Covid-19 hé lộ sự mong manh của nền kinh tế

'Những tác động của đại dịch Covid-19 tới loài người đã và đang vượt quá xa tầm ảnh hưởng của đối sách về y tế. Mọi phương diện liên quan đến con người trong tương lai đều sẽ bị tác động – từ kinh tế, xã hội đến phát triển. Chúng ta rất cần phương án đối phó khẩn cấp, đồng bộ ở cấp toàn cầu, và phải ngay lập tức hành động để giúp những người cần sự giúp đỡ nhất'... Nhân Dân điện tử giới thiệu bài bình luận của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder về những nhận định này.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế Guy Ryder.

NDĐT - “Những tác động của đại dịch Covid-19 tới loài người đã và đang vượt quá xa tầm ảnh hưởng của đối sách về y tế. Mọi phương diện liên quan đến con người trong tương lai đều sẽ bị tác động – từ kinh tế, xã hội đến phát triển. Chúng ta rất cần phương án đối phó khẩn cấp, đồng bộ ở cấp toàn cầu, và phải ngay lập tức hành động để giúp những người cần sự giúp đỡ nhất”... Nhân Dân điện tử giới thiệu bài bình luận của Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder về những nhận định này.

Những tác động của đại dịch Covid-19 tới loài người đã vượt quá xa tầm ảnh hưởng của đối sách về y tế. Mọi phương diện liên quan đến con người trong tương lai đều sẽ bị tác động – từ kinh tế, xã hội đến phát triển. Chúng ta rất cần phương án đối phó khẩn cấp, đồng bộ ở cấp toàn cầu và phải ngay lập tức hành động để giúp những người cần sự giúp đỡ nhất.

Ở mọi nơi làm việc, mọi doanh nghiệp, dù là các nền kinh tế của từng quốc gia đơn lẻ cho tới nền kinh tế toàn cầu, một quyết sách đúng đắn phải dựa trên nền tảng đối thoại xã hội giữa chính phủ và những con người ở tiền tuyến – người sử dụng lao động và người lao động. Điều đó sẽ giúp tương lai của năm 2020 - và những năm sau đó - không lặp lại vết xe đổ của cuộc đại suy thoái kinh tế trong thập niên 1930.

ILO ước tính rằng có thể có tới 25 triệu người sẽ thất nghiệp trên thế giới, tổn thất về thu nhập của người lao động lên tới 3,4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, rõ ràng là, ngay cả những con số này cũng chưa cho thấy đủ sự tàn phá khủng khiếp do dịch bệnh mang lại.

Đại dịch lần này đã phanh phui những vết nứt sâu trong lòng các thị trường lao động. Nhiều doanh nghiệp, từ siêu nhỏ đến đa quốc gia, đã dừng hoạt động, cắt giảm giờ làm, sa thải nhân viên. Nhiều doanh nghiệp khác đang ngấp nghé bên bờ vực thẳm khi các nhà hàng, cửa hiệu phải đóng cửa, các chuyến bay, phòng khách sạn đều đã hủy và nhiều công ty đã chuyển đổi sang mô hình làm việc từ xa. Thông thường, những người đầu tiên bị mất việc là những người đang làm công việc vốn dĩ đã bấp bênh – nhân viên bán hàng, chạy bàn, làm bếp, đỡ hành lý và tạp vụ.

Trên thế giới này, chỉ 20% người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Điều đó có nghĩa là khi việc sa thải hàng loạt diễn ra, hàng triệu gia đình sẽ rơi vào cảnh đường cùng. Chế độ nghỉ ốm được hưởng nguyên lương không tồn tại với rất nhiều người lao động làm nghề chăm sóc người khác hay những người giao hàng – những người mà chúng ta ngày nay phải phụ thuộc rất nhiều vào họ. Vì thế họ vẫn phải cố tiếp tục làm việc, kể cả khi họ đang bị ốm. Ở các nước đang phát triển, những người lao động được trả lương theo sản phẩm, những công nhân được thuê theo ngày và những người bán hàng ở khu vực kinh tế phi chính thức có lẽ cũng phải chịu áp lực kiếm tiền để lo bữa ăn hằng ngày như vậy. Chính vì những góc mong manh này, tất cả chúng ta sẽ phải gánh chịu tác động. Đại dịch không chỉ làm virus lây lan mà còn kéo dài mãi những vòng quay bất tận của nghèo đói và bất bình đẳng về lâu về dài.

Chúng ta sẽ không còn cơ hội để cứu vãn hàng triệu việc làm và doanh nghiệp, nếu các chính phủ không hành động quyết đoán để bảo đảm tiếp tục duy trì nền kinh tế, tránh sa thải hàng loạt và bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương. Tất cả chúng ta phải hiểu rõ rằng, chính những quyết sách của ngày hôm nay sẽ quyết định sức khỏe của toàn xã hội và sức khỏe của nền kinh tế trong những năm tới sẽ ra sao.

Rất cần những chính sách tài khóa và tài chính mở rộng chưa từng có trong lịch sử để có thể ngăn chặn đà suy giảm hiện nay tiến triển thành cuộc suy thoái kéo dài. Chúng ta phải bảo đảm được rằng mọi người có đủ tiền trong túi để có thể tồn tại đến hết tuần – và cả tuần sau đó. Điều này có nghĩa là phải giúp được các doanh nghiệp – nguồn tạo thu nhập cho hàng triệu triệu người lao động – có thể sống sót qua dông bão và có thể khởi động lại ngay khi điều kiện cho phép. Nói một cách chính xác, cần có những biện pháp đặc thù để bảo vệ những người lao động dễ bị tổn thương nhất – lao động tự làm, lao động bán thời gian, lao động thời vụ – bởi họ là những người có thể không được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay bảo hiểm xã hội.

Khi các chính phủ đang nỗ lực để hạ thấp đường cong của biểu đồ dịch bệnh, chúng ta rất cần những biện pháp đặc biệt để bảo vệ hàng triệu người lao động trong ngành y tế (trong đó phụ nữ chiếm phần đông), những người đang đặt cược sức khỏe của bản thân để cứu giúp người khác. Những người lái xe tải, những thủy thủ tàu thủy – những người đang ngày đêm vận chuyển thiết bị y tế và hàng hóa thiết yếu – cũng cần được bảo vệ đặc biệt. Phương thức làm việc từ xa đã mở ra những cơ hội mới để người lao động có thể tiếp tục làm việc, và người sử dụng lao động có thể duy trì hoạt động của doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, người lao động phải được quyền đàm phán về sắp xếp công việc này để họ có thể bảo đảm cân bằng với những trách nhiệm khác trong cuộc sống, như chăm con, trông người ốm, chăm bố mẹ già, và đương nhiên là bao gồm cả chăm sóc chính bản thân họ.

Nhiều quốc gia đã thông qua những gói kích thích chưa từng có trong lịch sử để bảo vệ xã hội và nền kinh tế, duy trì dòng tiền đến với người lao động và doanh nghiệp. Để tối đa hóa tác động của những biện pháp đó, các chính phủ cần phải hợp tác với các tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn để đưa ra những phương án thiết thực, giúp con người được an toàn và bảo vệ việc làm.

Những biện pháp này bao gồm hỗ trợ thu nhập, trợ cấp tiền lương và hỗ trợ mất việc tạm thời cho người lao động làm những công việc chính thức, tín dụng thuế cho lao động tự làm, và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp.

Nhưng đồng thời với các biện pháp mạnh mẽ trong nước, các quyết sách đa quốc gia cũng đóng vai trò chủ đạo để giúp đối phó ở tầm quốc tế chống lại kẻ thù của toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 trực tuyến về ứng phó với Covid-19 vào ngày 26-3 chính là cơ hội để bắt đầu hành động một cách đồng bộ.

Vào thời điểm khó khăn như lúc này, tôi lại nhớ tới nguyên tắc đã được ra trong Hiến chương của ILO: “Nghèo đói dù ở bất cứ nơi đâu đều là mối đe dọa tới sự phồn thịnh của cả thế giới”. Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng, trong thời gian tới, hiệu quả của phương thức nhân loại ứng phó với mối đe dọa đến sự tồn vong của loài người hiện nay sẽ không chỉ được đánh giá qua mức độ và tốc độ bơm tiền, hoặc qua việc đường cong dịch tễ có độ dốc thấp hay cao, mà còn là qua việc chúng ta đã làm gì cho những người dễ bị tổn thương nhất.

GUY RYDER

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/43799702-covid-19-he-lo-su-mong-manh-cua-nen-kinh-te.html