Covid-19 'đốn hạ' các nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương

Dịch Covid-19 đã khiến kinh tế Việt Nam quý II/2020 tăng trưởng 0,36%, mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng dương (1,81%) nửa đầu năm 2020.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ. (Ảnh: G.T)

Sáng nay (2/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2020 xảy ra đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, dịch Covid-19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế trong quý II khi chỉ đạt tăng trưởng 0,36%. Trong bối cảnh này, nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế là cấp bách hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bài toán phục hồi kinh tế phải đáp ứng được yêu cầu là kiên quyết không để dịch bệnh quay lại Việt Nam. Bối cảnh tình hình thế giới, nhất là các nước đối tác lớn vẫn rất phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin rằng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo, nếu để dịch bệnh quay trở lại lần hai, GDP thế giới có thể mất 8%, còn nếu không để dịch bệnh bùng phát lần hai, GDP toàn cầu mất 6%. Đây được coi là mức giảm mạnh nhất từ cuộc đại khủng hoảng 1929-1933.

“150 năm qua, chưa bao giờ có một cuộc khủng hoảng y tế dẫn đến một cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu lớn như thế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II/2020 tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”.

Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “đốn hạ” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái "bình thường mới".

Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Xuất siêu đạt mức 4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu khu vực trong nước đạt khá cao, lên đến 11,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 theo giá hiện hành ước đạt 850,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019 và bằng 33% GDP. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 2,71%.

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 6 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II/2020 giảm 5,8% so với quý trước; 6 tháng đầu năm ước giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 3.744.500 lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ.

Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 697,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 507.200 lao động, giảm 7,3% về số doanh nghiệp, giảm 19% về vốn đăng ký và giảm 21,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

6 tháng đầu năm, Việt Nam có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. (Nguồn: VGP)

Trước tình hình đó, không bi quan hay ngại khó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần dự báo tình hình còn rất khó khăn, kinh tế thế giới suy thoái nặng nề, chưa thể phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, có 7 nhóm giải pháp cũng được Thủ tướng nêu ra, định hướng tại Hội nghị.

Thứ nhất, cần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, liên tục những ngày qua 4 lần tăng giá dầu, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Vì thế, cần nhìn rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có giải pháp kịp thời; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư, tạo nền tảng ổn định và phát triển kinh tế xã hội.

Thứ hai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, dư địa tài khóa và tiền tệ của Việt Nam còn lớn, do đó, không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà còn phải tiến công để phát triển.

Thứ ba, trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu Chính phủ đánh giá chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ông nhắc đến việc giải ngân 6 tháng đầu năm chỉ đạt 33%, giải ngân ODA đạt 10%, trong khi còn 700.000 tỷ đồng vốn chờ. Giải ngân tốt sẽ kích cầu rất hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng.

Thứ tư, Thủ tướng cho rằng, khi thị trường quốc tế và cầu nội địa giảm, phải có biện pháp gì để mở rộng thị trường mới, kích cầu tiêu dùng nội địa. Do đó, các bộ ngành phải có chính sách để tận dụng nội nhu của 100 triệu dân nước Việt

Thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các bộ ngành phải rà soát quy định của pháp luật, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. “Tinh thần phải phục vụ nhân dân, phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp mới tạo được động lực phát triển. Các anh cứ quyền anh, quyền tôi, gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư thì không bao giờ tạo được động lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ sáu, người đứng đầu Chính phủ gợi mở hướng phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị…

Thứ bảy, làm thế nào để thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vốn tư nhân, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam? Thủ tướng cho rằng, nhiều nguồn vốn sẽ không vào Việt Nam nếu không tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng và các điều kiện thu hút khác.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/covid-19-don-ha-cac-nen-kinh-te-lon-viet-nam-van-tang-truong-duong-118642.html