lại mức được ghi nhận vào cuối năm 2019 cho đến nửa cuối năm 2023.

“Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng theo mô hình chữ V là một kết quả có thể xảy ra, nhưng khả năng của viễn cảnh này không cao. Nếu dịch Covid-19 tái bùng phát và chúng ta phải thực hiện nhiều đợt phong tỏa trên diện rộng hơn, điều đó sẽ đánh bật nền kinh tế khỏi mô hình chữ V đó,” ông nói.

Trên thực tế, nền kinh tế của Anh đã gặp rất nhiều khó khăn và thử thách trước khi cơn đại dịch xuất hiện do viễn cảnh mơ hồ của sự kiện Brexit và do cuộc Tổng tuyển cử vào tháng Mười hai đã khiến đầu tư kinh doanh và chi tiêu tiêu dùng sụt giảm. Chỉ số GDP của nước này không tăng trong quý 4 năm 2019, ngay trước cả khi dịch Covid-19 bùng phát.

Các số liệu cho thấy, nước Anh ghi nhận tăng trưởng GDP vào tháng Năm vừa qua khi các biện pháp kiểm soát dần được dỡ bỏ và nhu cầu bị dồn nén đã thúc đẩy sự bùng nổ chi tiêu của người tiêu dùng. Trong lúc đó, các nhà kinh tế sẽ tìm kiếm thêm bằng chứng về sự phục hồi kinh tế diễn ra trong tháng Sáu khi GDP dự kiến tăng 8% khi các nhà máy khôi phục sản xuất và các cửa hàng mở cửa trở lại, chi tiêu của người tiêu dùng được dự đoán sẽ tăng lên.

Mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đang bắt đầu gia tăng khi Chính phủ Anh cắt giảm kế hoạch trợ cấp lương, trong khi nhu cầu hàng hóa và dịch vụ trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất - chẳng hạn như khách sạn và giải trí - vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước đại dịch.

Sanjay Raja, nhà kinh tế tại Ngân hàng Deutsche Bank, cho biết: “Hiện kinh tế Anh đang gặp phải rất nhiều rủi ro và thách thức: sự gia tăng các đợt phong tỏa, tình hình kinh tế thế giới không mấy khả quan, sự không chắc chắn của Brexit, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng...”.

Châu Khánh Tâm

(theo The Guardian)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-khien-gdp-nuoc-anh-lao-doc-muc-giam-cao-nhat-nhom-g7-121421.html