Covid 19 khiến dệt may châu Á khốn đốn

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã khiến ngành sản xuất may mặc tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đình đốn, làm mất sinh kế cùa hàng triệu người lao động.

Người lao động trong ngành dệt may của châu Á đang cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế. (Nguồn: VNE)

Sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát ở khu vực Đông Nam Á, hơn 250 nhà máy sản xuất hàng may mặc ở Campuchia đã ngừng hoạt động, làm mất sinh kế của hơn 130.000 lao động. Nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả của chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế, thì nhiều nhà máy trong số này sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn.

Trong khi đó, tại Bangladesh, nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, khoảng 1 triệu công nhân may đã phải chứng kiến các thương hiệu thời trang và nhà bán lẻ phương Tây hủy các đơn hàng trong năm 2020 có tổng giá trị lên tới hơn 2,6 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, điều chờ đợi những lao động làm việc trong ngành sản xuất hàng may mặc và gia đình của họ không phải là trợ cấp thất nghiệp và sự hỗ trợ của nhà nước như ở các nước phát triển mà là nghèo đói và thậm chí là thảm họa nhân đạo.

Khi chính phủ các nước trên thế giới lên kế hoạch cho các chiến lược phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 thì điều này không có nhiều ý nghĩa đối với một số nước đang phát triển ở châu Á nếu sự phục hồi kinh tế không dựa trên ngành may mặc trong nước - vốn là lĩnh vực đóng góp hàng đầu trong việc tạo ra việc làm, bình đẳng giới và phát triển xã hội.

Số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho thấy, có tới 84% xuất khẩu hàng hóa trong năm 2018 của Bangladesh là mặt hàng may mặc. Tương tự, ngành may mặc phục vụ xuất khẩu là một trong số rất ít lĩnh vực tạo ra việc làm ở Campuchia, trực tiếp cung cấp việc làm cho gần 930.000 lao động tại nước này trong năm 2016, trong đó nữ giới chiếm xấp xỉ 79%.

(theo Nikkei Asian Review)

Chu An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-khien-det-may-chau-a-khon-don-120175.html