COVID-19 hết 15/8 tại ASEAN: Toàn khối thêm 6.824 ca mắc; số ca tử vong ở Philippines tăng vọt

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 15/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 365.382, trong đó 8.913 người tử vong.

Trong ngày 15/8, ASEAN ghi nhận 6.824 ca mắc tại 5 quốc gia và 211 ca tử vong tại ba quốc gia.

Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.351 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 15/8 là Indonesia với 2.345 ca. Tiếp đó là Singapore với 81 ca. Trong hai ngày qua, số ca mắc mới tại Singapore đã giảm xuống dưới 100 ca.

Trong 24 giờ qua, Philippines ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng vọt: 159 ca. Trong khi đó, Indonesia ghi nhận 50 ca tử vong ngày 15/8.

Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 14/8. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 14/8. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 15/8, tổng số ca bệnh tại Philippines là 157.918 ca sau khi Bộ Y tế Philippines (DOH) thông báo thêm 4.351 ca mắc COVID-19.

Theo DOH, số bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi tại quốc gia này cũng tăng lên 72.209, sau khi có thêm 885 ca được công bố khỏi bệnh trong 24 giờ qua. Số ca tử vong vì dịch bệnh tại Philippines là 2.600 ca, cao hơn 159 ca so với một ngày trước.

Vùng đô thị Manila vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cập nhật trong ngày 15/8, với 2.460 ca. Cũng theo DOH, Philippines đã tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho hơn 1,8 triệu người.

Một chốt kiểm tra y tế phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 12/8. Ảnh: THX/TTXVN

Để cân bằng giữa ưu tiên chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế, Philippines hiện triển khai chính sách phong tỏa theo từng khu vực, cộng đồng hoặc tuyến phố để giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch. Đầu tuần tới, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ công bố phân loại cấp độ phong tỏa với vùng đô thị Manila, các tỉnh phụ cận gồm Bulacan, Cavite, Laguna và Rizal.

Liên quan tới COVID-19, Philippines đã áp đặt một lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với thịt gia cầm từ Brazil sau khi hai thành phố của Trung Quốc phát hiện dấu vết của virus SARS-CoV-2 trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, trong đó có cánh gà nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một tuyên bố, Bộ Nông nghiệp Philippines nêu rõ: "Với những thông tin mới đây từ Trung Quốc và theo Luật An toàn Thực phẩm của Philippines để quản lý các doanh nghiệp thực phẩm và để bảo vệ các khách hàng, lệnh cấm nhập khẩu thịt gà đã được ban hành". Tuy nhiên bộ này không cho biết thời hạn hiệu lực của lệnh cấm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Surakarta, Trung Java, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong ngày 15/8, Indonesia thông báo tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia này tăng lên 137.468 ca, thêm 2.345 ca so với một ngày trước đó. Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia Đông Nam Á này cũng tăng thêm 50 ca trong 24 giờ qua lên mức 6.071 ca.

Trước đó, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan đã thông báo kéo dài giai đoạn chuyển tiếp của các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) tới ngày 27/8.

Đây là lần thứ tư giai đoạn chuyển tiếp của PSBB được kéo dài tại khu vực thủ đô của Indonesia. PSBB chính thức được áp dụng tại Jakarta từ ngày 10/4 song trước đó thủ đô của Indonesia đã triển khai chính sách “giãn cách xã hội quy mô lớn” vào ngày 16/3 với việc ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học, khu du lịch và hạn chế đi lại.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một nhà ga ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Thống đốc Anies cho biết trong giai đoạn này, chính quyền Jakarta phối hợp cùng cảnh sát và quân đội sẽ thắt chặt các hoạt động tụ tập đám đông, nhất là vào các ngày cuối tuần, cũng như việc sử dụng khẩu trang tại các địa điểm công cộng.

Thống đốc Anies cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động xã hội nào liên quan tới đám đông sẽ bị tạm dừng, đặc biệt là Ngày không phương tiện xe cơ giới (HBKB) hoặc Ngày không xe hơi (CFD), trong khi các hoạt động kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 75 vào ngày 17/8 sẽ bị hủy bỏ.

Nhân viên hàng không mặc trang phục bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 khi làm việc tại sân bay ở Manila, Philippines ngày 4/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Indonesia sẽ tiếp tục đóng cửa đối với du khách nước ngoài cho đến khi có vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước cũng là người đứng đầu Ủy ban Xử lý dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia Indonesia, ông Erick Thohir, cho biết chính phủ nước này không muốn những nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bị hủy hoại bằng cách mở cửa trở lại biên giới cho khách du lịch nhằm tránh phát sinh các ổ dịch mới. Theo ông Thohir, việc mở cửa trở lại biên giới cho du khách nước ngoài cần phải đi đôi với việc tạo ra khả năng miễn dịch để không phải bắt đầu chống dịch lại từ đầu.

Ngành du lịch của Indonesia có nguy cơ đối mặt với khoản lỗ 4 tỷ USD do lượng khách du lịch nước ngoài giảm mạnh và 4 tỷ USD do du khách trong nước ít đi du lịch từ tháng 1 đến tháng 4. Chính phủ Indonesia đang dần dần mở cửa trở lại một số điểm du lịch cho du khách trong nước và chú trọng khôi phục hoạt động du lịch trong nước trước khi mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, Indonesia cũng đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cuối cùng một loại vaccine phòng ngừa COVID-19 ở Bandung, thủ phủ tỉnh Tây Java. Sau khi việc thử nghiệm lâm sàng 6 tháng rưỡi hoàn thành, vaccine sẽ ngay lập tức được bắt đầu sản xuất.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Singapore, trong số 81 ca mắc COVID-19 trong ngày 15/8, có 16 ca nhập khẩu, trong đó 10 ca là người trên tàu cập cảng Singapore ngày 8/8. Trước khi được đưa tới bệnh viện, toàn bộ thủy thủ đoàn vẫn ở trên tàu.

Trong số các ca mới, có ba ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm 2 người Singapore và một người có giấy phép làm việc tại nước này.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-het-158-tai-asean-toan-khoi-them-6824-ca-mac-so-ca-tu-vong-o-philippines-tang-vot-20200815214507239.htm