COVID-19 được kiểm soát: Du lịch Hà Nội sẽ tăng tốc trên lộ trình mới?

Dịch bệnh toàn cầu khiến toàn ngành du lịch phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhưng xét ở một góc độc khác, lại mở ra một chặng đường mới cho những người làm nghề dưới sự nỗ lực của chính quyền...

Thủ đô Hà Nội có tới gần 1.500 làng nghề và làng có nghề, là tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Thủ đô Hà Nội có tới gần 1.500 làng nghề và làng có nghề, là tiềm năng lớn để phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Nếu những năm trước đây, ngành du lịch Hà Nội khá chậm chạp trong việc làm mới mình bằng các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn và chất lượng cao thì nay dường như mọi thứ đang có dấu hiệu thay đổi tích cực hơn.

Có lẽ, “cú đấm chí mạng” COVID-19 đã để lại “di chứng” quá nặng nề khiến những người cầm trịch ngành du lịch Thủ đô buộc phải bừng tỉnh. Chẳng thế mà, lãnh đạo ngành ở nơi “trái tim hồng” của cả nước gần đây đã chứng tỏ sự đổi mới trong cả nhận thức và tư duy bằng nhiều kế hoạch được cho là có tính đột phá.

Tân Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang đã có cuộc trò chuyện với phóng viên để làm rõ chặng đường đổi mới này.

Cuộc “kết duyên” của du lịch Hà Nội

- Hiện nay, chương trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực du lịch, xin bà cho biết riêng với Sở Du lịch Hà Nội, vấn đề này đang chuyển động như thế nào và có khó khăn gì không trong quá trình triển khai?

Bà Đặng Hương Giang: Về vấn đề chuyển đổi số, Sở Du lịch Hà Nội cũng nhận được sự chỉ đạo theo lộ trình từ Trung ương, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tới các đơn vị ở tất cả các sở, ngành. Chúng tôi cũng đã xung phong chuyển đổi số vì nhận thấy đây là xu hướng tất yếu.

Đối với du lịch, sau khi đã vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyển đổi số sẽ giúp ngành phục hồi nhanh hơn, tăng khả năng bứt phá. Năm nay, nếu chúng ta không có phương thức làm mới và cập nhật công nghệ thì chắc chắn du lịch sẽ khó khăn.

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm nên sức hấp dẫn cho du lịch làng nghề Hà Nội. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đặc biệt, để sẵn sàng chuẩn bị đón khách quốc tế tức là giai đoạn “làm tổ” thì chắc chắn chuyển đổi số có vai trò hỗ trợ rất lớn. Chúng tôi đang triển khai kế hoạch, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các nền tảng du lịch số, app du lịch, số hóa các điểm di tích, các điểm đến nhằm giúp du khách tăng cường tương tác và thử trải nghiệm trước khi có những trải nghiệm thực tế tuyệt vời hơn.

Chúng tôi nghĩ rằng cuộc “kết duyên” giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ mang lại những điều mới mẻ cho du khách và thực sự thúc đẩy các hoạt động trong ngành, giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi cũng như giúp người dân đi du lịch dễ dàng hơn. Chúng tôi mong muốn có thể truyền thải thông tin nhiều hơn về các sản phẩm, điểm đến, danh thắng… đến với người dân và du khách.

Tôi hy vọng Sở Thông tin và Truyền thông với chức năng nhiệm vụ quản lý với sự đồng hành của các cơ quan báo chí sẽ cùng với Sở Du lịch Hà Nội mang đến những dịch vụ tốt nhất làm hài lòng tất cả các du khách khi đến Hà Nội và sẽ tiếp tục quay trở lại Thủ đô trong thời gian tới.

- Bà đánh giá thế nào về hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp du lịch Hà Nội?

Bà Đặng Hương Giang: Các doanh nghiệp du lịch Hà Nội đang rất sẵn sàng chuyển đổi số và họ cũng xác định đây là con đường tất yếu. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Các doanh nghiệp lớn được ví như những cánh chim đầu đàn trong ngành du lịch thì không nhiều.

Với quy mô doanh nghiệp như hiện nay, việc chuyển đổi số là tất yếu. Vì xác định như vậy nên các doanh nghiệp trong ngành du lịch cũng đã sẵn sàng thực hiện chuyển đổi số.

Nghệ nhân Hà Nội đang trong quá trình làm trà ướp hoa bưởi. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Để thực hiện được nhiệm vụ này, thời gian qua Sở Du lịch Hà Nội đã có buổi làm việc cũng như trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn về các nội dung chuyển đổi số. Trước tiên là các doanh nghiệp trong các Hiệp hội sẽ thực hiện chuyển đổi trước, còn các doanh nghiệp khác thấy cần thiết sẽ triển khai và kết hợp cùng làm.

Với chuyển đổi số, chúng ta đừng nghĩ là điều gì quá ghê gớm, chỉ đơn giản là ứng dụng công nghệ để số hóa, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, quảng bá rộng rãi hơn và làm cho các dịch vụ hoàn hảo hơn.

Nhiệm vụ không phải là điều gì quá cao xa, miễn là các doanh nghiệp quyết tâm đây là con đường phải đi thì Sở Du lịch Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ luôn đồng hành để xây dựng môi trường kinh doanh nói chung, môi trường du lịch nói riêng của thành phố xanh, sạch, thân thiện và thực sự an toàn, hấp dẫn, thú vị, mang đến những trải nghiệm khó quên với du khách khi đến Thủ đô.

Chúng tôi cũng kỳ vọng có thể níu chân du khách ở Hà Nội lâu hơn, nhiều hơn và khách đến Hà Nội ngày càng đông hơn.

Lộ trình mới cho du lịch Thủ đô

- Về việc làm mới các sản phẩm du lịch của Thủ đô trong năm 2021 thì sao thưa bà, Sở Du lịch Hà Nội đã có những kế hoạch như thế nào để phục vụ du khách?

Bà Đặng Hương Giang: Có thể nói, Hà Nội là thành phố của di tích, di sản và nhiều danh thắng đẹp. Chúng ta cũng đã có những di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Dịch bệnh COVID-19 khiến hầu hết các khách sạn trên phố cổ lâm cảnh 'cửa đóng then cài' hơn một năm qua. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Tất cả các điểm đến của Hà Nội đều rất đẹp nhưng cách chúng ta truyền thông chưa tới hoặc sản phẩm chưa được hoàn chỉnh. Trong thời gian tới, theo lộ trình chúng tôi sẽ kết hợp với các quận, huyện, thị ở những nơi có danh lam thắng cảnh, di tích để xây dựng các sản phẩm/điểm đến có dịch vụ đa dạng, có thuyết minh phục vụ khách.

Hiện, chúng tôi đã chuẩn hóa thuyết minh, chuyển nhiều ngữ khác nhau và có thuyết minh tự động bằng Autoguide. Đặc biệt, chất lượng dịch vụ của sản phẩm/điểm đến muốn hoàn chỉnh phải đáp ứng rất nhiều yếu tố, mà trong đó trải nghiệm những giá trị đặc biệt riêng có, dấu ấn của điểm đến là rất quan trọng.

Chúng tôi đánh giá, một trong những điểm yếu của Hà Nội là quà tặng du lịch còn nhiều hạn chế. Mặc dù Hà Nội có tài nguyên vô giá là gần 1.500 làng nghề và có nghề, tạo ra nhiều sản phẩm lưu niệm phong phú, nhưng để phục vụ du khách thì cần hoàn thiện hơn. Ví dụ như bao bì hấp dẫn hơn, mẫu mã độc đáo hơn, đẹp mắt hơn. Việc tổ chức phân phối sản phẩm của làng nghề đến với những khu điểm du lịch còn hạn chế.

Thời gian tới chúng tôi sẽ kết hợp với các làng nghề, các quận, huyện, điểm đến và các đơn vị lữ hành để xây dựng những điểm đến thực sự có chất lượng.

Đặc biệt, tôi cho rằng các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành cần có trách nhiệm xây dựng những tour/điểm đến mới. Gọi là mới nhưng thực chất là “bình cũ rượu mới.”

Ví dụ như làng cổ Đường Lâm, truyền thông đã nói rất nhiều nhưng truyền thông vào những sản phẩm cụ thể lại chưa có, thì thời gian tới những sản phẩm đặc biệt và hấp dẫn của Đường Lâm sẽ được bung ra.

Hiện thị xã Sơn Tây đang đề xuất và thành phố cũng đang xem xét việc xây dựng tuyến phố đi bộ và chợ đêm tại khu vực thành cổ. Tôi cho rằng nếu trở thành hiện thực đây sẽ là sản phẩm tốt và hấp dẫn du khách. Nhưng để triển khai, thị xã Sơn Tây cần rất cẩn trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa ra sản phẩm mới, đảm bảo chất lượng…

Clip bà Hương Giang chia sẻ về việc làm mới các sản phẩm du lịch Hà Nội:

Chúng tôi sẽ công bố loạt sản phẩm mới trong khuôn khổ Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, diễn ra từ ngày 16-18/4, tại khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm và khu vực tượng đài Lý Thái Tổ.

Năm 2021, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt chúng tôi sẽ tổ chức một số sự kiện như Lễ hội áo dà, Lễ hội quà tặng, Lễ hội ẩm thực… tại Hà Nội. Chúng tôi đã có kế hoạch, lộ trình cụ thể, chi tiết.

Chúng tôi sẽ cùng với các đơn vị lữ hành kết nối Hà Nội với Quảng Ninh, Ninh Bình, Sapa… để ra những sản phẩm mà mục đích cuối cùng là mang lại trải nghiệm thực sự thú vị cho du khách, để du khách tiếp tục du lịch Hà Nội.

- Với những kế hoạch và lộ trình của Sở Du lịch Hà Nội vừa chia sẻ, bà kỳ vọng gì về khả năng phục hồi của du lịch Hà Nội trong năm nay?

Bà Đặng Hương Giang: Với những nỗ lực cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, chúng tôi hy vọng du lịch thủ đô năm 2021 có thể phục hồi 50-70% lượng khách của năm 2019, tức là phấn đấu 10-11 triệu du khách đến với Hà Nội.

Điều chúng tôi mong muốn hơn nữa là thời gian lưu trú của du khách tại Hà Nội sẽ lâu hơn. Nếu trước đây khách lưu trú bình quân chỉ 1,3 ngày thì nay chúng tôi kỳ vọng con số này sẽ trên 2 ngày đồng thời gia tăng mua sắm, trải nghiệm. Hy vọng du khách sẽ chi tiêu nhiều hơn để ủng hộ cho ngành du lịch phục hồi lại sau đại dịch COVID-19.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/covid19-duoc-kiem-soat-du-lich-ha-noi-se-tang-toc-tren-lo-trinh-moi/701360.vnp