Covid-19 định hình các cuộc bầu cử

Đại dịch Covid-19 đã làm chao đảo đời sống thường nhật của hàng triệu con người trên khắp hành tinh và gây thiệt hại nặng nề nền kinh tế toàn cầu.

Do ảnh hưởng của dịch, một số nước như Anh, Italy, Ba Lan, Indonesia, Sri Lanka… đã quyết định dời các cuộc bầu cử thêm nhiều tháng

Do ảnh hưởng của dịch, một số nước như Anh, Italy, Ba Lan, Indonesia, Sri Lanka… đã quyết định dời các cuộc bầu cử thêm nhiều tháng

Không những thế, trong bối cảnh làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 có nguy cơ bùng phát, dịch bệnh này đã trở thành nhân tố quyết định các cuộc bầu cử từ trung ương đến địa phương trên chính trường nhiều nước.

Do ảnh hưởng của dịch, một số nước như Anh, Italy, Ba Lan, Indonesia, Sri Lanka… đã quyết định dời các cuộc bầu cử thêm nhiều tháng. Bên cạnh sự lựa chọn đảm bảo an toàn sức khỏe toàn dân, dịch Covid-19 còn làm thâm hụt ngân sách dành cho bầu cử. Ngày 15-6, Thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam cho biết, các cuộc bầu cử địa phương ở nước này có thể sẽ bị trì hoãn thêm do ngân sách dành cho bầu cử được chuyển sang phòng chống đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 cũng đang trở thành thách thức đối với chính phủ một số nước đang bước vào mùa bầu cử, thậm chí cả khi cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong năm sau hoặc năm sau nữa. Tại Hàn Quốc, chính giới nước này cũng từng không tiếc lời chỉ trích Tổng thống Moon Jae-in vì cách xử lý cuộc khủng hoảng chậm trễ, cụ thể là những chính sách do dự đối với việc cấm người Trung Quốc nhập cảnh sau khi dịch bùng phát ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Không kể áp lực từ phe đối lập, hơn 1 triệu người dân đã ký tên vào bản kiến nghị trên mạng yêu cầu luận tội ông.

Tại Mỹ Latinh, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro giảm mạnh, ngay cả đồng minh cũ cũng kêu gọi luận tội ông vì đã không kiểm soát được Covid-19. Theo khảo sát gần đây nhất của Datafolha, khoảng một nửa dân số Brazil ủng hộ việc xem xét bãi nhiệm tổng thống. Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bolsonaro đã giảm từ 47,8% hồi tháng 1 xuống 39,2%, theo khảo sát của CNT/MDA, trong khi tỷ lệ bất mãn với tổng thống tăng từ 47% lên 55,4%. Việc từ chức của 2 bộ trưởng y tế liên tiếp cùng Bộ trưởng Tư pháp Sergio Moro cho thấy ông Bolsonaro đang ngày càng trở nên bị cô lập trong kịch bản chính trị quốc gia.

Trong khi đó, tại Mỹ, cuộc bầu cử vốn thu hút sự chú ý của thế giới, các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên cũng như các sự kiện chính trị lớn của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng tận dụng diễn biến của dịch bệnh để công kích, hạ bệ và tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Trải qua hết cuộc khủng hoảng này (Covid-19) đến cuộc khủng hoảng khác (phân biệt sắc tộc), Tổng thống Donald Trump dường như đang trong tình cảnh nguy cấp về chính trị mà ông chưa từng phải đối mặt trước đây.

Theo các cuộc thăm dò của RealClearPolitics, ứng cử viên được cho là sẽ đại diện đảng Dân chủ trong cuộc đua ngày 3-11 tới, ông Joe Biden, hiện dẫn trước ông Trump tới hơn 8%. Tuy nhiên, tờ Boston Globe nhấn mạnh: “Ông Trump cũng chẳng phải là một chính trị gia thông thường. Môi trường bất ổn tạo nên sức mạnh của ông”. Mặc dù đảng Dân chủ đã chớp thời cơ nhưng nếu dịch bệnh (và các cuộc biểu tình) còn kéo dài và trở nên khó kiểm soát hơn, cử tri có thể sẽ ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump. Viễn cảnh đó sẽ giúp ông Trump có cơ hội định hình lại chiến dịch tranh cử theo cách mà ông ta muốn”. Theo giới quan sát, trong cuộc vận động tranh cử ở Oklahoma với 200 ngàn người tham dự sắp tới, Tổng thống Donald Trump sẽ “tung chiêu” mới.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/covid19-dinh-hinh-cac-cuoc-bau-cu-667723.html