COVID-19 hết 28/7 tại ASEAN: Toàn khối trên 250.000 ca bệnh, Indonesia nguy cơ làn sóng thứ hai

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 28/7, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 250.360 ca, trong đó 7.066 người đã tử vong. Indonesia đang đứng trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 28/7, các nước ASEAN ghi nhận 3.834 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 67 ca tử vong. Nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong 24 giờ qua là Indonesia với 1.748 ca, tiếp đó là Philippines với 1.678 ca, Singapore: 359 ca.

Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 438 trường hợp.

Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 28/7/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).

Bộ Y tế Singapore ngày 28/7 thông báo nước này xác nhận thêm 359 ca mắc COVID-19 trong ngày, nâng tổng số ca bệnh lên 51.197 trường hợp. Đại đa số các ca mới là công nhân nhập cư sống trong các khu ký túc xá.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu ở Indonesia khi Tổng thống Joko Widodo ngày 28/7 cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này. Phát biểu tại cuộc họp nội các, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: "Chúng ta cần nâng cao cảnh giác về nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai và cần lường trước mọi tình huống."

Người dân đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 27/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy, trong ngày 28/7, nước này phát hiện thêm 1.748 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên thành 102.051 người, trong khi số ca tử vong tăng 63 ca lên 4.901 ca. Số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Indonesia hiện đã ở mức trên 1.500 ca. Trong khi đó, các khu vực có rủi ro lây nhiễm cao ngày càng gia tăng, tăng 53 khu vực tuần này so với 35 khu vực trong tuần trước đó.

Indonesia gần đây đã nới lỏng các hạn chế, trong đó cho phép các cơ sở kinh doanh nối lại hoạt động đồng thời mở cửa trở lại các địa danh du lịch.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã cho phép nối lại các hoạt động thể chất và thể thao ở nơi công cộng và tại Sân vận động Olympic quốc gia của nước này.

Trong thông báo ngày 28/7, Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao Campuchia cho biết: “Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Campuchia đã được kiểm soát và để cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần người dân, Thủ tướng Hun Sen đã cho phép nối lại các hoạt động thể thao ở các quảng trường công cộng và Sân vận động Olympic quốc gia, ngoại trừ hoạt động tại các phòng tập gym và câu lạc bộ thể thao, nơi sử dụng chung các thiết bị.”

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Giáo dục, thanh niên và thể thao Campuchia tiếp tục kêu gọi người dân duy trì các biện pháp đảm bảo vệ sinh và tuân thủ quy định về giãn cách xã hội cùng những biện pháp phòng dịch khác theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Từ tháng 8 tới, người dân Campuchia sẽ có nhiều ngày nghỉ lễ, gồm 5 ngày nghỉ bù cho Tết Khmer truyền thống bị hoãn trước đây, lễ Pchum Ben được nối tiếp trong tháng 9 và sau đó là lễ hội Nước vào cuối tháng 10.

Về diễn biến mới nhất của dịch COVID-19 tại Campuchia, sáng 28/7, Bộ Y tế Campuchia đã ra thông cáo xác nhận thêm một ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 226 ca, trong đó 147 người đã khỏi bệnh.

Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 28/7 có thêm 1.678 ca mắc COVID, nâng tổng số ca lên 83.673. Thủ đô Manila chiếm số lượng ca nhiễm mới lớn nhất với 698 ca, tương đương 41% cả nước. Hiện tại Philippines có 55.109 bệnh nhân đã bình phục, chỉ chiếm 32% số ca bệnh.

Trước đó, Nhóm nghiên cứu của trường Đại học Philippines từng dự đoán số ca COVID-19 tại nước này sẽ đạt 85.000 ca vào cuối tháng 7. Cho đến nay, Philippines đã xét nghiệm cho khoảng 1,26 triệu người. Với mục tiêu của chính phủ là thực hiện 1,5 triệu xét nghiệm, họ cần tiến hành 26.396 xét nghiệm mỗi ngày.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đọc thông điệp quốc gia thường niên tại thủ đô Manila ngày 27/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bản Thông điệp quốc gia ngày 27/7, Tổng thống Philippines Duterte thừa nhận phản ứng của chính phủ đối với cuộc khủng hoảng COVID-19 "còn xa mới hoàn hảo" khi nước này có số ca nhiễm cao thứ hai ở Đông Nam Á. Ông kêu gọi người dân cùng nhau nỗ lực hơn nữa để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch.

Trong khi đó, ngày 28/7, Malaysia ghi nhận thêm 39 ca COVID-19, Thái Lan ghi nhận thêm 2 trường hợp và Campuchia thêm 1 trường hợp; tổng số ca bệnh ở ba nước này lần lượt là 8.943, 3.297 và 226 trường hợp.

Các quốc gia còn lại trong ASEAN gồm Brunei, Timor Leste và Lào không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới nào trong ngày.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-het-287-tai-asean-toan-khoi-tren-250000-ca-benh-indonesia-nguy-co-lan-song-thu-hai-20200728210123749.htm