COVID-19 giữa nghịch lý và hệ lụy

Mặc dù Việt Nam đang rất tự tin với khả năng khống chế dịch bệnh, nhưng covid-19 tiếp tục lan rộng trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới - WHO bày tỏ sự quan ngại về sự bùng phát virus corona phạm vi toàn cầu. Mọi người bước sang tháng 3-2020 với tâm trạng ngổn ngang.

Trong khi nhiều ngành kinh tế thừa nhận khó khăn do ảnh hưởng từ hiểm họa này, thì ngành giáo dục vẫn lúng túng với quyết định mở lại cánh cổng trường học giữa bao nhiêu lo lắng từ phía phụ huynh.

Số bệnh nhân nhiễm covid-19 tăng nhanh chóng mặt tại Hàn Quốc. Một quan chức phụ trách chống dịch tại xứ củ sâm đã không chịu nổi áp lực, phải nhảy sông Hán tự vẫn. Việt Nam đơn phương chấm dứt miễn thị thực cho công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam nhằm tạo ra một hành lang an toàn cho hoạt động ứng phó. Nhiều quốc gia khác như Ý, Nhật Bản, Iran… cũng lao đao vì covid-19. Sau khi 5 quốc gia nữa có bệnh nhân dương tính với virus corona là Nigeria, Estonia, Đan Mạch, Hà Lan và Lithuania, WHO một lần nữa lên tiếng cảnh báo nguy cơ đang đe dọa nhân loại.

Sếp hàng mua khẩu trang.

Sếp hàng mua khẩu trang.

Với 16 ca nhiễm covid-19 đều đã bình phục, có thể xem là một kỳ tích của nước ta. Trong sự phấn khởi ban đầu ấy, nhiều người nhắc đến vai trò của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Thị Kim Tiến.Vì sao như vậy? Vì bà Nguyễn Thị Kim Tiến vốn xuất thân là một giảng viên ngành dịch tễ học ở Đại học Y Hà Nội, sau đó có nhiều năm làm việc ở Viện Paster TPHCM.

Vì vậy, khi làm lãnh đạo ngành y tế, bà Nguyễn Thị Kim Tiến rất quan tâm xây dựng hệ thống nghiên cứu y tế cộng đồng và y học dự phòng, củng cố khái niệm y học dựa trên bằng chứng của dịch tễ học, thông qua sự tìm kiếm mối quan hệ giữa tình trạng sức khỏe và yếu tố liên quan từ đó xây dựng giải pháp phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật.

Nghịch lý thay, trái ngược với trăn trở của bà Nguyễn Thị Kim Tiến lại có câu chuyện của ông Phạm Hữu Quốc, Giám đốc Bệnh viện Gò Vấp, TPHCM khiến dư luận chua chát. Ai cũng biết, giữa bối cảnh dịch bệnh thì khẩu trang trở thành mặt hàng khan hiếm. Cảnh tượng người dân xếp hàng dài hàng trăm mét trước nhà thuốc để mong sở hữu được mấy cái khẩu trang, là hình ảnh rúng động tâm can cộng đồng.

Người dân tìm mua khẩu trang rất khó khăn, có gia đình phải tự may khẩu trang vải để trang bị cho từng thành viên trong nhà. Khẩu trang gần như ưu tiên cho các cơ sở khám chữa bệnh. Vậy nhưng hiện nay cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra và bước đầu cho thấy ông Phạm Hữu Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí công tác để thu gom khẩu trang và bán lại với giá cao. UBND quận Gò Vấp đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác và chức vụ đối với ông Phạm Hữu Quốc, đồng thời chuyển hồ sơ vụ việc qua Công an quận Gò Vấp tiếp tục truy xét làm rõ.

Hiện tại, không ai dám khẳng định khi nào Covid-19 mới được ngăn chặn hoàn toàn. Bởi lẽ, dịch SARS từng kéo dài từ tháng 11-2002 đến tháng 7-2003. Cho học sinh trở lại trường học hay không, là câu hỏi hóc búa. Bộ GD-ĐT ngày 27-2 phát đi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cho học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ học thêm 1-2 tuần để phòng dịch, còn học sinh trung học phổ thông và cao đẳng - đại học đi học lại từ ngày 2-3. Hầu hết, các địa phương đều thực hiện theo ý kiến của Bộ GD-ĐT, trừ vài nơi có chút khác biệt.

Không triển khai theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM quyết định trưng cầu ý kiến phụ huynh. Phần lớn phụ huynh đều bày tỏ nguyện vọng cho con em tiếp tục nghỉ học vì lo lắng covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Từ thăm dò trên, Hà Nội cho học sinh các trường công lập trên địa bàn thủ đô nghỉ học đến hết ngày 8-3. Còn tại TPHCM - địa phương cuối cùng công bố lịch đi học lại - đã quyết định cho học sinh lớp 12 nghỉ học đến hết ngày 8-3; các lớp còn lại từ mầm non đến THPT nghỉ hết ngày 15-3.

Sở dĩ Bộ GD-ĐT không dám quyết định việc nghỉ học kéo dài vì sợ sẽ gặp khó khăn cho kế hoạch năm học sau phải triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Hàng triệu học sinh không đến trường, cũng gây xáo trộn không nhỏ cho xã hội. Phụ huynh có sự lúng túng của phụ huynh, thì giáo viên cũng có sự oái oăm của giáo viên. Nếu các trường phổ thông tương đối ổn định về doanh thu để cầm cự, thì hầu hết các trường mầm non phải chịu đựng gánh nặng tài chính.

Nhất là hệ thống trường mầm non tư thục, ngoài nỗi lo về chi phí mặt bằng còn có nỗi lo về lương bổng giáo viên. Tại TPHCM, nhiều giáo viên mầm non đã tranh thủ không gian trường học những ngày đóng cửa để buôn bán tạp hóa hoặc giải khát. Cái sạp hàng tạm bợ trước cổng trường mầm non có treo dòng chữ “giải cứu giáo viên mần non”, thực sự làm nhiều người cám cảnh và day dứt. Mùa dịch, “giải cứu nông sản” đã đáng buồn, mà “giải cứu giáo viên mầm non” còn đáng buồn hơn.

Hiện tại, gần 300 trường mầm non tư thục ở đô thị lớn nhất phương nam đã bắt đầu kêu… khổ. Học phí mầm non luôn thu hàng tháng, các cháu không đến trường thì tài khoản trống trơn. Không ít trường mầm non tư thục khẳng định chỉ có thể trả lương cơ bản cho giáo viên trong tháng 2-2020, còn tháng 3-2020 thì ngoài tầm kiểm soát. Làm sao “giải cứu giáo viên mầm non” hiệu quả?

Giáo viên mầm non là một nghề nhiều áp lực nhưng ít thu nhập. Hàng ngàn giáo viên mầm non ở các trường tư thục sẽ sống bằng gì trong mùa dịch, để tiếp tục gìn giữ tấm lòng nâng niu trẻ thơ? Đã đến lúc ngành bảo hiểm xã hội phải có trách nhiệm san sẻ nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đội ngũ giáo viên mầm non.

Đồng thời, ngân sách lâu nay được dự trữ cho các chương trình bình ổn giá trên thị trường, cũng nên được sử dụng linh hoạt để bình ổn cuộc sống cho những người nuôi dạy trẻ. Muốn “giải cứu giáo viên mầm non”, chính quyền cơ sở phải có hành động hỗ trợ thiện chí và kịp thời.

TÂM HUYỀN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/covid19-giua-nghich-ly-va-he-luy-77312.html